Báo cáo các giải pháp về tiền tệ, tín dụng ngân hàng mà Ngân hàng Nhà nước gửi tới Thủ tướng mới đây đã cho biết tình hình tăng trưởng tín dụng thấp của toàn hệ thống do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Theo cơ quan quản lý tiền tệ, do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhu cầu tín dụng từ đầu năm đến nay luôn ở mức thấp. Trong đó, tăng trưởng quý thấp hơn so với cùng kỳ các năm trước.
Đến cuối tháng 3, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt 8,301 triệu tỷ đồng, tăng 1,3% so với cuối năm 2019 (cùng kỳ tăng 3,19%).
NHNN cũng cho biết các tổ chức tín dụng đã đưa ra nhiều chương trình cho vay lãi suất giảm 2-2,5% có quy mô lớn, nhưng nhu cầu vay vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của khách hàng vẫn có xu hướng giảm, dẫn tới việc rút vốn của khách hàng còn hạn chế.
Chia sẻ tại hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương sáng 10/4, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết theo tính toán của NHNN, nợ xấu toàn hệ thống có thể tăng lên do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Cụ thể, trường hợp dịch được kiểm soát trong quý I, tỷ lệ nợ xấu (bao gồm cả nợ nội bảng, đã bán cho VAMC và nợ đã thực hiện các biện pháp phân loại nợ) sẽ ở mức 2,9-3,2% đến cuối quý II, và 2,6-3% đến cuối năm 2020.
Tuy nhiên, nếu dịch diễn biến phức tạp hơn và được kiểm soát trong quý II, tỷ lệ này sẽ ở mức gần 4% vào cuối quý II, và 3,7% cuối năm 2020. Thậm chí, con số có thể cao hơn, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu của các TCTD và khả năng phục hồi của các TCTD yếu kém.
Theo NHNN, nợ xấu toàn hệ thống có thể tăng lên nếu dịch bệnh diễn biến phức tạp và kéo dài. Ảnh: Việt Linh. |
Theo đánh giá sơ bộ của cơ quan quản lý tiền tệ Việt Nam, đến nay số dư nợ có thể bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh vào khoảng 2 triệu tỷ đồng, tương đương 23% tổng dư nợ toàn hệ thống.
Trong đó, ảnh hưởng nặng nhất có thể là số dư nợ trong ngành khoáng sản, nhiên liệu, nguyên vật liệu xây dựng, kinh doanh ôtô và phụ tùng với khoảng 548.000 tỷ (chiếm 6,6% tổng dư nợ).
Theo sau là các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với khoảng 520.000 tỷ; dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch khoảng 169.000 tỷ; nông, lâm nghiệp và thủy sản khoảng 157.000 tỷ; bất động sản 145.000 tỷ…
Theo Thống đốc, để đối phó với dịch bệnh cơ quan này đã chỉ đạo các giải pháp rất mạnh về lãi suất. Trong đó, từ cuối năm 2019 và đặc biệt từ tháng 3 năm nay, cơ quan quản lý đã cắt giảm các lãi suất điều hành khá mạnh (0,5-1%).
Ngoài việc đáp ứng vốn cho người vay, NHNN đã cho phép cơ cấu lại thời hạn trả nợ kể cả khoản gốc và lãi đối với khoản vay đến hạn trả nợ trong thời gian từ ngày 23/1 (ngày tuyên bố dịch) cho đến sau 3 tháng kể từ ngày Thủ tướng công bố hết dịch.
NHNN cũng cho biết đã và sẽ tiếp tục chỉ đạo trực tiếp chủ tịch HĐQT và tổng giám đốc các TCTD yêu cầu tiếp tục đánh giá mức độ ảnh hưởng của dịch đối với khách hàng, triển khai nhiều chương trình cho vay lãi suất ưu đãi.
Đồng thời, NHNN yêu cầu các TCTD cắt giảm chi phí hoạt động, lương, thưởng, điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, không chia cổ tức bằng tiền mặt để tập trung giảm mạnh lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng.
Thống đốc cũng cho biết thêm hiện tổng số tiền cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ và miễn giảm lãi cho vay mới khoảng trên 300.000 tỷ.
Trong đó, cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là khoảng 18.000 tỷ, miễn giảm lãi và điều chỉnh lãi suất là khoảng 126.500 tỷ, còn lại là tiền cho vay mới với doanh số xấp xỉ 180.000 tỷ đồng.