Ngày 1/6, tin từ UBND tỉnh Bình Thuận cho biết ông Nguyễn Ngọc Hai, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, đã có văn bản gửi Bộ TN&MT có ý kiến đối với vị trí nhận chìm gần 1 triệu m3 bùn, cát nạo vét ở biển Vĩnh Tân, Tuy Phong, Bình Thuận.
Vị trí xin đổ cách Khu bảo tồn Hòn Cau 6 km
Trước đó, ngày 27/4, ông Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ TN&MT, đã có công văn gửi Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh Bình Thuận và Ban quản lý Khu bảo tồn Hòn Cau về việc nhận chìm vật chất nạo vét.
Theo văn bản, Công ty Cổ phần Năng lượng Vĩnh Tân 3, chủ đầu tư Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 3, có văn bản hiệu chỉnh báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án.
Cụ thể để đảm bảo cho tàu có trọng tải 100.000 DWT vào cảng, chủ dự án sẽ tiến hành nạo vét vật chất khu trước bến cảng với diện tích khoảng 5,4 ha trong giai đoạn xây dựng, vận hành và vật chất nạo vét phát sinh gần 1 triệu m3.
Để xử lý khối lượng vật chất này, chủ dự án dự kiến nhận chìm ở khu vực biển Vĩnh Tân trên diện tích 300 ha. Khu vực nhận chìm ở biển có cao trình đáy từ -42 m đến -48 m, cách ranh giới Khu bảo tồn Hòn Cau 6 km; cách vùng đệm bãi cạn Breda 6 km và cách vùng đệm đảo Hòn Cau 9 km về hướng Tây.
Chủ dự án đã dự báo, đánh giá tác động môi trường do hoạt động nhận chìm gây ra; đã đề xuất phương án và công nghệ nhận chìm, giải pháp bảo vệ môi trường, đảm bảo không ảnh hưởng đến Khu bảo tồn Hòn Cau, bãi cạn Breda và khu vực lấy nước nuôi tôm lân cận dự án.
Để có căn cứ phê duyệt ĐTM, Bộ TN&MT đề nghị cho ý kiến về vị trí nhận chìm. “Trường hợp không chấp thuận vị trí trên, nêu rõ lý do không chấp thuận và đề nghị chỉ rõ vị trí thay thế để đổ vật chất nạo vét của dự án và gửi về Bộ TN&MT để xem xét, quyết định phê duyệt ĐTM của dự án” - công văn này đề nghị.
Phối cảnh Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân. |
Quan điểm của Bình Thuận
Theo ý kiến phản hồi của UBND tỉnh Bình Thuận, tại vùng biển này có Khu bảo tồn biển Hòn Cau, do đó nếu thực hiện việc nhận chìm vật chất nạo vét tại đây phải cân nhắc, đánh giá một cách kỹ lưỡng.
Cần thiết phải thuê chuyên gia, đơn vị tư vấn để thẩm định, đánh giá tác động một cách tổng thể của việc nhận chìm (nếu có) đối với khu vực biển nói chung và Khu bảo tồn Hòn Cau nói riêng, để làm cơ sở quyết định phương án giải quyết vật liệu nạo vét cho phù hợp với tình hình thực tế tại khu vực và đảm bảo môi trường xung quanh.
“Về phía tỉnh Bình Thuận, luôn ưu tiên chọn phương án dùng vật liệu nạo vét để san lấp mặt bằng, vấn đề này tỉnh đã nêu quan điểm “Phải được thực hiện lồng ghép vừa kết hợp san lấp mặt bằng với các phương án khác (theo quy định và chủ trương chung của tỉnh…”” - văn bản của UBND tỉnh Bình Thuận nhấn mạnh.
UBND tỉnh Bình Thuận cho biết hiện đã giao Sở NN&PTNT, Sở KH&ĐT hoàn chỉnh hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư kè tạo bãi chứa vật liệu nạo vét tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân trình cấp có thẩm quyền thẩm định phê duyệt khi có chủ trương của Chính phủ.
Vị trí xây dựng kè để đổ vật chất nạo vét tại bờ biển thôn Vĩnh Hưng và thôn Vĩnh Tiến thuộc xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, Bình Thuận (phía Bắc cảng tổng hợp Vĩnh Tân và phía Nam Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân) và UBND tỉnh Bình Thuận đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ.
Vì vậy, UBND tỉnh Bình Thuận đề nghị Bộ TN&MT xem xét, hướng dẫn chủ đầu tư liên hệ với các đơn vị chức năng để đổ vật chất nạo vét theo đúng quy định của pháp luật.
Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 3 xây dựng theo hình thức BOT, sử dụng than nhập khẩu từ Indonesia và Úc; gồm ba tổ máy với tổng mức đầu tư khoảng 2,7 tỷ USD là nhà máy nhiệt điện than lớn nhất nằm trong Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân do Công ty Công trình điện quốc tế Harbin (Trung Quốc) xây dựng.
Trước đây, Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 đã xin đổ 1 triệu m3 xuống biển Bình Thuận nhưng vấp phải sự phản ứng quyết liệt của báo chí, các nhà khoa học và người dân nên phải dừng lại, thay bằng phương pháp lấn biển theo chỉ đạo của Chính phủ.
Hiện Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 3 lại xin nhận chìm vật chất nạo vét và vị trí xin nhận chìm cách khoảng 5 km về hướng Bắc mà Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 đã xin đổ.