Cơ quan phụ trách Nam Cực, Bộ Môi trường Australia vừa đăng đoạn clip 38 giây hài hước lên mạng xã hội vào ngày 8/3. Một trong những thành viên của nhóm, Eddie Gault, đã đặt máy ảnh trên mặt đất gần Auster Rookery - nơi sinh sống của đàn chim cánh cụt hoàng đế, trong khi tới thăm trạm nghiên cứu Mawson gần đó.
“Những con chim cánh cụt tò mò không mất nhiều thời gian để nắm lấy cơ hội quay clip 'tự sướng'”, nhóm nghiên cứu cho biết.
Hai chú chim cánh cụt tự quay video "tự sướng". Ảnh chụp từ clip. |
Mặc dù đoạn video lúc đầu chỉ có góc quay ở vị trí thấp nhưng một con chim cánh cụt đã đi tới máy ảnh và, với một cú đá nhẹ, lật ống kính hướng lên trên. Sau đó, một “anh bạn” khác xuất hiện trong khung hình. Trong khoảng nửa phút, hai con chim cánh cụt gật gù, “nói chuyện” qua lại, tò mò ngắm nghía máy quay.
Trong vòng vài giờ, đoạn video trên trang Facebook của cơ quan này đạt tới 30.000 lượt xem. Đây không phải lần đầu tiên các loài động vật thu hút sự chú ý vì biết chụp ảnh hay quay clip "tự sướng". Vào năm 2013, chim cánh cụt Gentoo ở Nam Cực cũng đã tự chụp một bức ảnh độc đáo với cái mỏ mở rộng bằng camera của một đoàn thám hiểm Canada.
Bức ảnh chụp lại chú chim cánh cụt Gentoo “tấn công” camera trước đây. Ảnh: M/S Expedition. |
Theo Washington Post, Bộ phận phụ trách Nam Cực cũng có thể cần chú ý hơn đến cách họ sử dụng đoạn video ngẫu nhiên quay được này. Trường hợp này giống với bức ảnh “con khỉ selfie” vào năm 2011 khi David J. Slater để cho vài con khỉ cầm và chơi đùa với chiếc máy ảnh của mình.
Bức ảnh trở nên nổi tiếng và được Slater đăng trong cuốn sách Wildlife Personalities ra mắt năm 2014. Nhưng vào năm 2015, Tổ chức Bảo vệ Quyền lợi Động vật (PETA) đã kiện Slater vi phạm bản quyền vì con khỉ đó tự bấm máy nên đó mới là người chủ sở hữu bức hình.
Vụ việc kết thúc sau 2 năm bằng việc Slater đồng ý quyên góp 25% số tiền thu được từ bức ảnh con khỉ chụp ảnh "tự sướng" cho các tổ chức từ thiện tại Indonesia bảo vệ loài khỉ này.