Đường thi họa phổ (in chung từ ba tập sách Đường thi ngũ ngôn họa phổ, Đường thi thất ngôn họa phổ và Đường thi lục ngôn họa phổ) do Hoàng Phượng Trì, sống cuối thời Minh biên soạn, họa gia nổi tiếng Sái Xung Hoàn minh họa tranh cho các bài thơ, chữ thư pháp do nhiều thư pháp gia thực hiện.
Tác phẩm vừa được ấn hành tiếng Việt qua phần chuyển ngữ của dịch giả Châu Hải Đường.
Đường thi họa phổ gồm hơn 150 bài thơ được Hoàng Phượng Trì tuyển chọn từ những nhà thơ Trung Hoa các thời. Trong đó có những tên tuổi nổi tiếng như "tiên thơ" Lý Bạch, "thánh thơ" Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị... và cả những thi gia như Đậu Củng, Vương Hiên... chưa được biết đến nhiều ở Việt Nam.
Điểm khác biệt dễ thấy nhất của Đường thi họa phổ so với nhiều tác phẩm về thơ Đường lâu nay, theo lời dịch giả Châu Hải Đường là "một cuốn sách in ấn đầy tính nghệ thuật, chẳng phải chỉ để đọc thơ, mà còn để xem tranh thưởng chữ".
Bài thơ "Giang Nam xuân" với tranh minh họa sống động của Sái Xung Hoàn. Ảnh: Bảo Thư. |
Kèm theo mỗi thi phẩm là một bản họa của họa gia Sái Xung Hoàn, góp phần làm cho thần thái, nội dung, hồn thơ được thể hiện, minh họa sống động qua tranh như thực.
Chẳng hạn như ở bài Giang Nam xuân (Xuân Giang Nam) của Lý Ước với nội dung miêu tả cảnh xuân đất Giang Nam:
"Xuân ấm trên hồ sóng nhẹ lan;
Mai rừng, dương liễu, mặt đê chen.
Năm năm hoa ngát bên sông sớm;
Xuân sắc Bồng Doanh sóng rước lên".
Cùng thơ, là cả một cảnh xuân như bước từ trong thi phẩm ra đời thực, nơi những mai rừng, dương liễu khoe sắc, soi bóng bên mặt hồ gợn sóng lăn tăn.
Phải nắm, phải cảm được sâu sắc hồn thơ, người vẽ mới phác nên được thần thái của câu chữ mà tạo thành hình, thành đường nét qua những bức họa như thực đến nhường ấy.
Nhận xét về việc thổi hồn thơ vào tranh này, dịch giả Châu Hải Đường cho rằng "Trong các bức tranh minh họa những bài thơ khác, ông cũng luôn nhìn nhận nắm bắt được những ý tứ tế vi, những khoảnh khắc độc đáo nhất của bài thơ để vẽ".
Không chỉ có thơ, họa, tác phẩm còn có cả "thư" khi đi kèm mỗi bài thơ là các bức thư pháp do nhiều thư pháp gia nổi tiếng như Đổng Kỳ Xương, Trần Kế Nho, Hứa Quang Tộ... thực hiện, khiến cho tác phẩm có đủ cả ba môn nghệ thuật: làm thơ, viết chữ, vẽ tranh (thi, thư, họa).
Đọc Đường thi họa phổ, nhiều thi phẩm đem đến cho độc giả những cảm nhận hoặc thông tin thú vị. Như trường hợp bài Thị gia nhân (Bảo với người nhà) của "tiên thơ" Lý Bạch khi ông nhận lỗi suốt ngày làm bạn với lưu linh của mình với vợ qua mấy câu:
"Một năm ba trăm sáu;
Ngày ngày say bết bê.
Tuy làm vợ Lý Bạch;
Lấy Thái thường, khác chi!"
Trong Đường thi họa phổ, ta gặp một thi gia Cao Biền với bài Tống xuân (Tiễn xuân).
"Nước cạn cá tranh nhảy;
Hoa dày chim rộn ca.
Ngày xuân xem sắp cạn;
Mặc sức cứ say sưa".
Tác phẩm Đường thi họa phổ. Ảnh: Bảo Thư. |
Những người sống cùng thời với Hoàng Phượng Trì, người biên soạn nên tác phẩm, đã đánh giá rất cao sự kết hợp thi, thư, họa của ông.
Vương Địch Cát, người viết lời tựa cho tập Đường thi ngũ ngôn họa phổ đã tỏ bày lòng ngưỡng mộ sự gia công của người biên soạn: "Rộng cầu danh gia viết chữ, chuyên mời danh bút vẽ tranh, bài nào bài nấy đều cực tinh thần, lại đủ xảo diệu".
Nhận xét về tác phẩm Đường thi họa phổ, dịch giả Châu Hải Đường chia sẻ: "Với những bài thơ Đường đặc sắc tràn đầy họa ý, được minh họa bằng tranh vẽ sinh động, cùng thư pháp đặc sắc phong phú, nếu lại nói thêm cả nghệ thuật khắc ván in tuyệt kỹ nữa, thì tập Đường thi họa phổ này không phải chỉ bao gồm 'tam tuyệt' mà đã gồm đủ 'tứ mỹ'".
Theo thông tin từ dịch giả Châu Hải Đường, Đường thi họa phổ là cuốn sách dung hợp nhiều loại hình nghệ thuật nên khi mới ra đời, nó từng là cuốn sách bán chạy hàng đầu và lan truyền sang cả Nhật Bản.