Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) vừa đưa ra mức lãi suất điều chỉnh của các khoản nợ xấu đã được công ty này mua.
Theo đó, mức lãi suất các khoản nợ xấu VAMC đã mua được tính bằng lãi suất huy động vốn bình quân 12 tháng (cá nhân và tổ chức) của 4 Ngân hàng thương mại Nhà nước (bao gồm Agribank, BIDV, Vietinbank, Vietcombank) cộng với biên độ lãi suất.
Biên độ lãi suất được tính bằng mức bình quân chênh lệch giữa lãi suất cho vay ngắn hạn 12 tháng thông thường của nhóm 4 ngân hàng thương mại Nhà nước trên với lãi suất huy động bình quân kỳ hạn 12 tháng (cá nhân và tổ chức) của TCTD đó.
Theo đó, lãi suất tham chiếu được VAMC xác định với tiền đồng hiện nay ở mức 9,9%/năm. Với USD lãi suất áp dụng cho các khoản nợ xấu đã được công ty mua lại là 4,9%/năm, EURO lãi suất áp dụng là 4,7%/năm.
Đây là mức lãi suất cho các khoản nợ xấu được VAMC chấp thuận điều chỉnh trong quý IV/2017.
Nếu so với mức lãi suất các khoản cho vay của ngân hàng thương mại tư nhân, mức lãi suất các khoản nợ xấu VAMC đã mua là trung bình. Thực tế, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa đang phải chịu lãi suất trên 10%/năm với khoản vay tại các ngân hàng thương mại tư nhân.
Saigon One Tower (34 Tôn Đức Thắng, quận 1) là tài sản đầu tiên bị VAMC thu giữ theo Nghị quyết 42. Ảnh: Đình Dân. |
Mới đây, VAMC cũng cho biết công ty đã tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm đầu tiên theo Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD, là tòa nhà cao thứ 3 tại TP.HCM, tài sản bảo đảm của Công ty Cổ phần Sài Gòn One Tower.
Trước đó, VAMC đã ký hợp đồng mua nợ với một số tổ chức tín dụng đối với khoản nợ của nhóm khách hàng bao gồm: CTCP Sài Gòn One Tower (trước đây là CTCP Địa Ốc Sài Gòn M&C); Công ty CP Đầu tư Liên Phát; Công ty CP TVĐT và XD Minh Quân; Công ty CP Tân Superdeck M&C với tổng dư nợ (gốc và lãi) đến thời điểm hiện nay đã lên trên 7.000 tỷ đồng.
Do nhóm khách hàng không thực hiện nghĩa vụ trả nợ và không tiến hành bàn giao tài sản đảm bảo là Dự án Cao ốc phức hợp Sài Gòn M&C nên VAMC đã triển khai thu giữ tòa tháp cao thứ 3 tại TP.HCM này để xử lý nhằm thu hồi nợ.
Theo báo cáo mới nhất, tính đến hết tháng 8, VAMC đã mua 26.110 khoản nợ xấu từ 16.197 khách hàng với giá mua lên tới 266.335 tỷ đồng.
Lũy kế từ khi thành lập năm 2013 đến tháng 8/2017, VAMC đã thực hiện điều chỉnh lãi suất của 127 khách hàng với dự nợ gốc điều chỉnh là 2.057 tỷ đồng, miễn giảm 1.399 tỷ đồng tiền lãi cho 714 khách hàng và cơ cấu lại thời hạn trả nợ 1.110 tỷ đồng cho 37 khách hàng. Ngoài ra, kể từ khi thành lập đến nay, công ty đã bán được 139 khoản nợ của 59 khách hàng với giá bán là 7.816 tỷ đồng, bán tài sản đảm bảo với giá bán là 11.026 tỷ đồng.
VAMC mới đây cũng đã được phê duyệt cấp tăng vốn điều lệ từ 500 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng.