Kỳ vĩ Nam Cực: Chim cánh cụt, hải cẩu và sông băng
Thứ bảy, 24/3/2018 05:51 (GMT+7)
05:51 24/3/2018
Tác giả các bức ảnh nói dù Nam Cực cách xa đời sống văn minh nhưng không phải là chưa chịu tác động tiêu cực từ những hoạt động vô ý thức của con người.
Châu Nam Cực là lục địa nằm xa nhất về phía nam của Trái Đất, chứa cực Nam địa lý và gần như nằm hoàn toàn trong vòng cực Nam. Tác giả Alexandre Meneghini
kể lại hành trình khám phá vùng đất lạnh nhất thế giới trên Reuters. Trong hình là bầy chim cánh cụt trèo lên một ngọn núi trên đảo Danco thuộc Nam cực.
Hành trình bắt đầu từ thành phố Punta Arenas, thủ phủ của vùng Magallanes thuộc Chile, trên chiếc tàu mang tên "Bình minh Bắc cực" của tổ chức bảo vệ môi trường Greenpeace.
Greenpeace tổ chức chuyến đi để nâng cao nhận thức cũng như thể hiện sự ủng hộ đối với một dự án của Liên minh Châu Âu nhằm thành lập khu bảo tồn lớn nhất trên Trái Đất ở Nam cực. Mục tiêu của dự án là tạo ra môi trường sống an toàn cho các loài động vật trước nguy cơ từ việc đánh bắt thủy hải sản.
Dự án, có tên gọi "khu bảo tồn hải dương biển Weddell", sẽ bao phủ diện tích khoảng 1,8 triệu km2, là nơi sinh sống tự nhiên của các loài động vật như cá voi, hải cẩu, chim cánh cụt và nhiều loài cá. Trong hình là những con hải cẩu phơi mình trên bãi biển vịnh Trăng Khuyết (Half Moon) ở Nam cực.
"Nam cực hiện được bảo vệ theo Hiệp ước Nam cực nhưng tình trạng xâm hại các vùng nước xung quanh diễn ra thường xuyên và nơi này cũng đang phải đối mặt với những vấn đề xảy ra ở khắp nơi trên thế giới như lượng khí CO2 gia tăng, đại dương bị axit hóa và ô nhiễm vì nhựa", ông Tom Foreman, người dẫn đầu chuyến đi của Greenpeace, cho biết.
Kế hoạch bao gồm ghi hình những tác động của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và việc đánh bắt thủy hải sản đối với đời sống hoang dã. Greenpeace sẽ thu thập hình ảnh, video, mẫu vật từ đáy biển vùng cực Nam, cũng như mẫu nước bề mặt để kiểm tra về mật độ hạt vi nhựa.
Theo tổ chức này, một trong những mối quan ngại chính là hoạt động đánh bắt các loài nhuyễn thể mà cá voi, chim cánh cụt, hải cẩu dùng làm thức ăn. Con người đánh bắt chúng để chế ra các viên uống bổ sung omega-3 cũng như làm thức ăn cho thú cưng. Trong hình là một chiếc thuyền đánh bắt nhuyễn thể ở Nam cực.
Tác giả kể rằng để đến với Nam cực, anh phải vượt qua khu vực Drake Passage, nơi giao nhau giữa Thái Bình Dương và Đại Tây Dương với mặt biển rất dữ dội. Anh mất 4 ngày để đi qua vùng biển và nói đó là 4 ngày dài nhất cuộc đời mình. "Tôi quyết định không uống thuốc say sóng và đó là một sai lầm. Ở trên tàu như thể đang ở trong một cái máy ly tâm", anh Meneghini nói.
Tuy nhiên khi đặt chân đến bán đảo Nam cực, biển lặng sóng, êm ả. Trái với những gì từng nghĩ, tác giả nói đời sống hoang dã ở đây rất sôi động. Anh có thể nhìn thấy chim cánh cụt, hải âu, nhiều loại hải cẩu và cá voi ở mọi nơi, mọi lúc.
Anh kể lại lúc nhìn thấy những con chim cánh cụt và nói đó là khoảnh khắc không thể nào quên trong đời. "Chúng không xem con người là loài có thể ăn thịt chúng và có thể quấn lấy bạn hàng giờ liền nếu bạn không chuyển động quá nhiều", Meneghini nói. "Cùng với con chó của tôi thì lũ chim là những gì ngọt ngào nhất trên thế giới này".
Anh cũng có cơ hội nhìn ngắm bán đảo Nam cực từ trực thăng. "Tôi nhìn thấy những khung cảnh kỳ vĩ nhất từ trước đến nay. Không tấm hình nào có thể diễn tả được cảm giác khi nhìn thấy những nơi này lần đầu", anh nói.
"Nam cực cách xa nền văn minh nhưng không phải là chưa bị động vào", anh nói. "Chúng tôi đến đây để chỉ ra những tổn thương tại khu vực. Tôi hy vọng những tấm ảnh của mình có thể cho thấy phần nào vẻ đẹp của vùng đất này".
Nam cực là nơi giá lạnh nhất trên Trái đất với kỷ lục đo được là âm 89 độ C và cũng là hoang mạc lớn nhất thế giới (14 triệu km2). Không có cư dân định cư tại đây nhưng vẫn có các nhóm nghiên cứu khoa học từ nhiều quốc gia đến làm việc tại các cơ sở thường trực.