Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cho người đồng tính sống chung, nhưng chưa thừa nhận

Quy định “cấm kết hôn đồng giới” đã bị xóa bỏ. Họ sẽ được phép sống chung, được giải quyết các vấn đề phát sinh theo quy định pháp lý nhưng vẫn chưa được thừa nhận hôn nhân.

Cho người đồng tính sống chung, nhưng chưa thừa nhận

Quy định “cấm kết hôn đồng giới” đã bị xóa bỏ. Họ sẽ được phép sống chung, được giải quyết các vấn đề phát sinh theo quy định pháp lý nhưng vẫn chưa được thừa nhận hôn nhân.

Tại hội thảo góp ý sửa đổi luật hôn nhân gia đình do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức sáng 17/7, vấn đề kết hôn đồng giới vẫn được các chuyên gia tranh cãi nhiều nhất.

Cho sống chung...

Ông Nguyễn Hồng Hải (Trưởng phòng pháp luật dân sự - Vụ pháp luật dân sự kinh tế - Bộ Tư pháp) cho biết, quá trình tổng hợp ý kiến cho Dự thảo Luật sửa đổi thời gian qua, đa số ủng hộ bỏ quy định “cấm kết hôn đồng giới”. Tuy nhiên, các ý kiến cũng cho rằng, Nhà nước vẫn chưa nên thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính.

Bên cạnh đó, trong Luật hôn nhân và gia đình cần phải có các quy định để ngăn ngừa thái độ kỳ thị đối với những người đồng tính. Mặt khác, tạo cơ sở pháp lý để giải quyết các quan hệ về tài sản và con (nếu có) trong trường hợp họ sống chung với nhau như vợ chồng.

Ông Hải phân tích, số đông vẫn cho rằng, theo quan niệm truyền thống cũng như thực tiễn dựng vợ, gả chồng của người Việt hàng ngàn năm nay, quan hệ vợ chồng phải là tình cảm giữa hai người khác giới. Tức là giữa nam và nữ.

Quan niệm đó đã ăn sâu vào tiềm thức của người Việt. Hơn nữa, hôn nhân đồng giới là vấn đề nhạy cảm. Những ý kiến này đề nghị, luật hóa hôn nhân giữa những người cùng giới tính phải có lộ trình.

Theo đó, trong bối cảnh quốc tế và trong nước hiện nay, bước đi phù hợp nhất là Nhà nước không nên can thiệp hành chính vào quyền được sống theo bản dạng giới, khuynh hướng tính dục của người đồng tính. Người đồng tính cần được tôn trọng trong việc sống chung như vợ chồng cũng như các thỏa thuận trong việc xác lập và giải quyết các vấn đề phát sinh từ cuộc sống chung. Đồng thời, có những quy định pháp luật thích hợp để giúp họ giải quyết một cách ổn thỏa các hậu quả pháp lý, bảo đảm các quyền, lợi ích chính đáng và ổn định của các quan hệ xã hội.

Người đồng tính sẽ được phép sống chung, nhưng vẫn chưa được thừa nhận hôn nhân.

Ông Hải cho biết, các ý kiến cũng cho thấy, nhiều nước cũng giải quyết vấn đề này theo lộ trình. Trước hết, Nhà nước thừa nhận quyền của chung sống như vợ chồng của người đồng tính rồi sau đó mới có quy định về thừa nhận hôn nhân.

Nhưng chưa thừa nhận

Như ở Hà Lan cho đăng ký kết hợp dân sự đồng giới năm 1998, nhưng đến năm 2001 mới thừa nhận chính thức hôn nhân hợp pháp. Canada thừa nhận quyền chung sống của người đồng tính vào năm 1999, và đến năm 2005 mới thừa nhận quyền hôn nhân. Riêng ở Pháp, quyền chung sống đã được thừa nhận từ năm 1999 nhưng đến năm 2013 mới cho phép kết hôn. Tại châu Á, Trung Quốc và Ấn Độ chưa thừa nhận hôn nhân đồng tính, nhưng đã hợp pháp hóa quan hệ đồng tính.

