Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ngân hàng hạ lãi suất, năn nỉ người vay mà không đắt

Người làm chính sách, chuyên gia và các ngân hàng đều cho rằng, lãi suất không phải vấn đề hàng đầu với doanh nghiệp cần vốn.

Ngân hàng hạ lãi suất, năn nỉ người vay mà không đắt

Người làm chính sách, chuyên gia và các ngân hàng đều cho rằng, lãi suất không phải vấn đề hàng đầu với doanh nghiệp cần vốn.

Trong hội thảo về tín dụng diễn ra hôm nay tại Hà Nội, Phó viện trưởng viện nghiên cứu khoa học ngân hàng (Học viện Ngân hàng) Nguyễn Đức Trung cho biết, theo nghiên cứu của viện này, các doanh nghiệp thừa nhận lãi suất không phải vấn đề đối với họ. Tại Việt Nam, tăng trưởng tín dụng còn kém nhạy cảm với lãi suất. Ông Trung dẫn chứng, giai đoạn 2004-2012, lãi suất có cao cũng không cản chân được các doanh nghiệp tìm cách vay vốn, song đến năm nay, lãi suất thấp, tăng trưởng tín dụng vẫn khó khăn.

Còn theo đánh giá của Tiến sĩ Trịnh Quang Anh, chính sách tiền tệ thời gian vừa qua đã làm quá tốt, vấn đề là hiệu lực của các công cụ như thế nào. Ông tái khẳng định sự kém nhạy cảm của công cụ lãi suất đối với cầu tín dụng, ở đâu đó, trần lãi suất huy động vẫn có thể hạ tiếp 0,5% nhưng thực tế, lãi suất thực không biết đang đứng ở đâu, ông bày tỏ. Chuyên gia này cũng nêu băn khoăn nếu cứ say sưa bàn mãi về vấn đề tăng trưởng tín dụng. “Quả thật, nếu hạ chuẩn, ép bằng mọi cách lãi suất, cứ ra sức làm thì sẽ rơi tiếp vào vòng luẩn quẩn nếu chúng ta quá nhiệt tình trong hô hào tăng trưởng”, ông bình luận.

 

 Doanh nghiệp chưa tiếp cận được vốn ngân hàng, nguyên nhân chủ yếu không phải lãi suất.

Ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch HĐQT ngân hàng Bưu điện Liên Việt cho rằng nếu tiếp tục giảm lãi suất huy động xuống, có thể các ngân hàng sẽ phải đối mặt với bẫy thanh khoản. Ông Hưởng đặt câu hỏi, trần huy động xuống 4-6%/năm thì ai sẽ là người gửi tiền, và tự trả lời: “Tôi có tiền tôi cũng không gửi”. Do đó, theo lãnh đạo này, bẫy thanh khoản xảy ra và hiện tượng đua nhau đẩy lãi suất huy động lên có thể tiếp diễn.

Đại diện LienVietPostBank nói thêm, ông quan niệm giữa người đi vay và người cho vay là quan hệ trâu và cọc, và ở hiện nay, cọc phải đi tìm trâu. “Hiện có 3 loại trâu, loại thứ nhất thấy cọc thì ngửi xem có thơm không mới đến, đây là doanh nghiệp chuyên gửi tiền. Loại thứ hai là chờ xem cọc có chơi được hay không, nếu không chỉ đứng bên cạnh, đây là những doanh nghiệp đưa ra yêu cầu lãi suất với ngân hàng. Còn loại thứ ba là loại trâu mà lãi suất nào cũng vay, khi vay được thì xin hạ lãi suất xuống”, ông này chia sẻ. “Chúng tôi đi tìm hai loại trâu đầu tiên, năn nỉ người ta vay và ưu tiên. Lãi suất 7%/năm đã được chúng tôi áp dụng từ lâu rồi, nhưng loại vốn nào thì cho vay 7-8%, loại nào 12% trở lên phải được cân đối để bù trừ rủi ro”, ông nói.

Trước một số ý kiến của Tiến sĩ Trịnh Quang Anh về việc tăng tín dụng sẽ có thể tạo ra các hệ lụy, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Phạm Xuân Hòe khẳng định, không lo lắng vì chính Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo rõ tăng trưởng cho vay nhưng phải an toàn.

Ngân hàng trả lãi nền kinh tế 300.000 tỷ đồng

Tại hội thảo, ông Phạm Xuân Hòe - Vụ phó vụ Chính sách tiền tệ cho biết, ngân hàng đang phải trả lãi cho nền kinh tế hơn 300.000 tỷ đồng. Với vai trò trung gian, các ngân hàng nai lưng đi mua vốn từ tổ chức kinh tế xã hội, vay SCIC, kho bạc nhà nước, tập đoàn bảo hiểm.

Hiện tại, số dư bảo hiểm tiền gửi tại các ngân hàng khoảng 325.000 tỷ đồng, lãi phải trả là 18.000 tỷ, còn số tiền lãi trả cho người dân và doanh nghiệp là hơn 280.000 tỷ đồng.

Do đó, theo ông Hòe, với mức 400.000 tỷ đồng doanh nghiệp phải trả lãi cho ngân hàng, và ngân hàng lại dùng hơn 300.000 tỷ để trả lãi cho nền kinh tế thì mức lãi không hề lớn. Đó là chưa kể đến các chi phí khác như đọng vốn, bù đắp thanh khoản, tiền lương, khấu hao, trích lập dự phòng rủi ro.

 Lan Anh

Theo Infonet

 Lan Anh

Theo Infonet

Bạn có thể quan tâm