Kỹ xảo bán 'hàng ôi' trên các website thương mại
Trưng ảnh hàng tốt, quảng cáo dịch vụ năm sao là những cách mà nhiều website mua hàng theo nhóm sử dụng để bán sản phẩm nhái, dịch vụ "dỏm".
Mô hình mua hàng theo nhóm đang được đánh giá là công cụ hữu hiệu để các tổ chức, doanh nghiệp bán hàng trong giai đoạn khó khăn bởi vì bán hàng cho các nhóm khách hàng qua internet (website, mạng xã hội...) có thể giúp người bán tiết kiệm tiền thuê cửa hàng, kho bãi… Tiền tiết kiệm lại được doanh nghiệp chuyển cho người tiêu dùng thông qua việc giảm giá, khuyến mãi. Người mua, nhờ cùng nhau mua số lượng nhiều, mua trực tuyến nên chẳng những tiết kiệm được thời gian đi mua sắm mà còn được hưởng nhiều ưu đãi, giảm giá từ các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, nhiều web mua bán theo nhóm cũng dùng đủ “chiêu” để hút khách vào các chương trình khuyến mãi. Không ít trang web mua sắm theo nhóm đang có nhiều “kĩ xảo” bán hàng giảm giá cực “shock”. Thực chất, “siêu giảm giá” cũng chưa phải là giá rẻ nhất, chưa kể chất lượng hàng hoá “siêu giảm giá” kiểu này chủ yếu là hàng nhái.
Điện thoại làm nhái, kém chất lượng là một trong những mặt hàng được bày bán nhiều nhất ở các website giao dịch mua bán. |
Trên hàng loạt các trang web mua sắm theo nhóm như cungmuasam.net, runhau.vn, cucre.vn, dealnambo.com, deal60giay.vn, deal phagia.com, 1top.com… đều đang rao bán rất nhiều loại mỹ phẩm, nước hoa trang sức và các mặt hàng túi xách, thắt lưng, quần áo của các hãng nổi tiếng thế giới. Giá cả thường rẻ hơn 50 – 70% so với giá ngoài thị trường, thậm chí có mặt hàng “siêu giảm giá” đến 90%.
Chị Thu Phượng (Thường Tín, Hà Nội) chia sẻ, năm ngoái, nhiều người trong cơ quan chị “nghiện” hình thức mua sắm theo nhóm kiểu này vì hàng hoá có giá rẻ, hình ảnh được chụp từ loại sản phẩm thật, nhìn qua không khác hàng chính hãng. Thấy giá hấp dẫn nên cả cơ quan đã đặt mua theo hình thức chuyển khoản trước hoặc đăng kí đặt hàng rồi nhận giao hàng sau vài ngày. Tuy nhiên, khi nhận được sản phẩm, nhiều người mới biết mình mua phải hàng nhái.
“Đợt nghỉ hè vừa rồi, nhiều chị ở cơ quan còn đặt mua tour 'siêu giảm giá' trên các trang web này. Lúc đầu thì quảng cáo là 'nghỉ ở khách sạn ba, bốn sao', ăn uống tại các nhà hàng nổi tiếng, miễn phí nhiều loại dịch vụ. Khi đến nơi nghỉ mát lại được xếp ở nhà nghỉ bình dân kiểu 'ngàn sao', ăn uống phục vụ kém, dịch vụ nào cũng bị tính thêm cước phí. Bây giờ thì mọi người kiên quyết không truy cập vào những trang web kiểu này nữa” chị Phượng nói.
Các website mua hàng theo nhóm đã trở nên quen thuộc với một bộ phận người tiêu dùng tại các thành phố lớn, đặc biệt là giới trẻ, sinh viên và nhân viên văn phòng. Hiện chưa có số liệu thống kê đầy đủ và cập nhật về hoạt động của các website mua hàng theo nhóm ở Việt Nam nhưng theo Báo cáo thương mại điện tử Việt Nam 2011 vừa được công bố, số liệu từ 15 websites mua hàng theo nhóm phổ biến nhất tại Việt Nam cho thấy, tổng doanh thu của nhóm 15 websites này trong năm ngoái là hơn 673 tỉ đồng.
Xét về doanh số thì hiện 4 website hàng đầu đang nắm giữ tới 90% thị phần về kinh doanh dịch vụ mua theo nhóm là nhommua.com (36%), hotdeal.vn (26%), muachung.vn (15%), và cungmua.com (13%). Về khối lượng giao dịch, bốn website này cũng chiếm gần 70% số giao dịch được tiến hành và hơn 80% số các voucher được bán ra của toàn thị trường.
Theo Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, việc cấp đăng kí cho các sàn giao dịch Thương mại điện tử hiện nay chỉ căn cứ vào hồ sơ đăng kí kinh doanh của doanh nghiệp, có đối chiếu với thông tin thể hiện trên website tại thời điểm đăng kí. Hiện, Bộ Công Thương đang chủ trì soạn thảo một nghị định về thương mại điện tử nhằm thay thế cho Nghị định 57/2006/NĐ-CP ban hành năm 2006 còn quy định chung chung do vào thời kỳ đó, mô hình này còn sơ khai. Nghị định mới được kì vọng sẽ “quản” thương mại điện tử một cách tổng thể hơn, giúp cho lĩnh vực này hoạt động đúng hướng và phát huy được tiềm năng.
Theo VTC