Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

L-15 Trung Quốc muốn vượt mặt Yak-130 Nga

Máy bay huấn luyện L-15 do Trung Quốc sản xuất đang có cuộc đua quyết liệt với đối thủ Yak-130 của Nga tại Venezuela.

Tập đoàn Xuất nhập khẩu Công nghệ Hàng không Trung Quốc (CATIC) vừa chào hàng Không quân Venezuela loại máy bay huấn luyện chiến đấu L-15. Thông tin được đăng tải trên trang tin Infodefensa.

Việc chào hàng của Trung Quốc diễn ra trong khuôn khổ chuyến thăm của Phó Tư lệnh Không quân Venezuela Criollo Villalobos. Trung Quốc đã cung cấp cho Venezuela những thông tin về L-15, loại máy bay có thể sử dụng để huấn luyện phi công lái tiêm kích thế hệ thứ 3.

 

Máy bay huấn luyện L-15 trong biên chế Không quân Trung Quốc.

Tuy nhiên, hiện chưa rõ số lượng chào hàng L-15 của Trung Quốc. Hồi năm 2009, phía Venezuela cũng đã bày tỏ sự quan tâm đối với máy bay huấn luyện do Trung Quốc sản xuất, song đến nay hai bên vẫn chưa tiến hành đàm phán.

Việc Trung Quốc có động thái thúc đẩy hợp đồng bán L-15 cho Venezuela được đánh giá là nhằm “vượt mặt” Nga để giành giật thị trường. Lý do là ngay từ hồi năm 2007, Không quân Venezuela đã có ý định mua máy bay huấn luyện Yak-130 của Nga. Năm 2012, phía Nga đã tiến hành các chuyến bay trình diễn cho các tướng lĩnh của Venezuela đánh giá.

Đến nay, L-15 được đánh giá là máy bay huấn luyện tiên tiến nhất do Trung Quốc nghiên cứu chế tạo. Máy bay dài 12,27 m, sải cánh 9,48 m và được làm từ 25% vật liệu tổng hợp.

L-15 có trọng lượng cất cánh tối đa 9.800 kg, trần bay thực tế 16.500 m và đạt tốc độ tối đa 1.600 km/h với tầm bay trên 3.000 km.

L-15 được Trung Quốc quảng cáo có nhiều thông số tốt hơn đối thủ Yak-130 của Nga.
Tuổi thọ của L-15 được quảng bá là 10.000 giờ bay (tương đương 30 năm). Ngoài chức năng huấn luyện, loại máy bay này của Trung Quốc có thể chuyển đổi ngay lập tức thành máy bay tấn công hạng nhẹ nhờ 6 điểm treo vũ khí bên ngoài cho tên lửa không đối không và các loại bom hàng không khác.

Sau khi có chuyến bay đầu tiên vào tháng 3/2006, L-15 đã liên tục được Trung Quốc mang đi trưng bày tại các triển lãm hàng không trong và ngoài nước. Tại Triển lãm Hàng không Chu Hải 2012, một nước châu Phi là Zambia đã đặt mua 6 chiếc L-15.

Đông cơ Minshan do Trung Quốc tự sản xuất dự kiến sẽ được trang bị cho L-15.

Tại Triển lãm Hàng không Paris 2013, Trung Quốc cho biết một khách châu Phi khác cũng đã đặt mua 12 chiếc L-15, song không nêu rõ nước nào. Giới chuyên gia nhận định khách hàng châu Phi này có thể là Namibia hoặc CHDC Congo.

Tập đoàn công nghiệp hàng không Hồng Đô, đơn vị nghiên cứu phát triển L-15 cho biết giá bán loại máy bay này sẽ thấp hơn nhiều so với các đối thủ như Yak-130 của Nga, T-50 của Hàn Quốc và M-346 của Italy. Theo các nguồn tin công khai thì giá thành của L-15 hiện tại là 14,6 triệu USD mỗi chiếc.

Hiện nay, Trung Quốc đang sản xuất phiên bản L-15 Lift với nhiều tính năng và thiết bị tiên tiến hơn như radar quét mảng pha, thiết bị dẫn đường, 6 màn hình màu đa năng (mỗi phi công có 3 màn hình). Đặc biệt, L-15 Lift được trang bị loại động cơ AI-222K-25F do Ukraine sản xuất. Loại động cơ này cũng có thể trang bị cho máy bay chiến đấu JF-17.

Động cơ AI-222-25.
Điều đáng chú ý là loại động cơ tương tự AI-222K-25 cũng được trang bị cho máy bay huấn luyện Yak-130 của Nga. Tuy nhiên, phiên bản động cơ cho máy bay Nga được đánh giá có chất lượng và công suất lớn hơn so với phiên bản xuất khẩu cho Trung Quốc.

Có thông tin cho rằng Trung Quốc đã đặt mua của Ukraine tổng số 250 động cơ AI-222K-25F. Nếu toàn bộ số động cơ này được trang bị cho L-15 thì số lượng L-15 mà Trung Quốc dự kiến sản xuất sẽ tương đương với số lượng Yak-130 mà Nga định xuất xưởng trong thời gian tới.

Yak-130 của Nga là máy bay huấn luyện 2 chỗ ngồi, có chuyến bay đầu tiên vào năm 1996. Yak-130 được đánh giá có chất lượng tốt hơn so với L-15 của Trung Quốc dù có các thông số “quảng cáo” dường như thua kém đối thủ L-15.

Yak-130 của Nga.
Yak-130 dài 11,49 m, sải cánh 9,72 m và có trọng lượng cất cánh tối đa 10.290 kg. Các thông số về tốc độ tối đa (1.050 km/h), trần bay (12.500 m), tầm bay (2.546 km) đều kém hơn L-15. Tuy nhiên, máy bay của Nga có sức mạnh động cơ tốt hơn, tải trọng lớn hơn và khả năng mang nhiều vũ khí hơn (với 9 điểm treo vũ khí). Đặc biệt, Yak-130 có thể sử dụng để huấn luyện phi công lái tiêm kích thế hệ thứ 4 và thứ 5. Trong khi đó, L-15 chỉ có thể sử dụng để huấn luyện phi công lái tiêm kích thế hệ 3 như J-10, J-11 và F-16.

Hiện nay nhiều nước đã đặt mua Yak-130 của Nga như Algeria (đã nhận 16 chiếc), Bangladesh (đặt mua 24 chiếc), Belarus (đặt mua 4 chiếc), Mông Cổ (đặt mua 1 chiếc), Syria (đặt mua 36 chiếc), Việt Nam (đặt mua 8 chiếc). Các nước khác như Ấn Độ, Indonesia…cũng muốn mua Yak-130 của Nga.

Theo Báo Đất Việt

Bạn có thể quan tâm