Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

ĐẠI HỘI ĐẢNG XIII

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng hứa giữ vững an ninh tài chính quốc gia

Trước Đại hội, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng hứa sẽ cùng ngành tài chính phấn đấu đạt và vượt các mục tiêu tài chính, giữ vững an ninh, an toàn tài chính quốc gia.

Ngày 27/1, các đại biểu dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII thảo luận về văn kiện Đại hội. Thay mặt Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính trình bày tham luận, ông Đinh Tiến Dũng (Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Tài chính) đề cập đến mục tiêu xây dựng và hoàn thiện nền tài chính quốc gia theo hướng hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước.

Nhất trí với các báo cáo tại Đại hội, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng chia sẻ thêm một số quan điểm dưới góc độ quản lý Nhà nước về tài chính - ngân sách.

Tăng cường quản lý ngân sách

Bước sang giai đoạn 2021-2025, chiến lược 10 năm 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045, Bộ trưởng Tài chính cho rằng bên cạnh những thuận lợi cơ bản về ổn định chính trị, kinh tế vĩ mô, nền kinh tế năng động, phát triển, chúng ta phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Nhiệm vụ trọng tâm được Bộ Tài chính tập trung là: Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế tài chính, cơ cấu lại ngân sách Nhà nước, nợ công nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phát triển và cơ cấu lại nền kinh tế.

Cùng với đó, siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính ngân sách; củng cố dư địa tài khóa, nâng cao khả năng chống chịu của nền tài chính quốc gia.

Bo truong Tai chinh hua truoc Dai hoi anh 1

"Ngành tài chính xin hứa trước Đại hội sẽ phấn đấu thực hiện đạt và vượt các mục tiêu tài chính - ngân sách Nhà nước, củng cố tiềm lực, giữ vững an ninh, an toàn tài chính quốc gia”, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cam kết trước Đại hội XIII. Ảnh: Thuận Thắng.

Nhiệm vụ đầu tiên ông Dũng nhấn mạnh là tham mưu để phát triển hệ thống thu hiện đại, phù hợp với trình độ phát triển. Đồng thời, tạo điều kiện khơi thông các nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.

Tư lệnh ngành tài chính cũng lưu ý nhiệm vụ tăng cường quản lý ngân sách Nhà nước, triển khai đồng bộ, hiệu quả các kế hoạch tài chính 5 năm, kế hoạch vay - trả nợ công 5 năm và kế hoạch đầu tư công 5 năm.

Song song với đó là việc kiểm soát chặt chẽ bội chi ngân sách và nợ công, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, tăng cường ổn định vĩ mô vững chắc, đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững, nâng cao hệ số tín nhiệm quốc gia.

Ngành tài chính xin hứa trước Đại hội phấn đấu thực hiện đạt và vượt các mục tiêu tài chính - ngân sách Nhà nước, củng cố tiềm lực, giữ vững an ninh, an toàn tài chính quốc gia

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng

Bộ Tài chính sẽ đẩy mạnh cơ cấu lại ngân sách Nhà nước, nợ công, từng bước cải thiện dư địa chính sách tài khóa; cơ cấu lại căn bản chi ngân sách.

Đặc biệt, Bộ đẩy mạnh cải cách hành chính; ứng dụng công nghệ thông tin; tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, công khai, minh bạch, giám sát an toàn khu vực tài chính; siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách, phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí...

“Phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số ở những lĩnh vực tài chính quốc gia, tài chính công trọng yếu như ngân sách Nhà nước, thuế, hải quan, chứng khoán, quản trị vốn Nhà nước tại doanh nghiệp”, ông Dũng nói.

Nêu bối cảnh trước mắt còn nhiều khó khăn, thách thức đan xen thuận lợi, Bộ trưởng Tài chính đưa ra lời cam kết trước Đại hội.

“Với ý chí và quyết tâm cao, ngành tài chính xin hứa trước Đại hội sẽ tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, sáng tạo, nhiệt huyết, phấn đấu thực hiện đạt và vượt các mục tiêu tài chính - ngân sách Nhà nước, củng cố tiềm lực, giữ vững an ninh, an toàn tài chính quốc gia”, ông Dũng cam kết.

Tăng chi cho đầu tư phát triển, giảm chi thường xuyên

Trước đó, ông điểm lại những kết quả nổi bật ngành tài chính đã đạt được trong nhiệm kỳ qua. Dù nhiều yếu tố tác động, tổng thu ngân sách Nhà nước cả giai đoạn 2016-2020 vẫn vượt mục tiêu đề ra và đạt khoảng 6,9 triệu tỷ đồng, tương ứng trên 25% GDP, vượt mục tiêu đề ra. Cơ cấu thu đã dịch chuyển theo hướng bền vững hơn, phù hợp với trình độ phát triển và hội nhập của nền kinh tế.

Bội chi đã giảm từ mức bình quân 5,4% GDP giai đoạn 2011-2015 về mức 3,6% GDP giai đoạn 2016-2020, vượt mục tiêu đề ra (4% GDP)

Chi ngân sách có nhiều đổi mới, tăng cường phân cấp, trao quyền tự chủ; thực hiện cơ chế tài chính đặc thù đối với các thành phố lớn; siết chặt kỷ luật tài chính ngân sách...

“Chi ngân sách được kiểm soát chặt chẽ, tăng hiệu quả và thực hiện cơ cấu lại, ưu tiên nguồn lực thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các đột phá chiến lược của nền kinh tế về hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực”, ông Dũng cho hay.

Ngành tài chính đã tăng tỷ trọng bố trí chi đầu tư phát triển, giảm tỷ trọng chi thường xuyên trong giai đoạn 2016-2020, đảm bảo nguồn thực hiện cải cách tiền lương công chức, viên chức, lương hưu và trợ cấp ưu đãi đối với người có công…

Về cân đối ngân sách, bội chi đã giảm từ mức bình quân 5,4% GDP giai đoạn 2011-2015 về mức 3,6% GDP giai đoạn 2016-2020, vượt mục tiêu đề ra (4% GDP). Nợ công cũng giảm từ mức 63,7% GDP cuối năm 2016 xuống 55,8% GDP cuối năm 2020.

“Những kết quả tích cực từ việc cơ cấu lại ngân sách Nhà nước, nợ công giai đoạn 2016-2019 đã tạo dư địa quan trọng cho chính sách tài khóa, nên trong năm 2020, dù kinh tế khó khăn do tác động nghiêm trọng của thiên tai, dịch bệnh, thu ngân sách sụt giảm, chúng ta vẫn chủ động nguồn xử lý được các vấn đề cấp bách phát sinh, hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho hay.

Sẽ trình Đại hội các 'trường hợp đặc biệt'

"Những trường hợp đặc biệt được Ban Chấp hành Trung ương bàn hết sức kỹ lưỡng và có giới thiệu của Bộ Chính trị, Tiểu ban Nhân sự", ông Hầu A Lềnh nói.

Hoài Thu

Bạn có thể quan tâm