Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc ở xã Đồng Lộc (huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) nằm trên đường Hồ Chí Minh, là giao điểm của quốc lộ 15A và tỉnh lộ 2 đoạn qua Hà Tĩnh. Trong những năm chiến tranh, nơi đây là mạch máu giao thông, con đường độc đạo để hậu phương chi viện sức người, sức của cho miền Nam. |
Những năm 1964-1972, Đồng Lộc bị đánh phá liên tục. Từ tháng 4 đến tháng 10/1968, ngã ba Đồng Lộc hứng chịu gần 50.000 quả bom các loại, mặt đất biến dạng, đất đá cày đi xới lại. |
52 năm trôi qua, nơi 10 cô gái thanh niên xung phong ngã xuống đã trở thành "địa chỉ đỏ". Nhiều người cảm động rơi nước mắt khi được nghe kể lại những câu chuyện gắn liền với cuộc đời của 10 nữ thanh niên xung phong phá lấp hố bom, phá bom, mở đường giữ huyết mạch tiền tuyến. |
Lưu giữ tại khu bảo tàng Ngã ba Đồng Lộc, có kỷ vật được tìm thấy ngay tại hố bom nơi các chị nằm lại, cũng có những kỷ vật được gia đình cất giữ nhiều năm trước khi giao cho bảo tàng. |
Bức ảnh ghi lại những ngày theo dõi máy bay thả bom, phá bom, đào đường như kể về câu chuyện chiến tranh ác liệt. |
Bức thư của tiểu đội trưởng Võ Thị Tần gửi mẹ 5 ngày trước khi hy sinh có đoạn: “Ở đây vui lắm mẹ ạ, ban đêm chúng nó thắp đèn để chúng con làm đường, còn ban ngày chúng mang bom giết cá để chúng con cải thiện. Bom đạn của chúng có thể làm rung chuyển cả núi rừng nhưng không thể làm rung chuyển những trái tim của chúng con". |
"Trong thời gian chúng con làm, máy bay giặc có đến trinh sát, chúng tưởng đâu là đường sá đã bị tan nát vì cơn mưa bom của chúng. Nhưng chúng có mắt như mù, chính lúc đó là lúc đoạn đường được nối bằng cả tâm hồn và trí lực của chúng con”. Trong ảnh là bức thư trên giấy và đã được khắc lên phiến đá trước bảo tàng hiện vật chiến tranh. |
Ngoài bức thư gửi mẹ, kỷ vật lọn tóc thề cùng chiếc lược của nữ tiểu đội trưởng Võ Thị Tần tái hiện câu chuyện tình sắt son còn dang dở trong tuyến bom đạn giữa chị và chàng trai cùng làng. Tuy nhiên, những ước hẹn đó chỉ mãi là ước hẹn khi người con gái dũng cảm, gan dạ ấy hy sinh nơi chiến trường. Lọn tóc thề và chiếc lược là 2 kỷ vật được chàng trai cất giữ suốt nhiều năm trước khi trao lại cho bảo tàng. |
Tại bảo tàng có 2 đôi dép cao su, cùng mũ và cuốc xẻng được tìm thấy ngay tại hố bom các chị hy sinh. Ngoài ra, còn 3 chiếc áo của chị Võ Thị Hợi, Nguyễn Thị Xuân, Trần Thị Hường lấm lem bùn đất, chỗ lành chỗ rách. |
Nhiều nhất là những kỷ vật của chị Trần Thị Hường. Trong đó có sổ hát, học bạ và chiếc valy là kỷ vật được người thân trân trọng như bảo bối và sau đó trao lại cho bảo tàng. |
Hình ảnh tái hiện phút nghỉ ngơi, trò chuyện của những nữ thanh niên xung phong và bộ đội. |
Tại phần mộ của 10 nữ thanh niên xung phong ở Ngã ba Đồng Lộc, có hai cây bồ kết mọc lên xanh tốt, cao hơn nhiều so với những cây thông, cây vú sữa bên cạnh. Trời nắng, bồ kết xòe tán tỏa bóng mát cho cả khu mộ. |
Ngoài những kỷ vật 10 nữ thanh niên xung phong, khu di tích còn trưng bày pháo, xe và máy bay. |
Những kỷ vật này được phục chế và trưng bày, minh chứng cho thời kỳ chiến tranh ác liệt. |
Theo Ban quản lý khu di tích Ngã ba Đồng Lộc, bảo tàng có hơn 1.000 hiện vật của thanh niên xung phong tại Ngã ba Đồng Lộc trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Trong số hàng nghìn tư liệu, hiện vật trưng bày tại bảo tàng này thì kỷ vật của 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc được chú ý nhất. |
Câu chuyện Ngã ba Đồng lộc trong những năm tháng hào hùng được tái hiện bằng sa bàn tại Bảo tàng. |
Những ngày cuối tháng 7, mỗi ngày có hàng nghìn lượt du khách, cựu chiến binh đến viếng các nữ liệt sĩ cũng như phần mộ của những thanh niên xung quanh trong khu di tích. |
Ngã ba Đồng Lộc ở huyện Can Lộc (Hà Tĩnh, vòng đỏ). Ảnh: Google Maps. |