Đề xuất hạ độ tuổi kết hôn của nam giới xuống 18
Bộ Tư pháp cho rằng việc hạ độ tuổi kết hôn của nam giới từ đủ 20 tuổi hiện nay xuống đủ 18 tuổi như nữ giới sẽ bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giới.
Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp cũng đề xuất bỏ quy định về cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính.
Tại cuộc họp báo sáng nay 26/7, ông Dương Đăng Huệ, Vụ trưởng vụ pháp luật dân sự - kinh tế (Bộ Tư pháp), cho biết trong dự thảo Luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi, một nội dung quan trọng được Bộ Tư pháp đề xuất sửa đổi là hạ độ tuổi kết hôn của nam giới từ 20 tuổi hiện nay xuống đủ 18 tuổi.
Ông Trần Tiến Dũng, Người phát ngôn kiêm Chánh văn phòng Bộ Tư pháp, cho rằng việc sửa quy định tại khoản 1 Điều 9 Luật Hôn nhân và Gia đình theo hướng nam, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên mới được kết hôn sẽ bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giới, đồng thời bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất quy định của Bộ Luật Dân sự, pháp luật tố tụng dân sự và một số lĩnh vực hoạt động xã hội khác như Luật Nghĩa vụ quân sự.
Trước đó, đã có nhiều ý kiến cho rằng nên hạ cả độ tuổi kết hôn của nữ giới, bởi thực tế hiện nay ở nhiều khu vực, do phong tục tập quán từ nhiều đời để lại nên nữ giới chỉ mới 15-17 tuổi đã lập gia đình nhưng không được đăng ký kết hôn nên đã nảy sinh nhiều vấn đề pháp lý phức tạp.
Tuy nhiên, đề xuất này chưa được Bộ Tư pháp chấp thuận. Bộ Tư pháp cho rằng trước mắt chỉ nên hạ độ tuổi kết hôn của nam giới, từ đủ 20 tuổi xuống đủ 18 tuổi.
Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp cũng đã đề xuất bãi bỏ quy định về cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính được quy định tại khoản 5 Điều 10 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000. Nhà nước không thừa nhận việc kết hôn giữa những người cùng giới tính nhưng quy định việc giải quyết hậu quả của việc chung sống như vợ chồng giữa người cùng giới tính. Việc giải quyết này được áp dụng các quy định về giải quyết hậu quả việc nam, nữ chung sống như vợ, chồng.
Ngoài ra, dự thảo Luật Hôn nhân và Gia đình cũng sẽ bổ sung chế định mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Tuy nhiên, để phòng ngừa, ngăn chặn mục đích thương mại, việc cho phép mang thai hộ sẽ được thực hiện chặt chẽ, đưa ra các quy định cụ thể về người được mang thai hộ, người nhờ mang thai hộ; hình thức pháp lý của việc mang thai hộ và quyền, nghĩa vụ của các bên liên quan cũng như trách nhiệm pháp lý (dân sự, hành chính, hình sự) của các bên.
Được biết, dự thảo Luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi sẽ được đưa ra lấy ý kiến Quốc hội lần đầu vào tháng 10 tới, và sẽ được xem xét thông qua vào kỳ họp Quốc hội tháng 5/2014.
Theo ông Huệ, kế hoạch ban đầu của Quốc hội chỉ là sửa đổi, bổ sung một số điều, nhưng khi bắt tay vào rà soát thì Bộ Tư pháp và nhiều bộ, ngành liên quan mới thấy rằng phải sửa đổi toàn diện luật này.
Theo Người Lao Động