Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lại tranh cãi chuyện ngân hàng 'ăn dày, ăn mỏng'

Ngân hàng đang được hưởng chênh lệch lãi suất huy động - cho vay lên tới 6% hay mức thấp hơn là chủ đề nóng trong cuộc hội thảo về tín dụng chiều nay.

Lại tranh cãi chuyện ngân hàng 'ăn dày, ăn mỏng'

Ngân hàng đang được hưởng chênh lệch lãi suất huy động - cho vay lên tới 6% hay mức thấp hơn là chủ đề nóng trong cuộc hội thảo về tín dụng chiều nay.

Trong cuộc hội thảo về tín dụng, lãi suất chiều 21/5 tại Ngân hàng Nhà nước, chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu vẫn giữ quan điểm cho rằng, chênh lệch lãi suất các ngân hàng thu về lên tới 6% là bất hợp lý. Ông cho rằng, nếu ngân hàng cứ tiếp tục sử dụng, sẽ không tồn tại được lâu vì người gửi tiền không thể mãi mãi trả cho ngân hàng một giá “ngon” như vậy. “Ở Mỹ, chênh lệch chỉ tối đa 3% cho những khoản vay có tài sản thế chấp tuyệt đối an toàn, ở Singapore, Đài Loan cũng tương tự. Mức cao như ở Việt Nam là điều bất hợp lý”, chuyên gia này nhìn nhận.

 
 Theo các chuyên gia, mức chênh lệch giữa lãi suất đầu ra và đầu vào ngân hàng bỏ túi lên tới 5-6%, song các nhà băng đều một mực phủ nhận. Ảnh minh họa: Lan Anh.

Không phải đến bây giờ, vấn đề chênh lệch lãi suất mới được đem ra mổ xẻ. Trước đó, đã có nhiều ý kiến cho rằng, các ngân hàng đã “ăn dày” khoản chênh này nhưng vẫn kêu khó khăn. Khi Thủ tướng ký nghị quyết yêu cầu ngân hàng giảm chênh lệch lãi suất, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cao Sĩ Kiêm bình luận, ngay cả khi cắt giảm, chênh lệch vẫn còn khá lớn so với mức trung bình nên duy trì là 2,5-3%. Hiện tại, mức chênh lệch phổ biến 5-6% với kỳ hạn ngắn, và 4,5-5% với kỳ hạn dài. Các ngân hàng thương mại huy động kỳ hạn ngắn 6-7,5%/năm, còn cho vay ra 11-13%/năm, còn dài hạn huy động 9,5-10%, cho vay 14-16%/năm. Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, khi bình luận về chênh lệch này cho biết, không phải bây giờ, khoảng cách chênh lệch này mới cao mà suốt một thời gian dài đã duy trì như vậy.

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, mức chênh lệch cao ở một số ngân hàng là do nợ xấu và sự kém lành mạnh.

Ngân hàng "cãi" không

“Tôi phản đối quan điểm cho rằng ngân hàng ăn chênh lệch lãi suất đầu vào và đầu ra lên tới 6%, vì thực tế, mức 3-4% là quá lý tưởng trong bối cảnh hiện nay rồi”, Phó chủ tịch HĐQT ngân hàng Bưu điện Liên Việt - ông Nguyễn Đức Hưởng - thẳng thắn bày tỏ. Lý do khiến cho cảm xúc của ông này gay gắt, mạnh mẽ như vậy là có ý kiến cho rằng, khoản chênh lệch ngân hàng bỏ túi lên tới 6%, khi lãi suất huy động hiện nay phổ biến 7,5%/năm với kỳ hạn 12 tháng trở lại, còn cho vay luôn ở ngưỡng ít nhất 13%. Đại diện LienVietPostBank cho rằng, nhiều nhà băng, trong đó có đơn vị ông, thậm chí còn có chênh lệch âm khi cho vay thấp nhất 6-8%/năm mà đến nay vẫn còn 9/10 phần vốn huy động có lãi trên 12%/năm, nên không thể “ăn dày” như vậy.

Theo cơ quan thanh tra giám sát (Ngân hàng Nhà nước), năm 2012, các ngân hàng thu về chênh lệch khoảng 20.000 tỷ đồng từ số lãi thu về do cho vay ra là 420.000 tỷ đồng và tiền lãi trả cho huy động 408.000 tỷ.

Đồng quan điểm, Phó tổng giám đốc ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - ông Nguyễn Tiến Đông - cũng chia sẻ, chênh lệch giữa đầu ra và đầu vào tại ngân hàng này trên lý thuyết là hơn 4%, chưa bao gồm trích lập dự phòng rủi ro và một số biện pháp khác. Hiện tại, theo ông Đông, lãi suất cho vay ở ngân hàng này bình quân là 12%/năm, có khoản chỉ 8-10% nhưng cũng có khoản 11-13%, và chỉ thu được khoảng 80% trong số này. Còn lại, doanh nghiệp bị đọng, không trả được. Ngược lại, lãi suất huy động phải đến đầu tháng 9 năm nay mới trả hết các khoản đã huy động trước đó 12%/năm, do đó, mức 7,5% trần hiện nay không thực tế trong bản cân đối kế toán của ngân hàng mà chỉ là số liệu “nghe tưởng chừng như vậy”. Chốt lại, ông Đông cho rằng 6% chênh lệch ngân hàng bỏ túi như một số ý kiến chỉ là con số trong mơ.

Theo ý kiến của chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, câu hỏi nền kinh tế phải trả lãi ngân hàng bao nhiêu nghìn tỷ đã được đặt ra từ rất lâu, nhưng phải đến gần đây, ngân hàng mới lên tiếng về việc phải dùng mấy trăm ngàn tỷ để trả lãi cho người gửi tiền. Chuyên gia này thắc mắc, tại sao Ngân hàng Nhà nước không nhanh chóng chứng minh cho người dân thấy, chênh lệch lãi suất giữa đầu ra và đầu vào thực tế không cao mà cứ để cho dư luận nghi ngờ. “Giả định chênh lệch lãi suất là 4% trong khoảng 3 triệu tỷ đồng dư nợ (120.000 tỷ đồng) và nếu tính tổng tín dụng là doanh thu thì 120.000 tỷ đồng tỷ suất lợi nhuận của ngân hàng trên 3 triệu tỷ dư nợ không phải là con số lớn, thậm chí còn thua nhiều doanh nghiệp. 120.000 tỷ này chia cho 100 tổ chức tín dụng, bình quân mỗi anh thu về 1.200 tỷ đồng, sau đó lại chia cho vốn tự có, thì thực ra không hề cao”, ông Ánh phân tích.

Lan Anh

Theo Infonet

Lan Anh

Theo Infonet

Bạn có thể quan tâm