Trong 1 tháng vừa qua, cả nước liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn giao thông xuất phát từ việc lái xe say xỉn. Gần đây nhất là vụ tài xế Mercedes đâm chết 2 phụ nữ ở hầm Kim Liên đêm 30/4 và vụ tài xế Hyundai Veracruz đâm chết nữ công nhân vệ sinh môi trường tại đường Láng cách đó 1 tuần.
Cơ quan công an đã khởi tố vụ án với cả 2 vụ việc trên. Dư luận cũng ngay lập tức đặt cho thủ phạm gây ra vụ việc những danh xưng đầy phẫn nộ như "kẻ giết người", "sát nhân", đồng thời gọi việc uống rượu bia khi lái xe là "tội ác".
"Người điều khiển ôtô không khác gì cầm 1 khẩu súng"
Sáng 3/5, Báo Giao thông tổ chức cuộc tọa đàm “Cách nào ngăn chặn tài xế uống rượu, bia gây TNGT” với sự tham gia của lãnh đạo Ủy ban ATGT Quốc gia, Ủy ban Tư pháp Quốc hội, đại diện Cục CSGT và các luật sự, bác sĩ quan tâm đến vấn đề tai nạn giao thông... Trong buổi tọa đàm, bà Phan Thị Thu Hiền – Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ, đã gọi vụ tai nạn ở hầm Kim Liên là "đỉnh điểm phẫn nộ".
Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Ảnh: Ngọc Tân. |
"Có thể sắp tới chúng tôi sẽ nghiên cứu cụ thể để tăng mức tiền xử phạt, tăng thời gian tước giấy phép lái xe và thêm nhiều hình phạt bổ sung", bà Hiền nhấn mạnh.
Cũng tại hội thảo, ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia, cho rằng sự phẫn nộ của xã hội trong vụ tai nạn giao thông ở hầm Kim Liên vừa qua cho thấy nhận thức của người dân về vấn đề này tốt lên nhiều.
"Trong năm 2018, lực lượng CSGT xử phạt hơn 91.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Từ 2019 đến nay có thêm gần 50.000 trường hợp vi phạm"
Đại diện Cục CSGT
Theo ông Hùng, người lái xe sau khi được cấp bằng lái chắc chắn phải biết uống rượu bia khi lái xe là hành vi bị cấm và biết có thể gây chết người nhưng anh ta vẫn thực hiện. Hành vi uống rượu bia lái xe gây tai nạn khiến cho một người tốt trở thành kẻ giết người.
"Pháp luật nghiêm cấm hành vi uống rượu bia lái xe vì nó gây nguy hiểm cho xã hội. Điều khiển phương tiện cơ giới nguy hiểm không khác gì đang cầm trong tay một khẩu súng. Đã có ví dụ về việc sử dụng ôtô làm phương tiện khủng bố rồi. Chúng ta cần làm rõ điều này để có ứng xử cho phù hợp", Đại diện Ủy ban ATGT Quốc gia nhấn mạnh.
"Khó kết tội giết người"
Trao đổi với Zing.vn, ông Đỗ Đức Hồng Hà, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Quốc hội, ghi nhận những bức xúc của người dân và đồng tình với quan điểm cho rằng hình phạt với hành vi uống rượu bia khi lái xe vẫn còn nhẹ, chưa đủ răn đe.
Điều 260 Bộ luật Hình sự quy định hành vi uống rượu bia khi tham gia giao thông có khả năng gây ra những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn. Tuy nhiên, để hiểu được thế nào là khả năng thực tế gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời thì đây là nội dung Hội đồng thẩm phán TAND tối cao cần có văn bản hướng dẫn.
Theo ông Hà, tội giết người chỉ là cách gọi trong trường hợp cố ý giết người, còn với trường hợp vô ý thì chỉ gọi là "làm chết người". 2 loại tội này tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội khác nhau rất xa.
Tội Giết người hình phạt sẽ từ 15 năm tù đến tử hình, còn tội vi phạm quy định khi tham gia giao thông thì tối đa chỉ 15 năm tù, chỉ bằng mức tối thiểu của tội giết người.
