Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ký ức văn hóa trong chiếc xe đạp

Theo nhà văn Nguyễn Trương Quý, giờ đây xe đạp hiện diện như một đồ vật có xu hướng được trữ tình hóa.

Ảnh: Thomas Billhardt.

Có lẽ lịch sử sẽ còn tốn giấy mực cho cuộc “nhận đường” của văn nghệ sĩ thời kỳ đầu kháng chiến chống Pháp. Điều mà người ta có thể chắc chắn là bên cạnh chủ trương thì bối cảnh của đời sống vật chất những năm tháng chiến tranh đã khiến chủ nghĩa lãng mạn không có được chỗ đứng vững chắc.

Xuân Diệu chính là một đại diện tiêu biểu cho sự “lột xác”, cho nỗ lực thoát khỏi vùng an toàn quen thuộc của thi pháp lãng mạn. Trong tiểu luận được xem như tuyên ngôn tự kiểm điểm của mình, Xuân Diệu đã viết về bối cảnh của sự biến đổi này:

“Những năm 1951, 52, 53, sau thắng lợi chiến dịch Biên giới, cuộc kháng chiến của ta trên đã trưởng thành mạnh, phải vượt những khó khăn rất to lớn. Bấy giờ, chỉ phơi phới đứng trên lập trường dân tộc chung chung mà thôi, không đủ nữa. Kinh tế của ta còn rất ì ạch, thuế nông nghiệp chưa có...

Sớm nay ra khỏi u tì quốc,

Một chiếc xe nhanh đạp giữa đường...

Mặt khác, xã hội mới càng ngày càng rõ qui luật tư tưởng, quy luật tổ chức của nó... nó chống chủ nghĩa cá nhân tư sản, chống cái tản mạn tiểu tư sản, chống tinh thần vô chính phủ; nó đòi hỏi ý thức kỷ luật cao với tập thể, tinh thần trách nhiệm đủ với công tác; nghĩa là nó tiến hành đấu tranh tư tưởng. Mà đó cũng là nhược điểm sâu sắc của tôi".

(trích Những bước đường tư tưởng của tôi - Xuân Diệu)

Điều đáng nói là giữa những dòng kiểm thảo đầy vật lộn, người ta gặp đôi câu thơ gợi nhớ âm hưởng những tứ thơ hoa mỹ trước cách mạng của Xuân Diệu. Giữa những bài thơ nặng tính tuyên truyền, những khẩu khí oai hùng gào thét thời “cái thuở ban đầu Dân quốc ấy”, một chiếc xe đạp hiện diện tuy lẻ loi, cô độc nhưng lại đầy sức ám ảnh.

Xuân Diệu đã vô tình cho hậu thế biết một biệt danh của căn cứ địa kháng chiến - "u tì quốc” và đặc biệt bộc lộ tâm trạng qua hình ảnh chiếc xe đạp dường như đang lao về vô định. Xuân Diệu cuối cùng như ai nấy đã biết, không thành công trong việc đảo mạch từ lãng mạn sang hiện thực xã hội chủ nghĩa và đời sống con người cũng nhiều mâu thuẫn, liên tục bị “giải thiêng” qua những trang hồi ức của Tô Hoài, Trần Đăng Khoa hay khảo cứu của Lại Nguyên Ân. Có lẽ chiếc xe đạp đơn côi đi vô định trên con đường rừng cũng là hình ảnh tác giả.

van hoa xe dap anh 1

Xe đạp trên đường Thanh Niên thập niên 1960.

Chiếc xe đạp ở Hà Nội vắt qua những năm tháng chiến tranh một ký ức văn hóa, tuy nhiên thêm nhiều lần các văn nhân lại là đối tượng của những bi hài kịch xe đạp. Trong hồi ký Cát bụi chân ai, Tô Hoài đã kể câu chuyện Nguyễn Tuần tiếp khách nước ngoài ở khách sạn Thống Nhất nhưng để xe đạp ở bờ tuờng hiệu sách bên cạnh rồi đi bộ đến nơi hẹn, “giả đò như ở cái thành phố xinh xắn yên tĩnh này không cần đi ô tô và thư thái tản bộ là một thói quen đẹp. Khách vào rồi, ông chủ ra ngách tường để xe đạp đằng kia, mở khóa và thóc đi”. Ở đây, Tô Hoài dùng từ “ông chủ” để nói về Nguyễn Tuân, người đang đóng vai chủ nhà của không gian văn hóa Hà Nội.

