Công nhân làm việc ở Nhà máy In Việt Bắc. Ảnh tư liệu. |
Tòa soạn báo Công tác thóc gạo có 12 người. Báo đề cập các vấn đề: Mỗi năm thu hoạch bao nhiêu thóc, các kho thóc được giữ gìn ra sao, chất lượng gạo như thế nào... Dẫu sao đây cũng là bước thay đổi nên tôi nhận lời về tòa soạn ngay.
Mỗi sáng, tôi bế con đến phòng làm việc. Sáu chị em ngồi một bàn dài. Vẫn là thói quen cũ, ai có con mọn đều buộc một cái dây rừng dài từ bàn làm việc đến chân các cháu để tha hồ cho các cháu lê la quanh đấy.
Tôi cảm thấy hạnh phúc vì con có bạn cùng chơi và các bạn rất quý tôi. Rồi cũng qua nhanh cái cảm giác tủi nhục, đớn đau của những đêm dài thức trắng, tay quạt cho con, cố khua bằng được cái mùi cứt gà hôi tanh rất dai dẳng trong cái nhà kho thay phòng ngủ ấy.
Đêm ngủ yên giấc hơn. Gặp hai vợ chồng em tôi, tôi đã có thể nhìn thẳng. Quả là hết hận thù, lòng mình nhẹ nhàng đi rất nhiều.
Vì công việc phải làm ngoài cơ quan, tôi được cấp một chiếc xe đạp phượng hoàng, có thanh ngang, vô cùng nặng và yên xe rất cao. Mỗi lần đạp, tôi phải nhướn bên này, nhướn bên kia nhưng khó khăn ấy chẳng là gì.
Mặc cho những con đường bị đào nham nhở, mặc cho những cầu tre bắc qua suối cứ chông chênh theo bước đi, hàng tháng, tôi đi kiểm tra, ghi chép tình trạng của hết kho thóc này sang kho khác, tình hình nộp thuế nông nghiệp của từng vùng...
Công nhân làm việc ở Nhà máy In Việt Bắc. Ảnh tư liệu. |
Những nơi làm tốt đều được biểu dương rất kịp thời lên báo Công tác thóc gạo và được phát hành rộng rãi.
Mỗi chuyến đi như thế, sổ tay của tôi dày đặc danh sách các thứ mà bạn bè nhờ mua: Thức ăn, quà vặt, thuốc đánh răng, vài thước vải đen may quần... Các bạn ở nhà chăm sóc cho Phước khi mẹ đi vắng. Cuộc sống khá dần lên, tôi mạnh khỏe trở lại. Khoảng 20 ngày một lần, tôi đến nhà in, thường là ở trong các hang đá được ngụy trang rất kỹ.
Xưởng in này mùa hè vừa oi bức vừa ẩm ướt, mùa đông gió lùa cắt da. Khoảng ba chục anh chị, trước kia vốn là công nhân các nhà máy in ở Hà Nội, đã tình nguyện lên đây. Người nào người nấy phù thũng, xanh xao, vàng vọt vì sốt rét và đói ăn.
Gạo được cấp vừa ẩm, vừa mục, vừa hôi, nấu xong phải để cho bay hơi mới trệu trạo nuốt được vài miếng. Cùng hoàn cảnh nên lúc gặp nhau, ai cũng tay bắt mặt mừng, chuyện trò rôm rả, cười nói vang cả vách núi.
Nhờ có chiếc xe đạp, mỗi lần đến tôi đèo thêm bắp non, sắn củ, lá cây rừng để nấu nước uống. Hôm nào may mắn xin được một bao thuốc lá mang đến thì hôm ấy nấu nước lá rừng, nướng sắn, luộc bắp và phì phèo thuốc lá đến tận đêm khuya.
Những bài báo được xếp lên khuôn với những dòng chữ bằng chì. Hôm nào còn mực in thì hai ngày sau sẽ có báo. Nếu hết mực, phải có người mạo hiểm về Hà Nội để mua. Thiếu giấy in, lại phải chờ dài ngày hơn. Tôi ra ngoài hang, cùng cuốc đất trồng rau với anh chị em.
Tờ Công tác thóc gạo lúc đầu có bốn trang, sau lên sáu trang rồi mười hai trang. Giấy một màu vàng ố, sờ hơi nhám, mỗi lần in 100 số. Mỗi địa phương được phân phối 5 số, sau đó báo được chép lại bằng tay để đưa đến mỗi kho thóc. Vì bảo mật và an toàn, nhà in không lưu lại trong hang một bản nào cả.
Vào mùa mưa lũ, con suối trở thành những dòng nước hung hãn, đục ngầu. Những chiếc cầu mong manh bị đập vỡ tan. Không biết bao nhiêu lần tôi đành lại trở về hang, co ro ngồi ôm những tập báo và tìm mọi cách để có một ít thức ăn.
Trên đường về, tôi phân phối báo đến các trạm. Những trạm này sẽ lo việc chuyển báo đến các kho thóc. Chúng tôi cho vào lưu trữ hai tờ một tờ gởi lên Bộ Tài chính.
Trong Bảo tàng Cách mạng, tờ Công tác thóc gạo thuở nào được cất giữ trân trọng trong những hộp kính. Tôi nhìn màu giấy nâu nâu, vài cọng rơm vẫn còn thấy rõ, chữ in thì nhòe nhoẹt, rất khó đọc. Nhưng đối với chúng tôi, tờ báo quá thiêng liêng. Đó là công sức của không biết bao nhiêu người.
Trong những năm 1952-1953, tất cả vấn đề liên quan thóc gạo là vô cùng quan trọng. Vì chính những kho gạo ấy sẽ là nguồn tiếp tế lương thực cho chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954.
Mỗi tháng một lần, mỗi người phải đi lấy 15 kilô gạo tại một kho cách cơ quan chừng tám cây số. Chủ nhật đầu tháng, khoảng hai chục anh chị em chúng tôi, ăn mặc như bà con người Cao Lan, đòn gánh và hai chiếc gùi sẵn sàng trên vai.
Rời khỏi cơ quan, chúng tôi chia thành nhóm hai, ba người và giữ im lặng. Nhìn bề ngoài không khác gì bà con dân tộc đi chợ.
Khi trở về, đôi vai đau buốt vì những gùi gạo nặng trịch và đành ngoảnh mặt làm lơ với những hàng quán bên đường bán phở, bán bún, mùi thơm ngào ngạt. Tiền còn phải để đành cho con.