Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lái thử siêu máy bay tàng hình đắt nhất hành tinh

Một phóng viên có cơ hội lái thử máy bay ném bom B-2 Spirit của Không quân Mỹ, trải nghiệm cảm giác nắm trong tay số phận của kỳ quan công nghệ trị giá khoảng 2 tỷ USD.

Phi công Joe Pappalardo của Popular Mechanics chuẩn bị lái thử máy bay tàng hình B-2 Spirit. Ảnh: Popular Mechanics

Số phi hành gia bay vào vũ trụ còn nhiều hơn số phi công được đào tạo để điều khiển máy bay ném bom chiến lược tàng hình B-2 Spirit, loại phi cơ đắt nhất hành tinh. Với giá trị khoảng 2 tỷ USD/chiếc, Lầu Năm Góc chỉ dè dặt đặt mua 21 mẫu máy bay ném bom chiến lược loại này. Tuy nhiên, B-2 gặp nạn trong lúc cất cánh năm 2008 khiến Mỹ chỉ còn 20 chiếc, bao gồm cả một máy bay cải tiến từ phiên bản thử nghiệm.

Ngay trước khi được chọn, không ai dám tự tin mình được ngồi lên khoang lái một chiếc B-2 Spirit thần thánh. Nó càng trở nên đáng sợ hơn khi phi công huấn luyện yêu cầu bạn điều khiển máy bay khi nó đạt tới độ cao hơn 8.000 m. Phóng viên Joe Pappalardo của Popular Mechanics cho biết, anh thực sự sốc khi nghe câu nói “Máy bay giờ là của bạn” từ phi công hướng dẫn khi lái thử B-2 Spirit.

Tôi cảm thấy lo lắng và căng thẳng khi nắm trong tay siêu vũ khí lừng danh, biểu tượng mới của Không quân Mỹ. Tuy nhiên, B-2 sở hữu những công nghệ đặc biệt mà nhiều người không ngờ tới. Timothy "Scar" Sullivan, phi công của Phi đoàn số 393, Không đoàn ném bom số 509, Căn cứ không quân Whiteman, bang Missouri, Mỹ cho biết phi công tập sự không thể làm hỏng một chiếc B-2.

Phi công chui vào buồng lái B-2 nhờ hệ thống thang dưới bụng máy bay. Ảnh: Popular Mechanics

Người hướng dẫn sẽ theo dõi mọi thông số máy bay qua màn hình, ông ấy có thể sửa chữa mọi sai lầm của học viên khi máy bay đang di chuyển ở độ cao ổn định và hệ thống tự động của máy bay ngăn phi công tập sự làm những việc quá ngu ngốc. Ngoài ra, phi công hướng dẫn ngồi ở ghế trái khoang lái có thể điều khiển máy bay mà không cần sự tác động của thiết bị lái phía bên phải.

Chiếc B-2 Spirit phục vụ đào tạo có tên là Spirit of Georgia. Nó được gia cố để đáp ứng các điều kiện huấn luyện nên có khả năng chịu những tác động mạnh do phi công non tay gây ra trong quá trình điều khiển phi cơ. Máy bay huấn luyện không mang theo bom thật nhưng tôi cũng gặp áp lực khi thử thả bom. Dù biết là tập luyện nhưng tôi không thể ngừng suy nghĩ về máu, bạo lực và chết chóc.

Sau khi trải qua hành trình lịch sử, tôi nhận ra mình nằm trong số ít những người được điều khiển B-2 Spirit. Tính tới thời điểm tôi ngồi trên ghế lái máy bay, 552 phi hành gia bay vào không gian nhưng chỉ 543 người được điều khiển một chiếc B-2. Sau khi hạ cánh, tôi sẽ trở thành người số 544 với biệt danh “Spirit 544”.

5 máy bay quân sự đắt nhất của không quân Mỹ

Máy bay ném bom tàng hình chiến lược B-2 Spirit; phản lực chiến đấu tàng hình F-22 Raptor hay phi cơ vận tải C17A Globemaster III dẫn đầu danh sách máy bay đắt giá của Mỹ.

Tuy nhiên, vì lý do bảo mật, mọi hình ảnh về chuyến lái thử lịch sử của Joe Pappalardo đều bị Không quân Mỹ kiểm soát. Do B-2 dễ dàng qua mặt những hệ thống phòng không tối tân nhất hành tinh nên mọi thông tin về nó vẫn bị Không quân Mỹ kiểm soát nghiêm ngặt.

Theo Pappalardo, chỉ hai phi công điều khiển B-2 nhưng hàng chục người phải làm việc vất vả để chúng có thể hoạt động tốt nhất. Ông phải dành 3 ngày huấn luyện tại căn cứ không quân Whiteman để biết những điều cơ bản nhất. Người phóng viên may mắn cũng phải tập lái B-2 trong buồng lái giả lập và gây ra tai nạn trong lúc hạ cánh một ngày trước khi được lái máy bay thật.

Chuyên viên chất vũ khí lên B-2 Spirit. Ảnh: Popular Mechanics

Phi công lái thử nghiệm như Pappalardo không thể gây tai nạn cho B-2 trong lúc họ lái tập. Không quân Mỹ đảm bảo tuyệt đối an toàn cho cỗ máy chiến tranh trị giá 2 tỷ USD. Họ sẽ không liều lĩnh đặt máy bay vào nguy hiểm trong mọi trường hợp. Tuy nhiên, phi công lái thử vẫn được hướng dẫn sử dụng ghế phóng và dù thoát hiểm trong trường hợp nguy cấp.

Sự cố thực tế cho thấy, hệ thống ghế phóng của B-2 Spirit hoạt động hoàn hảo trong tai nạn duy nhất, xảy ra tại căn cứ quân sự Mỹ trên đảo Guam năm 2008. Cả hai phi công kịp thoát thân khỏi chiếc B-2 mang tên Spirit of Kansas nhưng máy bay bị phá hủy hoàn toàn sau tai nạn.

Trong hành trình khám phá căn cứ không quân Whiteman, Pappalardo nhận thấy một đặc điểm thú vị là quá trình bảo dưỡng B-2. Nhân viên bảo dưỡng biết từng đặc tính của mỗi chiếc máy bay tàng hình sau hàng chục năm làm việc với chúng. Lớp sơn tàng hình đòi hỏi 55 giờ bảo dưỡng sau mỗi giờ bay. Người ta dùng 5 loại sơn và 200 loại hóa chất với 45 quy trình riêng biệt để bảo vệ lớp chống phản xạ radar của B-2.

Hồng Duy

Bạn có thể quan tâm