Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII đã kết thúc 1,5 ngày thảo luận về nội dung các văn kiện Đại hội để bước sang nội dung liên quan đến công tác nhân sự.
Các đại biểu có chung đánh giá quá trình chuẩn bị văn kiện công phu, kỹ lưỡng nên việc thảo luận dân chủ, thống nhất cao.
Khuyến khích, bảo vệ cán bộ "6 dám"
Bên lề Đại hội Đảng XIII, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Đồng Nai Trần Trung Nhân chia sẻ nhiều điều tâm đắc.
Trước hết, đó là về vị thế của đất nước. Ông cho rằng với những thành tựu về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh rất nổi bật, có thể khẳng định như Tổng bí thư, Chủ tịch nước đã nói, đó là "chưa bao giờ đất nước ta có tiềm lực, cơ đồ, vị thế, uy tín như ngày nay".
Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Đồng Nai Trần Trung Nhân. Ảnh: X.Đ. |
Tâm đắc thứ hai Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Đồng Nai chia sẻ, đó là niềm tin vào sự quyết tâm chống tham nhũng của Đảng được thể hiện trong văn kiện. “Công tác phòng, chống tham nhũng đi vào chiều sâu với phương châm không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Nhiều vụ án, vụ việc đã được xác minh, làm rõ và xử lý rất nghiêm khắc, bất kể người đó là ai, kể cả ủy viên Bộ Chính trị", ông Nhân nhận định.
Ông cho biết dự thảo Báo cáo chính trị lần này đã khẳng định “tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn và có chiều hướng giảm”. Qua đó, đã góp phần củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
“Một tâm đắc lớn nữa của tôi trong các dự thảo văn kiện lần này là Đảng ta rất quyết đoán, mạnh dạn đặt ra những mục tiêu, chỉ tiêu vượt thời gian, vượt ngoài nhiệm vụ nhiệm kỳ đại hội”, ông Nhân chia sẻ. Theo ông, điều đó thể hiện quyết tâm rất lớn của Đảng, thể hiện tầm nhìn và chiến lược trong phát triển kinh tế đất nước trong thời kỳ mới.
Đặc biệt, ông chia sẻ ấn tượng dự thảo văn kiện trình Đại hội lần này có giải pháp khuyến khích và bảo vệ cán bộ thực hiện "6 dám".
Trước đây chỉ có 3 dám là dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Nhưng trong Báo cáo chính trị lần này, Đảng khuyến khích và có giải pháp để bảo vệ những cán bộ dám nói, dám đột phá sáng tạo và dám đương đầu với những khó khăn, thử thách.
Ông Nhân phân tích dám nói là nói thẳng, nói thật, nói đúng. Cái mới, cái khó nhất chính là dám đương đầu, dám đột phá, đặc biệt trong điều kiện hệ thống pháp luật của nước ta chưa được hoàn thiện, còn nhiều khiếm khuyết.
Trong khi cuộc đấu tranh chống tham nhũng đang rất quyết liệt, một bộ phận nhỏ cán bộ có tâm lý e dè, ngại ngần, sợ sai trong thực thi công vụ của mình, ông Nhân cho rằng việc dự thảo Báo cáo chính trị lần này đặt ra “6 dám” sẽ là “liều thuốc” rất kịp thời giúp cán bộ cởi bỏ tâm lý sợ sai trong thực hiện công vụ.
“Tôi tin Đảng, Nhà nước sẽ có những quy định rất cụ thể, thiết thực để bảo vệ cán bộ tâm huyết, trách nhiệm, những cán bộ vì nước, vì dân”, ông Nhân tin tưởng.
Lãnh đạo địa phương tự tin hơn khi có cơ chế
Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy cũng chia sẻ không khí dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm, tâm huyết từ các đại biểu khi thảo luận văn kiện Đại hội. Theo ông, các bài tham luận đều thể hiện tính khái quát cao nhưng cũng đi thẳng vào những vấn đề theo gợi ý của Đoàn Chủ tịch và các khía cạnh, lĩnh vực tham luận rất phong phú, đa dạng.
Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy cho rằng lãnh đạo địa phương tự tin hơn khi Đảng có cơ chế để bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm. Ảnh: Thuận Thắng. |
“Những người được bố trí tham luận hoặc đại biểu ngồi theo dõi đều cảm nhận được một không khí chính trị, một khí thế, một quyết tâm, thể hiện động lực mới của toàn Đảng, toàn dân, mong muốn để Đại hội XIII thực sự trở thành đại hội của sự đổi mới với khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc”, ông Duy nói.
Lưu ý trong quá trình đổi mới không thể tránh khỏi những vấn đề bất cập do cơ chế, chính sách pháp luật chưa điều chỉnh, bổ sung kịp thời, song Bí thư Yên Bái cho rằng văn kiện Đại hội Đảng XIII đã tính tới các yếu tố này.
Điều đó thể hiện qua việc Đảng có cơ chế để bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì sự phát triển chung của địa phương và đất nước.
“Chúng tôi là những người lãnh đạo địa phương rất tâm đắc với chủ trương này của Trung ương Đảng mà tới đây sẽ được quyết nghị trong Đại hội XIII, để những người lãnh đạo các địa phương sẽ tự tin hơn, vững tâm hơn khi mình dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám mạnh dạn đổi mới vì mục tiêu phát triển của địa phương cũng như của đất nước”, ông Duy nói.
Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Bùi Văn Cường đánh giá nhiệm kỳ Đại hội XII, Đảng rất chú trọng công tác cán bộ. Ảnh: X.Đ. |
Trong khi đó, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Bùi Văn Cường đánh giá nhiệm kỳ Đại hội XII, Đảng rất chú trọng công tác cán bộ. Vì thế, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành rất nhiều văn bản, quy định về công tác cán bộ. Cùng với đó, tiến hành quy hoạch cán bộ cấp chiến lược theo quy trình 5 bước rất chặt chẽ. Đặc biệt, đầu tiên Đảng có quy định về chống chạy chức, chạy quyền trong công tác cán bộ.
“Những quy định liên quan đến công tác cán bộ đã được triển khai thực hiện đồng bộ, bài bản đã góp phần xây dựng được đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”, ông Cường nói.
Từ thực tế ở địa phương, ông Cường cho biết Đắk Lắk đã cụ thể hóa các quy định của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Tỉnh cũng đổi mới công tác đánh giá cán bộ theo hướng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo là “chọn người tài, không chọn người nhà”.
Dẫn lại lời Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, ông Cường cho rằng nếu chọn được người giỏi thì đất nước và nhân dân được nhờ. Cán bộ nếu có thực tài, phẩm chất và năng lực sẽ thúc đẩy địa phương phát triển.