Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lãi đậm khi mạo hiểm bắt đáy cổ phiếu ngày giảm kỷ lục

Nhà đầu tư có thể thu về khoản lợi nhuận 15-30% chỉ trong chưa đầy 2 tuần nếu mua vào nhiều cổ phiếu lớn khi thị trường giảm kỷ lục vào ngày 28/1.

Thị trường chứng khoán Việt Nam đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng trước Tết Nguyên đán ở mốc 1.115 điểm. So với phiên giảm điểm kỷ lục của VN-Index vào ngày 28/1, VN-Index tăng 9% trong 8 phiên giao dịch cuối cùng trước Tết Tân Sửu.

Nếu chấp nhận mạo hiểm bắt đáy vào ngày hàng trăm cổ phiếu giảm sàn la liệt này, nhà đầu tư có thể đã kiếm được khoản lợi nhuận đáng kể trước phiên giao dịch đầu tiên của năm mới. Chỉ tính riêng trong nhóm cổ phiếu VN30, hàng loạt mã đã sinh lời với tỷ suất đáng mơ ước chỉ sau chưa đầy 2 tuần.

Theo thống kê, trong danh mục VN30, có 19 cổ phiếu có mức sinh lời cao hơn VN-Index trong 8 phiên giao dịch cuối cùng của năm Canh Tý.

Dẫn đầu là VPB (VPBank). Cổ phiếu này từ thị giá 29.650 đồng đóng cửa phiên 28/1 tăng lên 38.500 đồng sau phiên 9/2, tương ứng mức sinh lời 30%. Trong 8 phiên giao dịch cuối cùng trước Tết, VPB tăng tới 7 phiên, trong đó có 3 phiên tăng trần và chỉ điều chỉnh một phiên duy nhất ngày 8/2.

Hai cổ phiếu khác thuộc rổ VN30 có mức sinh lời cao nhất trong cùng khoảng thời gian này là FPT tăng 27% và PDR (Phát Đạt) tăng 20%. Cả hai mã này đều chỉ trải qua một phiên điều chỉnh trong giai đoạn 29/1-8/2.

5 cổ phiếu VN30 tăng mạnh nhất giai đoạn 28/1-9/2

NhãnVPBFPTPDRSBTREE
mức tăng giá % 3027201918

Trong các cổ phiếu VN30 còn lại tăng cao hơn VN-Index, nhóm ngân hàng chiếm tỷ lệ lớn nhất gồm CTG (Vietinbank), TCB (Techcombank), TPB (TPBank), STB (Sacombank), HDB (HDBank), MBB (MBBank). Chỉ duy nhất 2 mã ngân hàng gồm BID (BIDV), VCB (Vietcombank) có mức tăng 6-7%, thấp hơn thị trường chung.

Những cổ phiếu VN30 khác cũng tăng vượt VN-Index trong thời gian từ sau phiên giảm điểm kỷ lục lịch sử gồm SBT (TTC Sugar), REE, SSI, VIC (Vingroup), VNM (Vinamilk), PLX (Petrolimex), HPG (Hòa Phát), BVH (Bảo Việt), VHM (Vinhomes), GAS (PV Gas).

Trong khi đó, các cổ phiếu PNJ, VJC (Vietjet), MWG (Thế giới Di động), MSN (Masan), POW (PV Power), NVL (Novaland) có mức tăng giá từ 3% đến 8%, thấp hơn thị trường chung.

Hai mã KDH (Khang Điền), TCH (Hoàng Huy) không ghi nhận sự chênh lệch giá trong thời gian 29/1-8/2 dù nhiều cổ phiếu tăng mạnh. Đặc biệt, VRE (Vincom Retail) còn đóng cửa năm Canh Tý với mức giảm 2% so với thị giá ngày 28/1.

Sau khi kết thúc năm cũ trên mức kháng cự 1.100 điểm, các chỉ báo về dòng tiền và động lực đang cho tín hiệu tích cực về xu thế của VN-Index trong ngắn hạn, theo BOS. Nhóm phân tích của công ty này dự báo VN-Index sẽ duy trì đà tăng trong các phiên đầu năm mới, sau đó tích lũy trong vùng 1.120-1.160 điểm.

Nhà đầu tư được khuyến nghị duy trì danh mục hiện tại và tiếp tục tăng tỷ trọng giải ngân khi xuất hiện các nhịp điều chỉnh trong quá trình tích lũy của chỉ số, tránh mua đuổi trong các phiên tăng mạnh.

Cơ hội trở lại sau phiên tăng kỷ lục của chứng khoán Việt?

Giám đốc cấp cao của KIS Việt Nam Trương Hiền Phương cho rằng khi dòng tiền của nhà đầu tư lớn tìm đến những cổ phiếu trụ, thị trường có thể bắt đầu xu hướng tăng tích cực.

Minh Liêm

Bạn có thể quan tâm