Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Làm 5.000 cái bánh tro bán Tết Đoan Ngọ ở Sài Gòn

Nhiều khu chợ tại TP.HCM chiều 29/5 đã tấp nập người mua bán bánh tro, cơm rượu, lá xông nhà, trái cây… để chuẩn bị cho ngày Tết Đoan Ngọ.

Từ sáng sớm, các khu chợ lớn ở TP.HCM như chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), chợ Tân Định (quận 3),… đã tấp nập mua bán. Điểm đặc biệt hơn mọi ngày, hàng chục gian hàng bánh tro và lá xông được bày bán la liệt tại lối đi xung quanh các khu chợ.

Dù chưa phải ngày cúng chính, buổi chiều 29/5 đã có khá đông người dân đổ xô đi mua bánh tro, bánh ít, lá xông nhà,… để chuẩn bị cho ngày Tết Đoan Ngọ (5/5 âm lịch).

Tet Doan Ngo anh 1
Anh Sơn chuẩn bị gần 5.000 chiếc bánh tro cho ngày Tết Đoan Ngọ. Ảnh: Thái Nguyễn.

Anh Sơn (quận Bình Thạnh, TP.HCM), người bán bánh tro tại chợ Bà Chiểu, cho hay nhà anh gói khoảng 5.000 bánh, bỏ mối cho người quen bán 2.000 cái, còn lại thì bán lẻ và giao khách.

“Chỉ trong buổi chiều qua mà tôi đã bán được gần 200-300 bánh với giá 60.000 đồng/chục”, anh Sơn nói.

Theo khảo sát, giá bánh tro loại không nhân tại chợ trong chiều 29 dao động 35.000-40.000 đồng/chục, loại có nhân 60.000-80.000 đồng/chục.

Theo anh Sơn, loại bánh này là bánh truyền thống ăn trong ngày Tết Đoan Ngọ của người Việt. Chiếc bánh có hình chóp to bằng nắm tay người lớn, bên ngoài gói lá với nguyên liệu chính là nếp và nước tro.

“Quan niệm ăn bánh tro và cơm rượu vào ngày Tết Đoan Ngọ sẽ giúp có được may mắn, diệt sâu bọ gây hại mùa màng và làm ăn phát đạt”, anh Sơn cho biết thêm.

Tet Doan Ngo anh 2
Theo quan niệm, ăn bánh tro vào ngày Tết Đoan Ngọ giúp xua đuổi được vận xấu. Ảnh: Liêu Lãm. 

Thường những người bán bánh tro, bánh ít hoặc những hộ bán hoa tại chợ sẽ “kiêm” luôn mặt hàng lá xông nhà (lá đuổi sâu bọ). Những bó lá bao gồm xương rồng, sả, khuynh diệp, tràm, lá lốt, bạch đàn, bưởi,… đã được bó sẵn và bày bán khắp chợ với giá 10.000 đồng.

Theo người bán tại chợ, quan niệm này xuất phát từ việc những loại lá này có dược tính cao, có thể đuổi được sâu bọ. Người mua treo trước nhà với mong muốn nhà cửa sạch sẽ, thông thoáng, làm ăn thuận lợi.

Ngoài các loại bánh và lá dành riêng cho ngày Tết Đoan Ngọ, mặt hàng bán chạy nhất phải kể đến là hoa quả.

Chị Hằng, một tiểu thương chuyên lấy sỉ trái cây tại chợ đầu mối Thủ Đức (quận Thủ Đức), cho biết riêng hôm 29/5, chị đã phải dậy sớm hơn thường ngày gần 2 tiếng đồng hồ để đi chợ lấy hàng.

“Rút kinh nghiệm mấy năm trước, năm nay tôi ra chợ sớm hơn để lựa hàng. Mà quan trọng là mua được nhiều”, chị nói.

Tet Doan Ngo anh 3
Lá xông nhà 10.000 đồng/bó được bán rất nhiều tại các chợ TP.HCM ngày Tết Đoan Ngọ. Ảnh: Liêu Lãm.

Theo chị Hằng, để lấy được lượng trái cây với lượng nhiều gấp đôi so với ngày thường, chị phải liên tục ghé nhiều sạp hàng để mua. Các mặt hàng cũng phải đa dạng và đủ chất lượng.

Theo kinh nghiệm buôn bán lâu năm, người miền Bắc chuộng các loại trái như mận, vải..., riêng người miền Nam thì thoải mái hơn, thích trái gì thì họ mua trái đó đó.

Chị Hằng nói thêm trung bình giá trái cây không quá tăng so với ngày thường, mức tăng dao động 5.000-10.000 đồng/kg. Riêng 3 loại giá tăng đột biết bao gồm bòn bon (70.000 đồng/kg, tăng 20.000 đồng/kg), mãng cầu (60.000 đồng/kg, tăng 25.000 đồng/kg).

"Riêng giá vải đầu mùa cũng không cao, loại đi máy bay (vải được vận chuyển bằng máy bay) khoảng 70.000 đồng/kg, loại vận chuyển bằng đường bộ giá 45.000-50.000 đồng/kg", chị nói. 

Người miền Nam thường mua mâm cúng trái cây gồm mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài chưng mâm ngũ quả để cầu phát đạt. Trước ngày Tết Đoan Ngọ, các loại trái này dù được mua nhiều giá cũng không tăng, từ 30.000 đến 45.000 đồng/kg, do thời điểm này đang vào mùa trái cây.

Bánh ú nước tro, lá xông đắt hàng ngày Tết Đoan Ngọ ở Sài Gòn

Từ tối 29/5, các chợ ở TP.HCM tấp nập người dân mua đồ cúng Tết Đoan Ngọ. Mặt hàng được bán phổ biến nhất là bánh ú nước tro.




Thái Nguyễn

Bạn có thể quan tâm