Gần đây, hàng loạt ngân hàng đã đưa ra bảng lãi suất niêm yết mới với việc tăng ở nhiều kỳ hạn dài trên một năm.
Không chỉ tăng lãi suất ở các khoản tiền gửi, chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn dài cũng được nhiều ngân hàng đua nhau phát hành với lãi suất cao nhất hiện lên tới 10,2%/năm.
Mức lãi suất này được VietcapitalBank áp dụng với chứng chỉ tiền gửi ghi danh kỳ hạn 60 tháng. Đây cũng là mức lãi suất chứng chỉ tiền gửi cao nhất thị trường hiện nay.
Chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn từ 24 tháng đến 48 tháng tại nhà băng này cũng được áp dụng mức lãi suất dao động từ 9,5% đến 10%/năm. Lãi suất sẽ được trả định kỳ 6 tháng, 12 tháng hoặc cuối kỳ, ngoài ra, chủ sở hữu sẽ được chuyển nhượng chứng chỉ tiền gửi trong thời hạn phát hành.
Trước đó, đầu tháng 8, VIB cũng phát hành chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn 61 tháng, với lãi suất 9,1%/năm. Mức lãi suất tương tự cũng được VietABank đưa ra hồi đầu tháng 5.
Chứng chỉ tiền gửi có lãi suất cao hơn khá nhiều các khoản tiền gửi, sổ tiết kiệm thông thường. Ảnh minh họa: Trương Khởi. |
Trong khi đó, hầu hết ngân hàng trong hệ thống hiện phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất trên dưới 8%.
Về bản chất, chứng chỉ tiền gửi là một loại giấy tờ có giá và cũng được phát hành bởi một ngân hàng nhằm mục đích huy động vốn. Theo đó, người mua chứng chỉ tiền gửi ngân hàng cũng sẽ được hưởng lãi suất theo định kỳ. Ngoài ra, chứng chỉ tiền gửi còn được cho, tặng và chuyển nhượng theo quy định của pháp luật và tổ chức phát hành.
Trong khi tiền gửi tiết kiệm phục vụ nhiều kỳ hạn khác nhau từ 1-3 tuần cho tới 48, 60 tháng, chứng chỉ tiền gửi chủ yếu tập trung vào các kỳ hạn dài, và người mua không được rút tiền ra trước hạn.
Chứng chỉ tiền gửi cũng chỉ được các ngân hàng phát hành theo đợt với số lượng nhất định (tương tự phát hành trái phiếu). Thông thường giá trị mỗi đợt phát hành chứng chỉ tiền gửi sẽ được các ngân hàng cân đối với nguồn vốn dài hạn đang có nhu cầu huy động.
Giống tiền gửi tiết kiệm, do cùng được ngân hàng phát hành nên chứng chỉ tiền gửi được coi là tài sản đầu tư tương đối an toàn. Trong đó, cả tiền gốc và lãi đều được bảo đảm chi trả khi đến kỳ thanh toán, tương tự tiền gửi tiết kiệm.
Điều này khiến cho chứng chỉ tiền gửi là một lựa chọn tối ưu với những người có tiền nhàn rỗi trong thời gian dài.
Trong đó, chứng chỉ tiền gửi thường được niêm yết lãi suất cao hơn khá nhiều so với các khoản gửi tiết kiệm thông thường cùng kỳ hạn.
Như cùng tại VietcapitalBank, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 60 tháng hiện nay là 8,6%/năm, trong khi chứng chỉ tiền gửi phát hành nói trên lên tới 10,2%.
Tương đương với mỗi 1 tỷ đồng tiền gửi, sau mỗi năm việc đầu tư chứng chỉ tiền gửi sẽ mang lại lợi nhuận cao hơn 16 triệu đồng, và cao hơn 80 triệu đồng trong cả kỳ hạn 60 tháng.
Lãi suất chứng chỉ tiền gửi và tiền gửi tiết kiệm thông thường tại một số NH:
Ngân hàng |
Kỳ hạn (tháng) |
Lãi suất tiền gửi (%/năm) |
Lãi suất CCTG (%/năm) |
VietcapitalBank | 24 | 8,6% | 9,5% |
36 | 8,6% | 9,8 | |
48 | 8,6% | 10% | |
60 | 8,6% | 10,2% | |
SHB | 18 | 7,3% | 8,6% |
24 | 7,3% | 8,7% | |
36 | 7,4% | 8,8% | |
BIDV* | 24 | 7% | 7,6% |
(Đã kết thúc từ tháng 3) | 36 | 7% | 7,6% |
VietABank | 24 | 8% | 9,1% |
Đặc biệt, khác với sổ tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi cho phép người sở hữu có thể cầm cố, chuyển nhượng hoặc bán giấy tờ có giá này để vay vốn khi có nhu cầu mà chưa đến hạn thanh toán.
Tiền gửi tiết kiệm có tính thanh khoản cao, người gửi có thể rút tiền bất cứ khi nào trước hạn nhưng phải chịu lãi suất thấp hơn. Còn với chứng chỉ tiền gửi, người mua bắt buộc không được thanh toán trước hạn. Vì vậy, tính thanh khoản của loại hình đầu tư này sẽ kém hơn so với tiền gửi hoặc sổ tiết kiệm.
Hầu hết ngân hàng phát hành chứng chỉ tiền gửi đều có quy định này nhằm mục đích cân đối nguồn vốn huy động.
Trong thời hạn sở hữu chứng chỉ tiền gửi, người mua có nhu cầu vốn trước hạn chỉ có thể chuyển nhượng hoặc cầm cố để vay lại ngân hàng. Tuy nhiên, lãi suất ngân hàng cho vay bằng việc cầm cố chứng chỉ tiền gửi sẽ cao hơn lãi suất mà ngân hàng trả cho người mua.
Đây là nguyên nhân mà có lãi suất cao hơn khá nhiều tiền gửi tiết kiệm cùng kỳ hạn nhưng chứng chỉ tiền gửi vẫn không phổ biến bằng việc gửi tiết kiệm thông thường qua tài khoản hoặc sổ tiết kiệm.