Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Ký ức về đại biện Mỹ đầu tiên ở Việt Nam

Đại biện lâm thời đầu tiên của Mỹ tại Việt Nam Desaix Anderson được nhiều đồng nghiệp nhớ tới như một nhà ngoại giao xuất sắc.

dai bien My tai Viet Nam anh 1

Trước năm 1995, Desaix Anderson đã là một nhân viên ngoại giao theo dõi sát sao tình hình Việt Nam. Vào năm 1995, ông là đại biện lâm thời được Tổng thống Bill Clinton chỉ định tới Hà Nội để lập đại sứ quán Mỹ đầu tiên tại Việt Nam sau chiến tranh.

Ông Anderson, người tích cực tham gia vào quá trình bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ, qua đời hồi giữa tháng 2 vừa qua tại New York, chỉ một ngày trước sinh nhật lần thứ 85.

Kỷ niệm khó quên với Việt Nam

Với ông Anderson, hành trình với Việt Nam là một chặng đường dài. Ông 6 lần thực hiện các nhiệm vụ liên quan tới Việt Nam: học tiếng Việt từ năm 1964, tham gia nhóm công tác Việt Nam giai đoạn 1967-1968, theo dõi Hiệp định Hòa bình Paris.

dai bien My tai Viet Nam anh 2

Ông Desaix Anderson, Đại biện lâm thời đầu tiên của Mỹ tại Việt Nam. Ảnh: Facebook Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội.

Sau chiến tranh, trong giai đoạn 1977-1980, ông ở Thái Lan nhưng vẫn quan tâm, tìm hiểu tình hình Việt Nam. Sau này, tại Bộ Ngoại giao Mỹ, ông phụ trách các vấn đề về Việt Nam, Lào và Campuchia. Nhìn chung, từ năm 1964 tới năm 1997, ông Anderson có lẽ là nhân viên ngoại giao Mỹ theo dõi Việt Nam trong thời gian lâu nhất. Vì vậy ông luôn là ứng viên để dẫn dắt sứ quán Mỹ tại Hà Nội ngay giai đoạn đầu tiên.

Năm 1995, khi ông Anderson tới Hà Nội, không khí khi đó vẫn còn nhiều nghi kỵ giữa cả hai bên vốn khác biệt cả về ý thức hệ, thế giới quan sau cuộc chiến dài.

“Chúng ta bắt đầu gần như từ con số không, với những nghi ngờ từ cả hai nước”, ông Anderson, người gắn bó với Việt Nam trong suốt hơn 50 năm qua, viết cho Zing từ New York hồi năm 2016. “Nhưng chúng ta đã tiến nhanh tới quan hệ đối tác ngày một mở rộng và hiệu quả”.

dai bien My tai Viet Nam anh 3

Ông Anderson (phải) cùng Tổng thống Mỹ George H.W. Bush. Lúc này ông là phó đại sứ tại Nhật Bản, trước khi đến nhận nhiệm vụ ở Hà Nội. Ảnh: Facebook/John Malott.

Khi ngoại trưởng của chính quyền Clinton là Warren Christopher (giai đoạn 1993-1997) cho ông Anderson lựa chọn giữa một vị trí đại sứ và cơ hội được mở và điều hành sứ quán ở Việt Nam với tư cách là đại biện lâm thời, ông Anderson đã “nhanh chóng chọn Hà Nội”.

Ở thời điểm đó, ông Anderson miêu tả lựa chọn này là “cơ hội đầy thách thức” khi Việt Nam là một cựu thù và chỉ vừa mới bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Mỹ.

Thách thức của ông Anderson khi đó là làm thế nào để vượt qua những ký ức của chiến tranh và sự ngờ vực. “Tôi quyết định ngay khi đó là phải cố gặp được càng nhiều người Việt trong chính quyền và ngoài xã hội càng tốt, khẳng định rằng tôi ở đó để xây dựng mối quan hệ mới mang tính xây dựng”, ông Anderson nói.

Ông vẫn kể rằng khoảnh khắc rất đẹp của sự nghiệp ngoại giao của ông là dịp được gặp cựu Thủ tướng, cố vấn Phạm Văn Đồng trước khi rời Hà Nội vào tháng 5/1997.

Ông Anderson và cựu thủ tướng đã nói nhiều về lịch sử và về những sai lầm của quá khứ. Lúc cuối buổi, ông Anderson nói với cố vấn Phạm Văn Đồng rằng ông hy vọng Việt Nam và Mỹ có thể xây dựng quan hệ đối tác sâu rộng.

“Việc tôi có thể đóng vai trò trong sự thay đổi (quan hệ song phương) là điều tôi cực kỳ hài lòng”, ông nhớ lại.

