Lâm Đồng lập đề án bán và cho thuê 19 biệt thự, 5 nhà ở nhằm tạo vốn xây dựng trung tâm hành chính tập trung. Đến nay việc bán và cho thuê còn dang dở nhưng trung tâm hành chính tập trung đã vận hành hơn một tháng bằng tiền đi vay mượn.
Đề án bán và cho thuê biệt thự, nhà ở được đưa ra năm 2010 nhưng mãi đến năm 2014 thì một số cơ sở nhà đất, biệt thự mới được duyệt giá bán. Thời điểm này, trung tâm hành chính tập trung tỉnh Lâm Đồng đã xây dựng đến giai đoạn cuối.
Bán biệt thự công: Người mua không mặn mà
Theo thông tin mới nhất từ UBND tỉnh Lâm Đồng về tình hình bán đấu giá các cơ sở nhà thuộc sở hữu nhà nước nhằm tạo nguồn vốn xây dựng trung tâm hành chính tập trung tỉnh Lâm Đồng, trong năm 2014 có sáu biệt thự và nhà ở được UBND tỉnh Lâm Đồng duyệt giá. Tổng số tiền dự kiến thu về từ việc bán sáu căn biệt thự này hơn 177 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong năm chỉ bán được hai căn, số tiền hơn 69 tỷ đồng.
Đại diện Sở Tài chính Lâm Đồng cho rằng giá nhà đất chưa hài hòa trong thời điểm thị trường bất động sản đóng băng nên các căn biệt thự khó bán. Dù các căn biệt thự rao bán trong năm 2014 đến nay vẫn còn bốn căn chưa bán được nhưng UBND tỉnh Lâm Đồng đang định giá thêm năm căn nhà, biệt thự công để bán và định giá cho thuê hai căn biệt thự.
Theo tính toán của UBND tỉnh Lâm Đồng, tỉnh sẽ có thêm 241 tỷ đồng từ việc này để chi trả kinh phí xây dựng trung tâm hành chính.
Trung tâm hành chính tập trung tỉnh Lân Đồng. |
Ông Đặng Nguyễn Văn Tích, Giám đốc Trung tâm Quản lý nhà Đà Lạt, cho rằng việc bán và cho thuê biệt thự, nhà công vụ từng là trụ sở các cơ quan hành chính tỉnh Lâm Đồng diễn ra chậm và khó khăn do một số vướng mắc về quy định khiến người mua không mặn mà.
Vay mượn
Dự án xây dựng trung tâm hành chính tỉnh Lâm Đồng ban đầu Chính phủ phê duyệt với mức đầu tư hơn 495 tỷ đồng, tuy nhiên đến năm 2012 dự án được điều chỉnh với tổng vốn đầu tư 1.014 tỷ đồng. Theo Thanh tra tỉnh Lâm Đồng, việc thi công chậm tiến độ (khởi công năm 2009, dự kiến hoàn thành năm 2012) đã khiến dự án bị đội giá do giá vật liệu xây dựng, nhân công, trang thiết bị tăng theo thời gian.
Theo Thanh tra tỉnh Lâm Đồng, đề án bố trí vốn từ nguồn bán biệt thự, nhà đất công để tạo vốn xây dựng trung tâm hành chính tỉnh Lâm Đồng thiếu tính khả thi. Việc không bán được biệt thự, nhà đất đã khiến UBND tỉnh Lâm Đồng bị động trong bố trí vốn cho dự án, không bố trí vốn theo đúng tiến độ thi công thực tế khiến dự án nhiều lần bị trễ thời gian hoàn thành.
Trung tâm hành chính tỉnh Lâm Đồng hoàn thành vào cuối năm 2014 và lần lượt các sở ngành trực thuộc cấp tỉnh đã dời vào trung tâm làm việc trong thời gian này. Tuy nhiên, tính đến thời điểm đó tỉnh Lâm Đồng mới quyết toán được 584 tỷ đồng.
