'Lãi suất 2013 khó giảm thêm'
Cho rằng lãi suất năm 2013 khó giảm thêm, Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành kiến nghị cần thận trọng với đề xuất vay tái cấp vốn lãi suất 2-3%/năm của các ngân hàng.
- Theo ông, bức tranh kinh tế 2013 sẽ có thể dự báo như thế nào?
- 2013 vẫn là một năm mà triển vọng kinh tế không có nhiều đột biến so với 2012. Trong năm nay, các vấn đề của ngành ngân hàng như nợ xấu, tái cấu trúc vẫn được đặt ra. Những ngân hàng nhỏ gặp vấn đề khó khăn, cần đặt lộ trình thay đổi rõ rệt, tái cấu trúc rất mạnh, thậm chí có thể giải thể, biến đổi sang một hình thức nào đó.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành sinh năm 1977, là Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) thuộc đại học Kinh tế (đại học Quốc gia Hà Nội). Ông Thành từng là giảng viên các trường đại học lớn như Kinh tế quốc dân, đại học Quốc gia và có nhiều bài viết, sách về kinh tế vĩ mô. |
Ngoài ra, 2013 cũng là năm mà các doanh nghiệp bất động sản vẫn sẽ gặp khó khăn vì chính sách hỗ trợ, về căn bản chỉ một phần, có quy mô không lớn. Việc tập trung vào phân khúc căn hộ chung cư cho người thu nhập thấp không là động lực để kéo thị trường lại. Giá bất động sản sẽ vẫn giảm, còn thị trường nằm trong quỹ đạo đi xuống, đóng băng.
Để đánh giá đâu là mảng được kỳ vọng sẽ tạo nên triển vọng cho kinh tế 2013, thì cần xét đến nhiều yếu tố. Trong đó, phần phụ thuộc nhiều là khu vực xuất khẩu, các doanh nghiệp thuộc khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Còn khu vực doanh nghiệp trong nước, năm 2013 chưa có điều kiện khởi sắc, vì thế, đây là năm khó khăn đòi hỏi nỗ lực lớn, đặc biệt từ các nhà điều hành chính sách để tạo điều kiện cho khu vực sản xuất kinh doanh vừa và nhỏ, kinh tế tư nhân.
Ông Nguyễn Đức Thành - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho rằng, trước đây, Ngân hàng Nhà nước cũng đã cho vay tái cấp vốn với các ngân hàng thương mại, nhưng dòng vốn này bị lợi dụng. |
- Theo báo cáo về rủi ro kinh tế vĩ mô và triển vọng 2013, nếu không thận trọng trong điều hành, lạm phát có thể hướng đến 10% và mục tiêu kiềm chế dưới 6% khó thực hiện. Cơ sở của nhận định này là gì, thưa ông?
- Các tín hiệu đầu tiên của năm đã cho thấy khả năng lạm phát của 2013 cao hơn năm 2012 là nhiều. Thực tế, 2012 chúng ta kiềm chế được lạm phát thấp so với mức 12% của 2010 và 18% của 2011 phần lớn là được hỗ trợ bởi giá lương thực giảm. Năm 2013, nhiều khả năng, giá lương thực thực phẩm vẫn giảm, nhưng không mạnh như năm trước, vì thế mà, bệ đỡ lạm phát thấp có thể sẽ không còn. Hơn nữa, trong năm 2013 có một số yếu tố khác ảnh hưởng đến lạm phát như tiền lương, phí cơ bản, phí y tế, giá điện… sẽ có thể theo chiều hướng tăng mạnh, đặc biệt là các thành phố lớn, là nhân tố tác động tăng trưởng lạm phát trong năm nay. Do vậy mà khả năng lạm phát tiến đến 10% rõ ràng hiện hữu.
- Báo cáo nói trên cũng đề xuất phá giá tiền đồng 3-4% trong năm 2013 để kích thích xuất khẩu. Nhưng thực tế, một số ý kiến cho rằng Việt Nam là nước nhập khẩu nhiều hơn xuất khẩu nên phá giá VND vô hình trung có hại nhiều hơn lợi?
