Ủy ban Các vấn đề xã hội, cơ quan thẩm tra dự án Luật Hôn nhân và Gia đình (sửa đổi) vừa có văn bản thẩm tra mới nhất gửi UBTV Quốc hội giải trình một số nội dung liên quan dự luật này. Đáng chú ý, trong văn bản thẩm tra, Ủy ban cho biết đang cân nhắc về kiến nghị hạ độ tuổi kết hôn đối với nữ giới trong trường hợp ngoại lệ xuống 16 tuổi (quy định hiện hành là 18 tuổi). Đây là vấn đề mới và nếu áp dụng sẽ gỡ vướng từ thực tiễn nhưng lại nảy sinh xung đột pháp lý.
Cân nhắc quy định trường hợp nữ có thể kết hôn từ 16
Tuổi tối thiểu kết hôn là vấn đề được đề xuất điều chỉnh trong dự luật sửa đổi lần này. Theo luật hiện hành, tuổi kết hôn của nam giới tối thiểu là 20, nữ giới tối thiểu 18. Việc hạ độ tuổi kết hôn được đưa vào dự luật theo hướng hạ độ tuổi kết hôn nam giới, đảm bảo nam nữ đều 18.
Theo Ủy ban, khi thảo luận tại Quốc hội, UBTV Quốc hội, đa số ý kiến đại biểu thống nhất với quy định tuổi kết hôn của cả nam và nữ là “Đủ mười tám tuổi trở lên” và đề nghị cung cấp thêm số liệu, căn cứ khoa học giải trình cho việc sửa đổi này. Một số ý kiến đề nghị giữ nguyên độ tuổi kết hôn như Luật hiện hành hoặc quy định độ tuổi “Nam từ đủ hai mươi tuổi trở lên và nữ từ đủ mười tám tuổi trở lên”.
Thường trực Ủy ban thống nhất với quy định về độ tuổi kết hôn như dự thảo Luật để bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành về tuổi thành niên, nguyên tắc bình đẳng giới và cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia. Trên thực tế, tuổi kết hôn trung bình của nam, nữ đều cao hơn khá nhiều so với tuổi kết hôn được quy định trong Luật và có xu hướng ngày càng tăng, việc quy định độ tuổi kết hôn của cả nam và nữ là đủ 18 tuổi chỉ là độ tuổi tối thiểu, thể hiện sự bình đẳng về quyền của cả hai giới. Ngoài ra, Bộ Tư pháp và một số ý kiến đề nghị cân nhắc bổ sung quy định ngoại lệ đối với trường hợp nữ chưa đủ 18 tuổi.
Một buổi tư vấn hôn nhân và sức khoẻ cộng đồng. |
Về vấn đề này, Thường trực Ủy ban cho rằng, thực trạng kết hôn sớm theo tập quán vẫn diễn ra khá phổ biến ở một số vùng, miền dù quy định về độ tuổi kết hôn hiện hành đã được thực hiện ổn định trong thời gian dài. Việc bổ sung quy định ngoại lệ giúp bảo vệ quyền lợi của phụ nữ, đặc biệt là trẻ em được sinh ra trong trường hợp này.
Nếu bổ sung quy định trường hợp ngoại lệ về tuổi kết hôn của nữ thì điều kiện phải chặt chẽ như giảm tối đa không quá 2 tuổi, được hai bên gia đình công nhận hoặc được sự đồng ý của người giám hộ, đã có con chung.... Trên cơ sở luật định, Chính phủ sẽ hướng dẫn các trường hợp đặc biệt kết hôn từ đủ 16 tuổi. Hiện nay, nhiều nước trên thế giới cũng đã có quy định ngoại lệ về vấn đề kết hôn sớm.
Tuy nhiên, việc bổ sung quy định ngoại lệ sẽ xung đột với pháp luật về quyền trẻ em và có ý kiến cho rằng, cần phải giữ quy định về độ tuổi kết hôn nhằm bảo đảm sự phát triển giống nòi, nam, nữ kết hôn phải có đủ điều kiện về sức khỏe và khả năng xây dựng, chăm lo cuộc sống gia đình.
Do nội dung này chưa có trong Tờ trình của Chính phủ tại kỳ họp thứ sáu, Thường trực Ủy ban đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét vấn đề này. Việc quy định nam 20 tuổi, nữ 18 tuổi là được kết hôn đã áp dụng mấy chục năm qua và xu hướng xã hội hiện đại cho thấy, độ tuổi kết hôn của cả nam và nữ đang ngày càng cao.