Do đó, trong dự thảo, Bộ Tư pháp đã bãi bỏ điều khoản từng có trong Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 về “cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính”. Đồng thời ban soạn thảo đã bổ sung quy định về giải quyết hậu quả việc sống chung như vợ chồng giữa những người cùng giới tính.

Tuy nhiên, ông Hải cho hay, vẫn còn một luồng ý kiến khác không chấp nhận điều này. Họ cho rằng quan hệ hôn nhân giữa những người cùng giới tính là không phù hợp với chức năng xã hội của hôn nhân cũng như với quan niệm truyền thống về hôn nhân và gia đình. Chính vì thế, cần tiếp tục duy trì quy định cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính như quy định hiện hành.

Trong khi đó, PGS. TS. Lê Thị Quý (Viện trưởng Viện Nghiên cứu giới và phát triển) cho rằng, Luật Hôn nhân và gia đình bỏ quy định cấm kết hôn đồng giới là đúng, nhưng cũng không cần thiết phải xây dựng khung pháp lý điều chỉnh đối với họ.

Theo vị TS. Quý, luật sẽ không cấm, nhưng cũng không thừa nhận. Khi không thừa nhận thì họ không phải là vợ chồng, không cần giải quyết những vấn đề nảy sinh trong quan hệ.

Bên lề hội thảo, chúng tôi nêu câu hỏi với Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng: “Công dân được làm điều pháp luật không cấm, vậy Luật sửa đổi không cấm mà cũng không thừa nhận kết hôn đồng giới nghĩa là thế nào?”

Thứ trưởng Tụng cho biết, Dự thảo Luật bỏ từ “cấm” kết hôn đồng giới mà dùng thuật ngữ nhẹ hơn là “không thừa nhận” để tránh sự kỳ thị. Do vậy Bộ Tư pháp đã xóa bỏ quy định “cấm” khỏi Dự thảo nhưng cũng “không thừa nhận” kết hôn đồng giới trong một điều khoản khác. Theo đó, dù người đồng tính chưa được kết hôn nhưng Luật sẽ đề ra những quy định pháp lý để giải quyết hậu quả trong quá trình sống chung cho họ.

Liên quan đến quy định độ tuổi kết hôn, ông Nguyễn Hồng Hải cũng cho biết, hiện nay nhiều ý kiến cũng ủng hộ cho phép cả nam nữ từ đủ 18 tuổi trở lên được kết hôn.

Nhiều người cho rằng, pháp luật dân sự hiện hành quy định người từ đủ 18 tuổi trở lên là người đã thành niên, được quyền tham gia tất cả các quan hệ dân sự và tố tụng dân sự. Trong các lĩnh vực hoạt động xã hội khác thì pháp luật cũng quy định nam giới từ đủ 18 tuổi là có đầy đủ năng lực pháp lý để thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình trước Nhà nước và xã hội.

Mặt khác, trong điều kiện phát triển kinh tế - xã hội hiện nay, Việt Nam đã có những cải thiện đáng kể về chất lượng cuộc sống, góp phần nâng cao thể chất và trí tuệ của người Việt Nam, vì vậy, việc quy định tuổi kết hôn đối với nam là từ đủ 18 thay vì 20 tuổi như hiện nay là phù hợp.

Trong Dự thảo đã đưa ra, Bộ Tư pháp cũng đã đưa ra 2 phương án lựa chọn giữa 18 tuổi và 20 tuổi được phép kết hôn đối với nam. Tuy nhiên Bộ Tư pháp cũng nghiêng về phương án cho phép nam lẫn nữa đều 18 tuổi được kết hôn.

 

Theo Khám Phá

 

 

Theo Khám Phá

Bạn có thể quan tâm