Nguồn chính để trang trải cho việc xây dựng trung tâm hành chính tỉnh Lâm Đồng là việc đấu giá bán và cho thuê biệt thự, nhà đất công mới được hơn 47 tỷ đồng, chỉ bằng 4,7% nhu cầu về vốn dự án. Do thiếu hụt 430 tỷ đồng để bố trí vốn tiếp tục triển khai dự án nên UBND tỉnh Lâm Đồng đã tạm ứng, vay Kho bạc Nhà nước, Quỹ đầu tư phát triển Lâm Đồng...
Theo Thanh tra tỉnh Lâm Đồng, việc bố trí vốn thanh toán cho khối lượng xây dựng đã hoàn thành và đến hạn thanh toán sẽ gặp trở ngại do việc thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đang gặp khó khăn. Đồng thời, việc bố trí vốn cho các công trình trọng điểm phát triển kinh tế - xã hội khác của tỉnh Lâm Đồng cũng bị ảnh hưởng.
Trả tiền lãi gần 34 tỷ đồng
Theo Thanh tra tỉnh Lâm Đồng, dự án xây dựng trung tâm hành chính tỉnh Lâm Đồng được triển khai từ năm 2009 đến cuối năm 2014, được chia làm hai giai đoạn với hai hình thức đầu tư khác nhau. Từ năm 2009 được triển khai với hình thức đầu tư BT (hợp đồng xây dựng - chuyển giao, Tổng công ty Xây dựng số 1 là nhà đầu tư), đến năm 2011 thì chuyển sang hình thức chủ đầu tư trực tiếp quản lý dự án bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước.
Trong giai đoạn 2009 - 2011, do tỉnh không bố trí đủ vốn theo tiến độ thi công thực tế dẫn đến thời gian thi công kéo dài, làm phát sinh lãi vay phải trả tại dự án là 33,9 tỷ đồng. Từ giữa năm 2011, UBND tỉnh Lâm Đồng thực hiện dự án xây trung tâm hành chính tỉnh Lâm Đồng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước.
Đà Nẵng: mới bán được 2 trụ sở
Trung tâm hành chính Đà Nẵng được thiết kế như một ngọn hải đăng với 34 tầng nổi, hai tầng hầm với tổng vốn đầu tư 1.981 tỷ đồng. Một lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng cho hay đến thời điểm này số tiền đầu tư xây dựng hoàn toàn là tiền ngân sách bỏ ra.
Ban đầu Đà Nẵng tính toán bán các trụ sở cũ của các cơ quan công sở để lấy tiền xây dựng trung tâm hành chính, tuy nhiên đến thời điểm này việc bán các trụ sở không thực hiện được như mong muốn.
Trước đó, tháng 5/2014 UBND TP Đà Nẵng đã quyết định phê duyệt đấu giá trụ sở các sở Nội vụ, Tư pháp, Xây dựng, Văn hóa - thể thao và du lịch, Khoa học - công nghệ, Tài nguyên - môi trường, Giao thông vận tải, Thông tin - truyền thông, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Y tế, Lao động - thương binh và xã hội, Ngoại vụ, Tài chính, Công thương, Thanh tra, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội, Ban quản lý các khu công nghiệp và chế xuất. Nhưng đến nay chỉ bán được hai trụ sở là Thanh tra và Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội với số tiền 42 tỷ đồng.
Ngoài ra, do nhu cầu cần đất cho y tế nên vừa qua lãnh đạo TP quyết định lấy trụ sở Sở Giao thông vận tải và Sở Lao động - thương binh và xã hội để xây dựng hai bệnh viện tim mạch và y học cổ truyền. Lý do các khu đất chưa bán được là do có khu nhà đất diện tích lớn nằm ở vị trí đắc địa, người mua phải xây dựng đảm bảo theo kiến trúc quy hoạch của TP nên giới đầu tư bất động sản ngại mua.
Ông Lê Doãn Lâm, Phó giám đốc Công ty Quản lý nhà Đà Nẵng, cho biết hiện tại do nhu cầu sử dụng đất, nhà nên một số trụ sở được tính toán để lại sử dụng vào các mục đích khác nhau chứ không bán hết như dự tính trước đây.
