Tính đến hết quý II, số dư nợ xấu báo cáo tại Sacombank tiếp tục tăng lên mức 16.488 tỷ đồng, tương đương 7,5% tổng dư nợ, tăng 0,6 điểm % so với con số hồi đầu năm.
"Siết" nợ của Công ty Hoàn Cầu
Vừa qua, VAMC đã thông báo tìm kiếm đơn vị thẩm định giá tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu nhóm Công ty cổ phần Hoàn Cầu tại Sacombank.
Theo đó, Công ty CP Hoàn Cầu Khánh Hòa có tổng dư nợ gốc tại Sacombank là 1.300 tỷ đồng, nợ lãi và phí trên 84 tỷ đồng. VAMC đã mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt trị giá 1.300 tỷ đồng. Công ty TNHH Hoàn Cầu Nha Trang có nợ gốc là 1.100 tỷ đồng, tổng nợ lãi và phí trên 93 tỷ đồng. VAMC đã mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt trị giá 1.100 tỷ đồng.
Như vậy, tổng nợ gốc của nhóm Công ty Hoàn Cầu là 2.400 tỷ đồng; lãi và phí 177 tỷ đồng. Khoản nợ đều có tài sản đảm bảo gồm quyền sử dụng đất của một loạt các lô đất tại TP.HCM.
Tính đến hết tháng 3 năm nay, VAMC đã mua được tổng cộng 25.631 khoản nợ xấu tại 42 tổ chức tín dụng tại Việt Nam, với tổng dư nợ gốc 282.124 tỷ đồng, giá mua nợ là 245.672 tỷ đồng, thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt.
Tuy nhiên, hiện nay, có 2 ngân hàng đã xử lý xong nợ xấu “gửi” tại VAMC nên số tổ chức tín dụng đang nắm trái phiếu đặc biệt của VAMC là 40, với lũy kế tổng giá mua 205.659 tỷ đồng trên tổng dư nợ gốc 233.685 tỷ đồng.
Đã bán hơn 38.700 tỷ nợ xấu
Tính theo giá trị tuyệt đối, nợ xấu nội bảng của Sacombank trong nửa đầu năm đã tăng hơn 2.700 tỷ đồng. Nếu cộng cả số dư nợ xấu Sacombank đã bán cho Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và một số khoản phải thu xấu từ Ngân hàng Phương Nam chuyển giao sang, ước tính tổng giá trị nợ xấu tại Sacombank đã lên hơn 60.000 tỷ đồng.
Hết ngày 30/6, Sacombank đã bán tổng cộng hơn 38.758 tỷ đồng nợ xấu cho phía VAMC, trong khi con số cùng kỳ chỉ là 16.246 tỷ đồng, và con số đầu năm là hơn 37.000 tỷ đồng.
Nợ xấu bán cho VAMC ngày một tăng cao, nhưng mới đây, Sacombank đã tiếp tục có quyết định bán thêm hàng nghìn tỷ đồng nợ xấu cho công ty mua bán nợ này.
Cụ thể, Sacombank và VAMC đã ký kết thỏa thuận hợp tác về việc xử lý nợ xấu và tài sản tồn động của Sacombank đã bán cho VAMC trên cơ sở các quy định tại Nghị Quyết 42.
Theo đó, Sacombank và VAMC sẽ cùng xây dựng lộ trình và triển khai xử lý nợ theo từng năm, đẩy nhanh công tác xử lý nợ xấu để thu hồi nợ. Theo kế hoạch, trong năm 2017 sẽ xử lý và thu hồi nợ từ 15.000-20.000 tỷ đồng nợ xấu.
Nợ xấu Sacombank được mua bán như thế nào?
Sacombank sẽ đề xuất danh mục các khoản nợ xấu bán nợ cho VAMC bằng Trái phiếu đặc biệt và các khoản nợ xấu để mua bán nợ theo giá trị thị trường. Năm 2017, hai bên sẽ xem xét mua bán nợ xấu theo giá thị trường với giá trị tối thiểu 1.000 tỷ đồng.
Đối với các khoản nợ xấu VAMC đã mua bằng trái phiếu đặc biệt, hai bên đánh giá, phân loại nợ để đưa ra các giải pháp phù hợp nhằm triển khai hiệu quả nhất.
Đặc biệt, Sacombank cũng đã bán thêm 3 khoản nợ xấu theo giá thị trường với tổng dư nợ hơn 2.580 tỷ đồng cho VAMC. Các khoản nợ này đều có tài sản đảm bảo là các bất động sản, máy móc thiết bị có giá trị tại Đà Nẵng và TP.HCM. Như vậy, khoản nợ xấu đã bán cho VAMC của Sacombank lại tiếp tục tăng thêm nhiều nghìn tỷ so với cuối quý II.
Hầu hết khoản nợ xấu VAMC mua từ các tổ chức tín dụng đều có tài sản bảo đảm là bất động sản hoặc tài sản hình thành từ vốn vay, kể cả bất động sản, nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp, dự án, trái phiếu doanh nghiệp...
Trong đó, tài sản là bất động sản trị giá 268.872 tỷ đồng, chiếm 62%. Tài sản trên đất trị giá 31.308 tỷ đồng, chiếm 7,2%. Giấy tờ có giá trị 12.902 tỷ đồng, chiếm 3%. Máy móc thiết bị trị giá 22.097 tỷ đồng, chiếm 5,1%.
Phương tiện vận tải trị giá 18.333 tỷ đồng, chiếm 4,2%. Quyền đòi nợ trị giá 11.610 tỷ đồng, chiếm 2,7%. Quyền phát sinh tài sản 34.805 tỷ đồng, chiếm 8,0%. Các loại tài sản khác trị giá 34.051 tỷ đồng, chiếm 7,8%.
Sacombank là một trong 6 tổ chức tín dụng cùng với ACB, BIDV, Vietcombank, VietinBank, Agribank vừa được Ngân hàng Nhà nước chỉ thị ưu tiên triển khai Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu một cách toàn diện.