Theo Báo cáo tổng điều tra dân số năm 2009 cho thấy, nam kết hôn lần đầu ở độ tuổi 26,2 trong khi nữ kết hôn ở tuổi 22,8, thấp hơn nam giới 3,4 tuổi. So với kết quả tổng điều tra năm 1999 thì tuổi kết hôn trung bình lần đầu của nam tăng một tuổi trong khi tuổi này của nữ không thay đổi.
Tuy nhiên, việc hạ độ tuổi kết hôn của nam xuống 18 không có nghĩa sẽ khuyến khích nam giới kết hôn sớm mà chủ yếu nhằm đảm bảo sự tương đồng về pháp lý giữa các quốc gia. Soi chiếu với các quốc gia trên thế giới cho thấy, quy định tuổi kết hôn nam, nữ từ 18 trở lên là phổ biến, trong khi nhiều nước cho phép nữ kết hôn từ đủ 15, 16 tuổi.
Quyền lợi phụ nữ, trẻ em với hôn nhân không đăng ký
Về quy định giải quyết hậu quả của việc nam nữ chung sống như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn (các điều 13, 14 và 15), một số ý kiến đại biểu đề nghị quy định chặt chẽ để đảm bảo quyền lợi của phụ nữ, trẻ em và chỉ áp dụng đối với nam, nữ còn độc thân. Một số ý kiến đề nghị cân nhắc lại quy định này để không làm gia tăng tỷ lệ chung sống không đăng ký kết hôn và sửa đổi khái niệm “chung sống như vợ chồng”.
Dự thảo Luật đã chỉnh lý khái niệm "chung sống như vợ chồng" tại khoản 5 Điều 7 như sau: “Chung sống như vợ chồng là việc nam, nữ tổ chức cuộc sống chung và coi nhau là vợ chồng”. Đồng thời, dự thảo Luật đã bổ sung tại khoản 1, Điều 13 cụm từ “có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật này” để phân biệt với trường hợp người đang có vợ, có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác được quy định tại điểm c khoản 2 Điều 4.
Về quy định giải quyết hậu quả, dù pháp luật không quy định thì việc chung sống như vợ chồng không đăng ký kết hôn (hay còn gọi là hôn nhân thực tế) vẫn diễn ra, việc bổ sung các quy định giải quyết hậu quả tại các điều 13, 14 và 15 là cần thiết để có cơ sở pháp lý giải quyết các tranh chấp phát sinh. Bên cạnh việc khẳng định rõ nam nữ chung sống như vợ chồng không đăng ký kết hôn thì không làm phát sinh quan hệ hôn nhân, Nhà nước vẫn tạo điều kiện để người dân tuân thủ pháp luật, đó là, quan hệ hôn nhân được xác lập từ thời điểm đăng ký kết hôn để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của phụ nữ, trẻ em và bên thứ ba trong quan hệ dân sự.
Giải quyết thế nào với hôn nhân đồng giới?
Trong khi đó, vấn đề hôn nhân đồng giới cũng gây tranh luận đa chiều. Một số ý kiến đề nghị quy định rõ ràng trong luật việc cho phép hay cấm hôn nhân đồng giới hoặc giữ nguyên quy định cấm của Luật hiện hành. Nhưng luồng khác lại đề nghị không dẫn chiếu việc giải quyết hậu quả như đối với trường hợp nam, nữ chung sống như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn (Điều 15) và phân biệt rõ hai trường hợp này.
Về vấn đề này, theo lý giải Ủy ban, quan điểm và nhận thức của xã hội về vấn đề đồng tính đã thay đổi so với thời điểm thông qua Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000, ở góc độ quyền con người, việc bỏ quy định cấm thể hiện tính nhân văn, góp phần giảm bớt sự kỳ thị.
Tuy nhiên, Luật quy định rõ Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính nhưng cần có cơ sở pháp lý để giải quyết hậu quả của tình trạng chung sống giữa những người cùng giới tính đang diễn ra trong thực tế. Dự luật mới nhất, điểm a, khoản 2 Điều 16 đã bỏ quy định dẫn chiếu sang Điều 15 và được sửa đổi để làm rõ sự khác nhau giữa việc chung sống như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn với việc chung sống giữa những người cùng giới tính. Đồng thời, quy định “Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính” được chuyển sang khoản 2, Điều 8 về điều kiện kết hôn.
Điều 9, dự thảo Luật Hôn nhân và Gia đình về điều kiện kết hôn:
Nam, nữ kết hôn phải tuân theo các điều kiện sau đây:
1. Đủ mười tám tuổi trở lên;
2. Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;
3. Không bị mất năng lực hành vi dân sự;
4. Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 4 của Luật này.
Ban soạn thảo đang cân nhắc ý kiến hạ tuổi kết hôn nam và nữ thêm 2 tuổi trong trường hợp đặc biệt.