Ngày 2/5, UBND tỉnh Bình Thuận có văn bản gửi Sở Kế hoạch - Đầu tư và Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn về việc triển khai các nội dung liên quan đến chủ trương đầu tư công trình kè tạo bãi chứa vật chất, chất nạo vét tại trung tâm Điện lực Vĩnh Tân.
Cảnh nạo vét tại trung tâm Điện lực Vĩnh Tân. Ảnh: Tuấn Kiệt. |
UBND tỉnh Bình Thuận giao Sở NN&PTNT hoàn chỉnh hồ sơ, đề xuất chủ trương đầu tư công trình kè tạo bãi chứa vật chất, chất nạo vét tại trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân, để trình cấp thẩm quyền duyệt khi có chủ trương của Thủ tướng Chính phủ; giao Sở KH&ĐT tham mưu UBND tỉnh bố trí vốn để triển khai thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư công trình.
Để chứa 3 triệu m3 vật chất, chất nạo vét từ trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, tỉnh Bình Thuận dự kiến đầu tư 456 tỷ đồng xây dựng hệ thống kè có chiều dài gần 5 km. Diện tích san lấp sau khi xây dựng kè là 55 ha, tại 2 thôn Vĩnh Hưng và Vĩnh Tiến (xã Vĩnh Tân, Tuy Phong), đảm bảo tạo được bãi chứa khối lượng vật chất nạo vét còn lại từ khu vực cảng chuyên dụng của trung tâm Điện lực Vĩnh Tân.
Về nguồn vốn thực hiện dự án, Bình Thuận đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, cân đối nguồn vốn Trung ương hỗ trợ khẩn cấp từ thu thuế nhập khẩu 2017 của cảng Vĩnh Tân, nguồn từ các chủ đầu tư có khối lượng nạo vét trong bến cảng chuyên dụng của trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân hoặc từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương.
Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân sẽ nạo vét 3 triệu m3 vật chất tại khu vực cảng chuyên dụng. Ảnh: Tuấn Kiệt. |
Trước đó, Bộ TN&MT đã có công văn gửi các bộ, ngành liên quan xem xét kiến nghị thực hiện dự án của tỉnh Bình Thuận. Sau đó, Bộ TN&MT đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, đề nghị xem xét, quyết định chủ trương của dự án.
Bộ TN&MT cũng yêu cầu tỉnh Bình Thuận đánh giá tình hình phát sinh vật chất nạo vét tại trung tâm Điện lực Vĩnh Tân và các khu vực khác, từ đó có giải pháp tổng thể để xử lý đảm bảo phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường.
Tỉnh Bình Thuận cần làm rõ cơ sở khoa học trong giải pháp xây dựng dự án, đặc biệt cần dự báo cụ thể tác động môi trường, đề xuất các biện pháp giảm thiểu tác động môi trường và phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường.
Trước đó, ngày 23/6/2017, Bộ TN&MT đã cấp phép cho Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 nhận chìm 1 triệu m3 bùn cát thu được sau nạo vét khu quay tàu và vũng nước chuyên dùng trước nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1. Vụ việc đã dấy lên lo ngại ảnh hưởng đến môi trường biển, đặc biệt là khu vực nhận chìm chỉ cách khu bảo tồn biển Hòn Cau 10 km.
Nhiều nhà khoa học đã lên tiếng phản đối dự án trên. Hiệp hội nghề cá Việt Nam cũng có công văn kiến nghị Chính phủ cho tạm dừng khẩn cấp việc đổ 1 triệu m3 bùn xuống vùng biển Bình Thuận.
Sau đó, UBND tỉnh Bình Thuận đã kiến nghị phương án sử dụng vật chất nạo vét vào việc san lấp mặt bằng, lấn biển, chống xói lở bờ biển và các dự án phát triển hạ tầng khác, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân. Ảnh: Google Maps. |