IS dọa sẽ lấy mạng Peter Kassig. |
Từ cựu quân nhân Mỹ đến tù binh IS
Abdul-Rahman Kassig, 26 tuổi, còn được biết đến với tên Peter Kassig trước khi cải sang đạo Hồi, là con tin người Mỹ đang bị phiến quân IS bắt giữ. Trong đoạn phim mới nhất công bố hôm 3/10 về cảnh chặt đầu con tin người Anh, Alan Henning, IS kết thúc đoạn phim bằng lời đe dọa Peter Kassig sẽ là tử tù tiếp theo bị giết.
Đây là lần thứ 4 những đoạn phim như vậy được nhóm phiến quân công bố. Các nạn nhân trước là phóng viên người Mỹ James Foley, phóng viên người Mỹ - Israel Steven Sotloff và nhân viên cứu trợ người Anh David Haines.
Peter Kassig nhập ngũ năm 2006, tham chiến ở Iraq từ tháng 4 đến 7/2007 trong lực lượng bộ binh Mỹ. Từ mùa thu năm 2011 đến 2012, Peter Kassig tốt nghiệp cử nhân y tế cấp cứu tại Đại học Butler, thành phố Indianapolis, bang Indiana, Mỹ. Năm 2012, anh sáng lập Tổ chức Phản ứng và trợ giúp khẩn cấp đặc biệt (SERA) có trụ sở tại Gaziantep, Thổ Nhĩ Kỳ, nhằm cứu trợ người tị nạn Syria.
Anh tới Lebanon vào ngày 8/1/2013 làm tình nguyện viên ở các bệnh viện, giúp đỡ người tị nạn Syria, sau đó cải sang đạo Hồi và đổi tên là Abdul-Rahman Kassig. Ngày 1/10/2013, anh bị IS bắt ở Deir Ezzour, miền đông Syria. Tờ Daily Mail đưa tin, gia đình Peter Kassig cho biết lá thư Peter viết từ ngày 2/6/2014 nhưng chỉ đến ngày 6/10, bố mẹ Peter Kassig, ông bà Ed và Paula Kassig mới công bố lá thư đẫm nước mắt của con trai họ. Tuy nhiên, gia đình Peter Kassig vẫn chưa tiết lộ lá thư được gửi bằng cách nào, chỉ cho biết nó được viết từ phòng giam của IS.
“Con sợ phải chết”
Ông Ed và bà Paula Kassig cho biết, Peter bị bắt khi đang trên đường tới Deir Ezzor ở miền đông Syria trong lúc làm việc cho tổ chức từ thiện SERA của anh.
“Chúng tôi muốn gửi lời cảm ơn chân thành tới rất nhiều người trên khắp thế giới, những người đã cầu nguyện và ủng hộ gia đình chúng tôi trong thời điểm khó khăn này, và đặc biệt tới những người quen biết và làm việc cùng con trai tôi ở Lebanon, Thổ Nhĩ Kỳ hay Syria”, mẹ của Peter Kassig nói.
Thông tin chi tiết về chuyến đi cuối cùng đến Syria của Peter được công bố khi tên anh được nêu là con tin người phương Tây tiếp theo bị IS hành quyết. Ông bà Kassig cho biết, những gì con trai họ viết trong lá thư 4 tháng trước thật không ngờ có thể sẽ xảy ra. “Trong thư con trai tôi viết sợ phải chết. Nó cầu nguyện hàng ngày và tình hình rất phức tạp”, ông Ed nói.
Về việc cải sang đạo Hồi của Peter, nhiều người cho rằng sau khi bị IS bắt, anh mới cải đạo nhằm cứu mạng mình. Tuy nhiên những người thân và bạn bè của Peter cho biết, “hành trình đến với Hồi giáo” của Abdul-Rahman bắt đầu từ trước khi anh bị bắt giữ. “Làm việc suốt một thời gian dài với các cộng sự người Hồi giáo, Peter đã trải qua tháng Ramadan dài vào giữa năm 2013, thời điểm trước khi bị IS bắt giữ”, một người bạn của Peter tiết lộ.
Trong khi đó, giáo sư Andreas Krieg, chuyên gia chống khủng bố của trường King’s College London nhận định: “Dù có cải đạo hay không, đối với những con tin người phương Tây hoặc có hộ chiếu phương Tây thì thông điệp của IS là không tha mạng cho bất kỳ cá nhân nào”.
Cùng thời điểm công bố lá thư, bố mẹ Peter cũng đã phát đoạn băng cầu xin IS trả tự do cho con trai họ. Ông bà Ed Kassig cũng kêu gọi Mỹ ngừng các cuộc không kích nhằm tấn công IS ở Syria để nhóm phiến quân Hồi giáo này rủ lòng thương xót mà tha mạng cho con trai ông bà. Giới truyền thông cho rằng, IS có thể vẫn giữ rất nhiều con tin khác. Nhóm này có nguồn gốc từ những người Iraq liên quan tới tổ chức al-Qaeda nhưng đã bị trục xuất do thực hiện những chiến dịch khủng bố tàn bạo. Kể từ đó nhóm đã phát triển mạnh mẽ và chiếm đóng nhiều khu vực rộng lớn ở cả Iraq và Syria.
“Con ước gì được viết lá thư này mãi”
Lá thư đẫm tình cảm mà Peter viết gửi cho bố mẹ từ phòng giam của IS khá dài. Tuy nhiên trước khi được công bố, những thông tin nhạy cảm đã được cắt bớt. Dưới đây là trích đoạn lá thư do bố mẹ Peter tiết lộ:
“Điều đầu tiên con muốn nói là cảm ơn bố mẹ vì tất cả những gì bố mẹ đã làm cho con, vì tất cả những gì bố mẹ dạy con, chỉ bảo cho con và truyền đạt kinh nghiệm cho con.
Con không thể tưởng tượng sự khó khăn khi phải nuôi dạy một đứa con trai như con nhưng tình yêu và lòng kiên nhẫn của bố mẹ chính là điều mà con cảm thấy biết ơn sâu sắc. Rõ ràng, lúc này con đang rất sợ chết nhưng điều khó khăn nhất là không biết nó sẽ đến vào lúc nào và con lại tự vấn lòng mình liệu có nên hy vọng hay không. Con rất buồn về tất cả mọi việc đang xảy ra và những gì mọi người ở nhà phải trải qua. Nếu con chết, con mong rằng, ít nhất bố mẹ và con có thể tìm được nơi nương tựa và niềm an ủi khi biết rằng con ra đi vì đã cố giúp đỡ và giảm bớt nỗi đau khổ cho những người đang cần được giúp.
Con ước lá thư này được viết mãi, không bao giờ ngừng để con có thể nói chuyện mãi với bố mẹ. Để biết rằng, mỗi dòng suối, những mặt hồ, từng cánh đồng và những con sông, hay trong những cánh rừng, ngọn đồi, ở tất cả những nơi mà bố mẹ đưa con đi, con vẫn ở bên bố mẹ.
Con yêu bố mẹ!”.