Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng. |
Theo Bộ trưởng Cường, quy định đối với nam từ 20 được hạ xuống 18 tuổi được quyền kết hôn, còn nữ du di từ 17 tuổi cộng 1 ngày (thành 18 tuổi) sẽ được quyền kết hôn.
Liên quan đến việc này, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho biết, luật sửa đổi có đưa ra phương án hạ độ tuổi kết hơn của nữ giới xuống 2 tuổi, tuy nhiên nếu không đưa vào luật người ta vẫn cứ làm. Vì thế nếu quy định 16 tuổi kết hôn với nữ thì phải kèm theo điều kiện áp dụng đối với đồng bào dân tộc ít người.
Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Phan Trung Lý, nếu chưa đủ cơ sở thì tuổi kết hôn vẫn giữ nguyên quy định 18 với nữ, 20 với nam như hiện nay. Trường hợp nếu sửa thì không phải hạ thấp mà cần thực hiện theo hướng bình quyền: nam nữ đều phải 20 tuổi mới được kết hôn.
“Ngày xưa 3 tuổi lấy chồng, rồi sau đó 7 tuổi lấy chồng. Tuổi lấy chồng dần dần phải nâng lên, sao lại kéo tụt xuống?”, ông Lý đặt vấn đề.
Quy định 18 - 20 tuổi được quyền kết hôn có hợp lý không? Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, cần có danh mục khảo sát về đồng bào dân tộc thiểu số, xem độ tuổi kết hôn của họ hiện nay ra sao. Qua chuyến thực tế ở đồng bào dân tộc thiểu số, ông Lưu cho biết, phụ nữ ở dân tộc kết hôn rất sớm, 14 - 15 tuổi đã kết hôn rồi, thậm chí ông Bí thư xã người dân tộc Mông còn sinh tới 9 người con.
“Chính phủ cần rà soát, có danh mục cụ thể để biết được đặc điểm từng vùng miền. Nếu quy định tất cả từ 18 tuổi mới được kết hôn sẽ không thực tế. Rồi luật lại trên giấy. Với nam giới cần cố giữ quy định 20 tuổi, nếu đưa xuống 18 tuổi được quyền kết hôn thì không nên”, ông Lưu đề nghị.
Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước cho biết, nhiều phụ nữ dân tộc còn kết hôn sớm hơn quy định. Đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa còn có chuyện gia đình làng bản tự đứng lên tổ chức cho cưới nhau, dù thanh niên chưa đến tuổi kết hôn.
Theo ông Ksor Phước, cứ lấy từ thực tiễn ra mà đúc kết. Luật đã ban hành hơn 10 năm rồi mà ta có thực hiện, xử lý được đâu. Điều quan trọng là xử lý về mặt con cái và tranh chấp tài sản thế nào thôi, chứ họ có vi phạm cũng không phạt được, mà cấm cũng không được.
“Ở các bản làng, nam nữ thương nhau thì có con cái. Dòng họ không đồng ý, chúng vẫn cứ sống với nhau, mà vẫn phải chấp nhận. Luật ra đời lâu rồi nhưng ở Tây Nguyên vẫn theo mẫu hệ, chỉ nhà gái cưới thôi, còn nhà trai ở rể. Nếu có trục trặc gì, anh chồng ra đi tay trắng. Luật quy định rõ vấn đề tài sản vợ chồng, nhưng anh chồng kia không đi kiện được, vì đây là lệ”, ông Ksor Phước dẫn dụ.
Chủ tịch hội đồng dân tộc cũng cho rằng luật không nên rút độ tuổi kết hôn xuống. Trong khi điều tra xã hội học cho thấy, độ tuổi kết hôn ngày càng tăng lên. Quốc hội quy định giảm đi thì làm ngược xu thế chung. Nếu không tăng được thì cố giữ nguyên tuổi kết hôn như hiện nay.
Nếu theo quy định như đưa ra như trong luật sửa đổi, phụ nữ bước sang 15 tuổi, và chỉ thêm 1 ngày (thành 16 tuổi) đã có thể kết hôn. Quy định như vậy là quá sớm, dẫn đến tình trạng nhiều nơi đẻ 9 - 10 người con mà luật không chấn chỉnh. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, luật sửa đổi hạ độ tuổi kết hôn với mục đích bảo vệ quyền lợi nhưng thực tế lại không giải quyết được việc này.
Ngoài ra Chủ tịch Quốc hội cũng không đồng tình với quy định ly thân của các cặp vợ chồng trước khi ly hôn, bởi điều này không phù hợp với văn hóa truyền thống. Ở châu Âu người ta có thể áp dụng vì họ tự do hóa, còn ta thì không. Chủ tịch đề nghị luật đưa ra quy định nhưng tuyệt đối không nên theo kiểu “vẽ đường cho hươu chạy”.
Đối với quy định về người đồng giới, nhiều ý kiến còn cho rằng những người làm luật chẳng hiểu gì về luật. “Tôi cũng không hiểu đồng tính có những trạng thái gì? Cần tính thêm theo hướng trọng chất hơn trọng lượng. Nếu chưa quyết được thì thôi, nhưng quyết được phải chắc chắn”, Chủ tịch cho hay.
Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp lý Phan Trung Lý cũng đề nghị nếu sửa lại quy định hôn nhân đồng giới thì phải sửa cho phù hợp với quy định Hiến pháp hiện hành và xu hướng phát triển.
Ông Lý cũng đề nghị không đưa quy định ly thân vào trong luật như nhiều ĐBQH đã phát biểu trước đây.