Ông Đỗ Đức Hồng Hà, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Quốc hội. Ảnh: Ngọc Tân. |
"Nhiệm vụ của chúng ta là phải chứng minh được lái xe say rượu đâm chết người là cố ý hay vô ý. Có người điều khiển phương tiện giao thông, khi cán người, biết gây tai nạn đã cố tình lùi lại cán tiếp để nạn nhân chết, thì trường hợp này tội giết người là rõ ràng.
Còn người điều khiển phương tiện giao thông đi quá tốc độ trong trạng thái say rượu bia, chất kích thích khác, rồi va quệt với phương tiện đi bên cạnh khiến người trên phương tiện đó ngã ra đường tử vong, thì rất khó xác định đó là lỗi cố ý. Mà không phải là lỗi cố ý gây hậu quả chết người thì không thể định tội là giết người", ông Hà phân tích.
Nghiên cứu mức xử phạt 30 triệu, tước bằng lái 2 năm
Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) chỉ ra 2 loại chế tài xử lý với hành vi điều khiển phương tiện sau khi uống rượu bia, sử dụng chất kích thích, gồm xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 46 và xử lý hình sự theo Điều 260 Bộ luật Hình sự.
Theo đó, Nghị định 46 quy định các mức phạt hành chính khi bị phát hiện vi phạm, còn Điều 260 Bộ luật Hình sự chủ yếu nói về các trường hợp vi phạm dẫn đến hậu quả chết người, thiệt hại tài sản.
Để tăng tính răn đe, nhiều ý kiến cho rằng không cần đợi đến khi gây hậu quả mà ngay khi bị phát hiện say xỉn lái xe, có nguy cơ gây hậu quả nếu không được ngăn chặn kịp thời, tài xế đã phải chịu trách nhiệm hình sự và đối mặt với án phạt tù.
"Chúng ta cần có văn bản hướng dẫn cụ thể những trường hợp nào được coi là có nguy cơ gây hậu quả nếu không được ngăn chặn kịp thời. Ví dụ như tình trạng uống rượu bia say khiến mất kiểm soát hoặc dùng chất kích thích điều khiển phương tiện giao thông. Những trường hợp đó nếu có văn bản hướng dẫn thì có thể xử lý hình sự theo khoản 4, điều 260 Bộ luật hình sự và hình phạt lên đến 1 năm tù", luật sư Đặng Văn Cường nêu quan điểm.
Chiếc xe do người đàn ông say rượu điều khiển tông chết hai phụ nữ ở hầm Kim Liên (Hà Nội) rạng sáng 1/5. Ảnh: Oto+ |
Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, cho biết đã tiếp thu Chỉ thị 04 của Bộ trưởng GTVT về việc tăng mức phạt đối với tài xế uống rượu bia.
"Tại các nước, hành vi vi phạm nồng độ cồn có thể bị xử phạt 20 năm tù. Tại Trung Quốc, ý thức người dân được nâng cao, không có chuyện uống rượu bia lại lái xe. Việc nghiên cứu điều chỉnh quy định pháp luật rõ ràng là cần thiết", lãnh đạo Tổng cục Đường bộ nhận định.
Theo thượng tá Nguyễn Quang Nhật, Phó Trưởng phòng Tuyên truyền và phổ biến pháp luật về ATGT (Cục CSGT), việc CSGT xử phạt các trường hợp vi phạm nồng độ cồn xét cho cùng chỉ là phần ngọn. Vấn đề gốc là cần một môi trường pháp lý chặt chẽ, có sự ràng buộc rõ ràng để khi người tham gia giao thông nghĩ đến hình phạt, chế tài hành chính… là không muốn, không dám vi phạm.
"Bên cạnh chế tài xử phạt, cần có sự lên án của cộng đồng đối với hành vi uống rượu bia của người điều khiển phương tiện. Chúng ta cần có một cuộc vận động toàn xã hội cùng lên án hành vi này", ông Nhật nói.
Ông Lê Văn Thanh, đại diện Vụ An toàn giao thông (Bộ GTVT), cho biết tới đây sẽ xin ý kiến Bộ Tư pháp và trình Chính phủ trong tháng 6 về Nghị định sửa đổi Nghị định 46.
"Hiện chúng tôi đang nghiên cứu tăng mức xử phạt lên 20 - 30 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 24 tháng với nhóm hành vi liên quan đến nồng độ cồn", ông Thanh cho biết.