- Quan điểm phá giá tiền đồng sẽ hại nhiều hơn lợi là tương đối nông cạn. Vì nguyên tắc chung là nước nào cũng có xuất khẩu và nhập khẩu. Phần xuất khẩu đã gồm giá trị gia tăng ở trong hàng hóa đã nhập khẩu về, vì thế khi thay đổi tỷ giá theo hướng tiền Việt yếu đi, thì xuất khẩu được lợi và người nhập khẩu có xu hướng hạn chế nhập khẩu. Tất nhiên, khi phá giá đồng tiền Việt Nam, chỉ số giá sẽ bị ảnh hưởng vì giá bên ngoài vào thay đổi, nhưng trong điều kiện lạm phát thấp như những năm nay thì đó lại là cơ hội để chúng ta có thể điều chỉnh được. Nếu cho rằng thay đổi tỷ giá ảnh hưởng, thì chỉ nhìn một phép tính cơ học thôi, nhập khẩu 8 và xuất khẩu 8,5, thì đúng là thay đổi tỷ giá ảnh hưởng đến phần 0,5 kia là có thật.
- Năm vừa qua, chính sách tiền tệ cũng được nhìn như “điểm sáng”, khi hàng loạt đợt cắt giảm lãi suất diễn ra. Vậy trong năm 2013 nên điều hành như thế nào để đạt được các mục tiêu đã đề ra?
- Phải nói, không gian cho chính sách tiền tệ, tài khóa trong ngắn hạn cho năm 2013 không còn nhiều, nhưng cho cải cách mẹnh mẽ trong dài hạn còn nhiều vì chưa có sự tiến bộ nào đáng kể cho chính sách cải cách đó. Còn về mặt không gian, chính sách của chúng ta tương đối bó hẹp, nghèo nàn, vì chính sách tiền tệ đã mở rộng từ những năm trước, nhưng gần như không tác động nhiều đến tăng trưởng tổng cầu.
Năm 2013, chính sách tiền tệ không còn nhiều dư địa do bệ đỡ lạm phát không có, hoặc có không nhiều. Còn lại là những chính sách thật sự đi vào nền kinh tế như giải quyết nợ xấu, cơ cấu ngân hàng, thu hẹp khu vực doanh nghiệp nhà nước để nguồn lực được điều chỉnh sang khu vực tư nhân. Bên cạnh đó, cần có các động thái về chính sách tài khóa như gia giảm, giãn thuế thu nhập doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh.
- Vậy dư địa giảm lãi suất thì như thế nào, thưa ông?
- Tôi cho rằng, giảm lãi suất tiền gửi trong năm 2013 không còn nhiều dư địa dù trước đây, điều này được áp dụng chủ yếu trong chính sách điều hành của Ngân hàng Nhà nước. Điều quan trọng hơn là lãi suất cho vay ra của các ngân hàng với doanh nghiệp thì lại bị phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có những vấn đề nội bộ của ngân hàng thương mại, đặc biệt là những đơn vị có nợ xấu, dự phòng rủi ro cao. Trong năm 2013, nhiều khả năng, các doanh nghiệp cũng không còn mặn mà với vay mượn, mở rộng tín dụng, vì bất ổn kinh tế và những bất trắc kinh doanh còn nhiều, môi trường kinh doanh thì ngày càng xấu đi. Điều đó cho thấy, nỗ lực hạ lãi suất tiền gửi của Ngân hàng Nhà nước mang tính tạo tâm lý trên thị trường hơn và nó không tạo được những hệ quả thật sự trong sản xuất.
- Với lãi suất cho vay, thời gian vừa qua, có tổ chức tín dụng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cho vay tái cấp vốn với lãi suất 2-3%/năm để các ngân hàng cho vay ra với mức 5-6%, vừa không ảnh hưởng lạm phát mà vẫn thu hút được vốn, quan điểm của ông như thế nào?
- Chúng ta cần quan tâm, mục đích của việc đó là gì vì cho vay tái cấp vốn là cách mà Ngân hàng Nhà nước sử dụng vốn công. Chúng ta từng làm điều này trong quá khứ, và hệ quả là đã nhìn thấy việc ngân hàng thương mại lợi dụng dòng vốn của Ngân hàng Trung ương gây ảnh hưởng rất rất lâu dài. Do đó, cần cân nhắc đến mối liên quan đến nhóm lợi ích, do chính sách này có thể có lợi cho một số ngân hàng, nhưng về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế, đặc biệt là người dân.
Lan Anh (Ghi)
Theo Infonet