Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Làm cây phát lộc: Thất mùa cũng thu lời

Dễ sinh trưởng, chi phí trồng thấp và cho thu nhập quanh năm là những ưu điểm của cây phát lộc, giúp các hộ gia đình ở Đình Phùng (Thái Bình) thu nhập cao gấp 3-4 lần trồng lúa.

Gắn bó với nghề trồng và làm cây phát lộc gần 10 năm nay, anh Nguyễn Văn Tuấn ở Đình Phùng (Minh Tân, Đông Hưng, Thái Bình) cho biết, làm cây phát lộc thu lời cao, chẳng bao giờ thua lỗ hay rủi ro như trồng đào, trồng lúa.  

“Cây phát lộc rất dễ trồng, phát triển nhanh, giống rẻ và chi phí chăm trồng thấp. Thông thường, trồng phát lộc chỉ khoảng 2 – 3 tháng là cho thu hoạch. Lượng cây làm chậu cảnh, bán ra được gần 5 triệu đồng, thì chi phí chăm bón, thuốc sâu chưa đến 500.000 đồng”, anh Bình, một hộ gia đình trong làng chia sẻ.

Chậu phát lộc cảnh có giá cao và bán chạy trên thị trường. Ảnh: Ngọc Lan.

Cây phát lộc nguyên liệu có giá khoảng 1.500 – 2.500 đồng/cây, vào thời điểm cuối năm có thể lên đến 3.000 đồng/cây. Trước kia, người dân thường bán cây nguyên liệu, kèm cành đào và các loại hoa khác, thu nhập chỉ vài trăm nghìn đồng/ngày. Tuy nhiên, từ ngày tận dụng cây nguyên liệu có sẵn để tạo hình chậu cảnh, các hộ gia đình tại Minh Tân có thu nhập lên đến 50 - 80 triệu đồng/năm.  

 Theo chị Oanh, sản phẩm được ưa chuộng nhất hiện nay là tháp phát lộc. Loại thân cây được cắt đoạn, ghép thành từng tầng, trông như tòa tháp. Ngoài ra, dạng lộc bình (được xếp từ các thân cây phát lộc, có hình giống chiếc bình) cũng khá phổ biến. Mỗi năm, gia đình chị cung cấp ra thị trường khoảng 5.000 sản phẩm.

Các sản phẩm làm từ cây phát lộc có giá bán ra thị trường rất cao, từ 200.000 đồng cho đến 1 - 2 triệu đồng. Loại đặc biệt cao 19 – 21 tầng, giá bán 6 – 7 triệu đồng/sản phẩm. Thường, dáng hình tháp phát lộc đắt hơn dáng lộc bình khoảng 50.000 – 100.000 đồng. Theo tính toán của anh Bình, mỗi chậu loại thường bán giá 500.000 đồng, trừ chi phí cây nguyên liệu, chậu kê, dây đai, keo, xi gắn...chỉ mất hơn 100.000 đồng, lãi thu được khoảng 300.000 – 350.000 đồng. 

Ngoài dáng tháp phát lộc truyền thống, ngày nay, người dân xã Minh Tân còn sáng tạo ra những hình dáng như lộc bình, cánh chim công,… cho giá cao và đáp ứng nhu cầu đa dạng cho người chơi. Nếu biết chăm sóc, bảo quản, chậu phát lộc có thể chơi được 2 – 3 năm. 

Ngoài để chơi Tết, chậu phát lộc còn được dùng làm cảnh chưng trong nhà vào dịp lễ, cúng tế hoặc đám cưới, hỏi. Tính từ đầu năm tới giờ, các hộ gia đình như nhà anh Tuấn, anh Bình… làm được khoảng 500 chậu, cho thu nhập 70 triệu đồng.

Trung bình mỗi hộ gia đình ở Đình Phùng cho thu nhập 50 - 80 triệu đồng/năm từ trồng và làm chậu cây phát lộc. Ảnh: Ngọc Lan.

Năm nay, do thời tiết nắng nhiều nên các vườn lộc bình bị cháy lá đến 20%. Tuy nhiên, theo anh Bình, nếu như trồng đào, trồng lúa mà thiệt hại mất 20% thì chỉ có thất thu. Nhưng trồng phát lộc, gia đình vẫn tận dụng được đoạn thân lành làm dáng tháp, thiệt hại là không đáng kể.  

“Ưu điểm của phát lộc là cho thu quanh năm. Các vụ trồng phát lộc được gối lên nhau, nên hầu như tháng nào cũng có cây bán và nguyên liệu để làm chậu. Bên cạnh đó, người làm chậu cảnh có thể tận dụng những cây cong, cây già làm tháp, ngọn để nhân giống cho vụ sau”, anh Tuấn nói.

Gần Tết, mặt hàng chậu phát lộc cảnh cháy hàng. Ảnh: Ngọc Lan.

Chị Phạm Thị Kim Oanh, chuyên buôn cây lộc bình tại đây cho biết, lượng tiêu thụ phát lộc năm nay cao gấp 2 lần so với năm trước. Năm nay, cây nguyên liệu hiếm đã kéo giá chậu cảnh tăng lên 20%. Tính từ đầu tháng 7 đến nay, vợ chồng chị Oanh đã bán buôn, bán lẻ hơn 2.000 chậu, lẵng. Hiện trong nhà chỉ còn dư khoảng 500 – 600 chậu để phục vụ cho Tết âm lịch.

“Mấy năm gần đây, ngoài thị trường miền Bắc, sản phẩm làm từ cây phát lộc đang phát triển rộng hơn ở các tỉnh miền Trung. Nửa năm trở lại đây, chậu cảnh làm đến đâu là hết đến đấy. Hiện tại, nguồn cây nguyên liệu trồng tại xã không đủ nên bà con phải sang các tỉnh lân cận như Hưng Yên, Nam Định và lên Hà Nội để thu mua”, chị Oanh chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Quý, Chủ tịch xã Minh Tân cho biết, nhờ nghề làm chậu phát lộc mà mấy năm gần đây, đời sống vật chất của bà con nơi đây cải thiện nhanh chóng. “Vào những tháng trước Tết âm lịch, các ngả đường vào thôn chận kín xe mua cây, người bán người mua vui như hội”, ông Quý nói.  

 Cây phát lộc thuộc loài cây họ vạn niên thanh, thân thảo, đốt rỗng, to bằng ngón tay trỏ người lớn, lá màu xanh thẫm. Khi cây trưởng thành, có thể dài gần một mét. Cây có sức đề kháng rất tốt. Nếu ngắt cành trưởng thành cắm vào nước hoặc trên đất, cây vẫn sống rất khoẻ, và đâm chồi nảy lộc. Nhiều người quan niệm, trưng cây phát lộc trong nhà mang lại may mắn và tài lộc.

Người trồng phật thủ chưng Tết mất tiền tỷ vì quả chín sớm

Do năm nhuận và thời tiết thay đổi thất thường nên nhiều vườn phật thủ ở Đắc Sở (Hoài Đức, Hà Nội) cho thu hoạch quả sớm, nhiều gia đình thu thiệt đến tiền tỷ.

Ngọc Lan

Bạn có thể quan tâm