Bà Rịa - Vũng Tàu: hy vọng sẽ bán được trụ sở cũ
Từ tháng 4/2012, trung tâm hành chính chính trị có tổng giá trị đầu tư 1.461 tỷ đồng của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chính thức đi vào hoạt động tại TP Bà Rịa. Theo UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, số tiền bỏ ra để xây trung tâm hành chính được lấy từ ngân sách tỉnh. Để bù lại một phần chi phí xây dựng trung tâm hành chính, chủ trương của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là bán đấu giá các khu đất, trụ sở cũ còn lại ở Vũng Tàu. Việc bán đấu giá được giao cho Sở Tài chính tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chủ trì.
Ngày 9/6, ông Nguyễn Dương Hùng, Phó giám đốc Sở Tài chính tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết hiện tại sở đang hoàn tất các phương án bán đấu giá đất và tài sản trên đất của những trụ sở cũ tại Vũng Tàu. Về trị giá của toàn bộ các khu đất dự kiến bán đấu giá, theo ước đoán của giới kinh doanh bất động sản là khoảng 1.000 tỷ đồng vì những khu đất trên đều nằm ở các vị trí đắc địa và ở trung tâm Vũng Tàu.
Ông Hùng cho biết hiện giờ chưa thể ước được số tiền bán đấu giá là bao nhiêu vì còn phụ thuộc vào thẩm định giá, vào thị trường và người mua cũng như vị trí đất, tài sản trên đất. “Hi vọng khi đấu giá xong sẽ bù được một phần chi phí đã đầu tư xây dựng trung tâm hành chính mới” - ông Hùng nói.
Cần Thơ: Không làm cao ốc 25 tầng giữa trung tâm
UBND TP Cần Thơ vừa có quyết định sẽ di dời các trụ sở cơ quan hành chính từ quận Ninh Kiều sang khu đất 11 ha thuộc dự án Trung tâm văn hóa Tây Đô (diện tích 116ha, Q.Cái Răng). Theo kế hoạch, dự án trung tâm hành chính tập trung mới của TP Cần Thơ sẽ được thực hiện trong giai đoạn 2016 - 2020.
Thông tin này đã gây nhiều thắc mắc cho người dân bởi trước đây TP dự định làm cao ốc hành chính 25 tầng với vốn đầu tư khoảng 567 tỷ đồng ngay khu vực trung tâm TP. Tháng 7/2011, trên cơ sở đề xuất của Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư khu phức hợp cao ốc hành chính của TP này.
Theo phương án thiết kế lúc đó, khu đất xây dựng khu phức hợp cao ốc hành chính Cần Thơ có diện tích khoảng 9.200 m2, tọa lạc tại trung tâm quận Ninh Kiều, khu vực trụ sở hiện hữu của các sở Xây dựng, Giao thông vận tải, Trường nghiệp vụ Giao thông vận tải, Bưu điện TP và một số hộ dân. Khu phức hợp dự kiến cao 25 tầng, thời gian xây dựng khoảng bốn năm.
Trả lời về thông tin tiền đâu để xây trung tâm hành chính mới của Cần Thơ cần vốn đầu tư 2.000 tỷ đồng, bà Võ Thị Hồng Ánh - Phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết có lẽ là sự khái toán dựa theo suất đầu tư và ước tổng diện tích sử dụng chứ hiện nay TP chưa đưa ra con số chính thức về số tiền đầu tư. Khi đã chọn được phương án thiết kế (dự kiến cuối tháng 6/2015) thì mới tính diện tích sử dụng và nhu cầu cụ thể, vì vậy lúc đó mới xác định được nguồn kinh phí thực hiện là bao nhiêu.
Cũng theo bà Ánh, TP không bỏ phương án xây cao ốc mà chỉ dời sang địa điểm khác thích hợp hơn. Bên cạnh phương án công trình riêng rẽ thì TP cũng muốn có phương án cao ốc để tiết kiệm quỹ đất.