Theo báo cáo thị trường trái phiếu doanh nghiệp quý II của SSI Research ghi nhận số liệu từ Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã bắt đầu sôi động trở lại trong quý II.
Trong đó, riêng 3 tháng quý II, thị trường ghi nhận 164.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp được phát hành, cao gấp 3,7 lần so với quý I và tăng gần 29% so với cùng kỳ năm 2020.
Hầu hết số này là trái phiếu phát hành riêng lẻ trong nước (chiếm 89%). Ngoài ra, có 2.000 tỷ đồng là trái phiếu phát hành ra công chúng của Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc và Công ty CP Glexhomes, cùng 700 triệu USD (16.000 tỷ đồng) là trái phiếu quốc tế của Vingroup và Công ty CP Bất động sản BIM.
Trái phiếu doanh nghiệp sôi động trở lại
Tính riêng quý II, các ngân hàng thương mại đã vượt mặt nhóm bất động sản trở thành tổ chức phát hành nhiều nhất với 67.000 tỷ đồng, tăng 41% so với cùng kỳ và chiếm 41% tổng lượng phát hành trong quý. Nếu loại trừ trái phiếu ngân hàng, tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành quý gần nhất là 97.000 tỷ, vẫn tăng 21%.
Như vậy, sau nửa đầu năm, tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành là 208.900 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước.
CƠ CẤU TPDN PHÁT HÀNH TRONG 6T ĐẦU NĂM 2021 | |||||||
Nguồn: HNX, SSI Research | |||||||
Nhãn | Bất động sản | Ngân hàng | Định chế tài chính khác | Năng lượng khoáng sản | Phát triển hạ tầng | Khác | |
Giá trị phát hành trái phiếu DN | tỷ đồng | 128180 | 94830 | 15370 | 20590 | 8410 | 22620 |
Trong đó, nhóm phát hành nhiều nhất vẫn là các doanh nghiệp bất động sản với 92.300 tỷ (chiếm 44,2%). Theo sau là các ngân hàng với 68.200 tỷ đồng phát hành (chiếm 32,7%); doanh nghiệp năng lượng và khoáng sản phát hành 14.800 tỷ (7,1%); định chế tài chính phi ngân hàng 11.200 tỷ (5,4%) và phát triển hạ tầng 6.000 tỷ (2,9%)…
Đáng chú ý, cùng với sự sôi động trở lại của thị trường trái phiếu, chênh lệch lãi suất trái phiếu doanh nghiệp và lãi suất tiền gửi vẫn duy trì ở mức rất cao.
Trong khi lãi suất tiền gửi bình quân kỳ hạn 12 tháng của 4 ngân hàng lớn nhất hệ thống hiện nay (Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank) chỉ vào khoảng 5,5-5,6%/năm, lãi suất bình quân của trái phiếu doanh nghiệp (trừ trái phiếu ngân hàng) trong quý II lên tới 9,95%/năm, cao hơn gần gấp đôi.
Thậm chí, mức lãi suất trái phiếu kể trên đã giảm 0,33 điểm % so với quý I.
Theo các chuyên gia, lãi suất phát hành trái phiếu doanh nghiệp đang trong xu hướng giảm từ quý III/2020 đến nay, nhưng mức giảm là rất nhỏ so với mức giảm sâu của lãi suất tiền gửi. Điều này khiến chênh lệch giữa lãi suất trái phiếu doanh nghiệp và tiền gửi bị nới rộng và giữ ở mức cao.
Nhu cầu vẫn ở mức cao
Nếu so với lãi suất tiền gửi bình quân trên thị trường ngân hàng hiện nay là 5,6-6,7%/năm ở kỳ hạn từ 12 tháng trở lên (theo Ngân hàng Nhà nước), mức lãi suất trái phiếu doanh nghiệp bình quân vẫn cao hơn tới 35-45%.
Theo HNX, các doanh nghiệp bất động sản là một trong những nhóm có lãi suất trái phiếu cao nhất thị trường hiện nay với bình quân 10,3%/năm trong quý II (không tính các lô trái phiếu quốc tế).
Dù đã giảm 0,17 điểm % so với quý I nhưng việc lãi suất tiết kiệm giữ xu hướng giảm giai đoạn này đã khiến chênh lệch giữa lãi suất giữa 2 thị trường duy trì ở mức cao.
Tính trong nửa đầu năm, các doanh nghiệp bất động sản đã phát hành 92.300 tỷ đồng trái phiếu với lãi suất bình quân 10,36%/năm, thấp hơn 0,23 điểm % so với năm 2020.
Chênh lệch lãi suất giữa trái phiếu doanh nghiệp và lãi suất tiết kiệm vẫn ở mức cao. |
Từ đầu năm, tín dụng luôn tăng trưởng cao hơn huy động khiến chênh lệch tiền gửi - tín dụng toàn hệ thống thu hẹp đáng kể. Tuy nhiên, thanh khoản các ngân hàng thương mại vẫn trong trạng thái dồi dào và NHNN vẫn duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng để hỗ trợ nền kinh tế.
Vì vậy, lãi suất tiền gửi có thể giữ ở mức thấp và chỉ tăng nhẹ vào cuối năm nay, trong khi đó lợi tức từ trái phiếu doanh nghiệp vẫn hấp dẫn so với kênh tiền gửi.
Trong quý II, tài sản ròng của hầu hết quỹ đầu tư trái phiếu đều giảm nhẹ, ghi nhận quý giảm đầu tiên sau nhiều quý tăng trưởng liên tiếp trước đó.
Thị trường chứng khoán được dự báo kém thuận lợi hơn trong nửa cuối năm nay và các nhà đầu tư sẽ quay trở lại kênh lãi suất cố định để trú ẩn
SSI Research
SSI Research cho biết đang có hiện tượng các nhà đầu tư giảm nắm giữ trái phiếu để chuyển sang đầu tư cổ phiếu. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán được dự báo kém thuận lợi hơn trong nửa cuối năm nay và các nhà đầu tư sẽ quay trở lại kênh lãi suất cố định để trú ẩn, nên nhu cầu trái phiếu doanh nghiệp sẽ vẫn ở mức cao.
Trong khi đó, NHNN mới đây đã nới hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng thêm 2-6 điểm %, thấp hơn đề xuất của các ngân hàng và thấp hơn cùng kỳ năm trước nên nhu cầu huy động vốn vay qua trái phiếu doanh nghiệp vẫn cao.
Về lãi suất, mới đây hàng loạt ngân hàng đã công bố các gói giảm lãi suất từ 0,5-1,5 điểm % cho khách hàng. Tuy vậy, theo SSI Research, việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng giá rẻ này không hề đơn giản với các doanh nghiệp không nằm trong nhóm ưu tiên hoặc bị hạn chế về tài sản đảm bảo như bất động sản.
Vì vậy, lãi suất phát hành bình quân trái phiếu doanh nghiệp sẽ vẫn dao động quanh mức 10%/năm.