Một nhà ngoại giao xuất sắc

Ông John Malott, Đại sứ Mỹ tại Malaysia giai đoạn 1995-1998, nói ông Anderson dành nhiều thời gian để cố vấn và giúp bổ nhiệm đúng người vào vị trí phù hợp. “Ông ấy rất giỏi trong việc phát hiện tài năng”.

Cựu Đại sứ Malott nói ông Anderson được kính trọng vì "đi khắp nơi" để nói chuyện, lắng nghe mọi người và "giải quyết vấn đề".

"Anderson có vẻ rất 'nổi' ở Hà Nội vào thời điểm đó. Một số người nói với tôi rằng ngay cả tài xế taxi cũng biết về ông ấy", ông Malott kể trong phần chia sẻ gửi Zing.

dai bien My tai Viet Nam anh 4

Ông Anderson (thứ hai từ trái qua) và ông Ted Osius (ngoài cùng bên phải). Ảnh: Facebook cựu đại sứ Ted Osius.

Trước khi trở thành đại sứ tại Việt Nam, ông Ted Osius là một trong những nhân viên ngoại giao Mỹ tham gia xây dựng đại sứ quán đầu tiên của nước này tại Hà Nội, và làm việc dưới quyền ông Anderson.

Theo ông Osius, ông Anderson dành phần lớn thời gian trong sự nghiệp ngoại giao 35 năm ở khu vực Đông Á, và là một nhà phân tích chính trị xuất sắc, với vốn hiểu biết sâu sắc về lịch sử và văn hóa. Điều này giúp ông thấu hiểu được các đồng nghiệp châu Á của mình.

“Nhóm nhân viên trong đại sứ quán rất thích được làm việc cho Desaix (Anderson). Ông ấy là một quý ông Mississippi chu đáo, tốt bụng và quyết đoán. Chúng tôi đặc biệt coi trọng sự bình tĩnh của ông trước áp lực, cũng như sự tận tâm của ông đối với sự thật”, ông Osius chia sẻ.

“Những đối tác Việt Nam rất kính trọng ông. Ông ấy là một trong những nhà ngoại giao giỏi nhất mà tôi từng biết, và là một người bạn thân yêu”, cựu đại sứ Osius viết.

dai bien My tai Viet Nam anh 5

Ông Anderson cùng đồng nghiệp trong những năm 1995-1996. Ảnh: Hiệp hội Cơ quan Đối ngoại Mỹ.

Trước khi qua đời, ông Anderson từng là Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Quỹ Mansfield. Được sáng lập bởi cựu Thượng nghị sĩ Mỹ Mike Mansfield, đây là tổ chức độc lập với nhiệm vụ thúc đẩy sự hiểu biết và hợp tác giữa các quốc gia, cũng như giữa người dân Mỹ với các nước châu Á.

Alicia Ogawa - Giám đốc dự án Quản trị Doanh nghiệp Nhật Bản, thuộc Trường Kinh doanh Colombia - biết đến ông Anderson khi cùng làm việc cho Quỹ Mansfield. Kỷ niệm khó quên nhất của bà về Anderson là trong một chuyến đi tới Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

"Ông Anderson rất vui khi được trở lại. Tình yêu sâu sắc của ông với đất nước và con người Việt Nam, cũng như niềm vui của ông khi được chia sẻ tình cảm đó với chúng tôi, khiến tôi nhớ mãi”, bà Ogawa nói.

Vào giữa tháng 2, Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội đăng hình ảnh của ông Anderson, khẳng định những đóng góp của ông đối với quan hệ Mỹ - Việt trong những ngày đầu mới bình thường hóa. “Trong hơn 30 năm làm việc tại Vụ Đông Á của Bộ Ngoại giao Mỹ, ngài Anderson là một nhà ngoại giao nổi tiếng và đóng vai trò then chốt trong việc kết nối Mỹ và Việt Nam, qua đó giúp hai quốc gia chúng ta thiết lập quan hệ chính thức".

"Những thành quả trong quan hệ song phương của chúng ta ngày nay đã phát triển trên nền tảng mà ông góp phần xây dựng từ 30 năm trước, và là minh chứng cho bản lĩnh và nỗ lực của ông”, bài đăng của Đại sứ quán Mỹ viết.

Đại sứ Mỹ: 'Trong quan hệ Việt - Mỹ, giới hạn là bầu trời'

Trong cuộc phỏng vấn tại văn phòng Zing, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink cho rằng đại dịch Covid-19 đã tô đậm sợi dây liên kết bền chặt giữa hai nước.

Dai su My den tham Zing hinh anh

Đại sứ Mỹ đến thăm Zing

0

Đại sứ Mỹ Daniel J. Kritenbrink trong chuyến thăm văn phòng Zing ở TP.HCM hôm 14/12 đánh giá báo chí là đối tác quan trọng không thể thiếu trong thúc đẩy quan hệ giữa hai nước.

Hương Ly

Bạn có thể quan tâm