Còn với Nguyên Hồng, là việc ông được mời ra để “vô tuyến truyền hình của Việt, của Đức quay giới thiệu nhà văn với tặng phẩm hữu nghị quốc tế” là 200 chiếc xe đạp hiệu Diamant do Hội Nhà văn CHDC Đức tặng Hội Nhà văn Việt Nam, với cảnh “dắt chiếc xe đạp đứng vườn hoa Cửa Nam trò chuyện với người qua đường”.

Tất nhiên các nhà văn không được sở hữu chiếc xe nào vì “hai trăm cái xe lăn cả vào kho Bộ Thương nghiệp”, còn chiếc xe đạp của Nguyễn Tuân để trên phố dĩ nhiên không cánh mà bay, sau một lần tiếp khách: “Nguyễn Tuân đến chỗ giấu xe. Cái xe đã biến mất. Mấy hôm sau, thương nghiệp thành phố biết chuyện đã tặng nhà văn một xe Thống Nhất chưa bóc giấy bóng. Tôi không biết cái xe ấy Nguyễn Tuân đã cho hay bán, nhưng không thấy Nguyễn Tuân cưỡi xe đạp nữa. Trong thành phố, ông đi bộ và gọi xế lô”.

Có một điểm chung giữa bối cảnh văn hóa Việt Nam và thế giới khi nhìn vào chiếc xe đạp, ấy là trước khi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai và toàn cầu hóa thương mại chi phối, xe đạp gợi một ký ức thanh bình, nhất là những khung cảnh châu Âu trong phim ảnh.

Khác với điện ảnh Mỹ gắn với văn hóa xe hơi và xa lộ tít tắp, những bộ phim nổi tiếng của điện ảnh Pháp hay Italy đã dành cho chiếc xe đạp một vai trò kinh điển. Bộ phim nổi tiếng của điện ảnh Tân Hiện thực Italy, Kẻ cắp xe đạp (1948) cho thấy một cuộc sống khắc nghiệt hậu chiến ở những đô thị châu Âu, nơi con người phải vật lộn để kiếm miếng ăn và giữ gìn phẩm giá.

Ta bỗng thấy chuyện mò xe đạp ở Bờ Hồ của Xuân Diệu giống cảnh người cha trong bộ phim Italy khốn khổ vì chiếc xe cần câu cơm bị cướp làm sao. Họ cũng là người đồng thời, những năm 1940 ấy, trong một thế giới chưa cơ giới hóa mà con người vẫn dựa vào những guồng quay bằng sức người mướt mải mồ hôi mưu sinh.

Chúng ta cứ ngỡ những vàng son lãng mạn đã bày sẵn, cũng phần vì những câu thơ hay thước phim tô vẽ, mà quả thực cuộc đời cứ nhắc suốt một câu Xuân Diệu đã viết - "cơm áo không đùa với khách thơ" - cho dù là vô tình hay cố ý làm dáng.

Những bức ảnh Hà Nội thời chiến tranh và những năm sau thống nhất, trưng ra khung cảnh những đường phố tràn ngập xe đạp, những dáng người gầy gò đội mũ cối hay nón lá mải miết guồng bàn đạp, những ngã tư thường trực một người làm nghề bơm vá xe đạp, cái nghề bình dân cho bất cứ ai không kiếm được việc trong biên chế hay đã về hưu.

Kỳ lạ là những khuôn hình ấy giờ đây lại ăm ắp nỗi “hoài niệm thời bao cấp”, trong đó xe đạp hiện diện như một đồ vật có xu hướng được trữ tình hóa. Các câu chuyện về sự cố mất xe đạp hay các tai nạn oái oăm liên quan đã được chuyển hóa thành ký ức vui vẻ hơn và phần nhiều trở thành những biểu tượng cho những hoài niệm thanh xuân, chẳng hạn “những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng, em chở mùa hè của tôi đi đâu”.

Giờ đây, khi xe máy áp đảo mọi nẻo đường đô thị và ô tô đã xếp hàng dài dặc trên những con đường tắc nghẽn, người ta nói đến xe đạp như một giải pháp xanh, một cách giải cứu tình trạng ô nhiễm không khí trong thành phố hay đơn giản là một phương tiện tập thể dục.

Cũng có thể có người nhún vai, lại một trào lưu sống chậm của người trung lưu nhàn rỗi. Nhưng hình như xe đạp cũng như các phương tiện, cần một xã hội tương hợp về tốc độ sống. Nửa thế kỷ trước, chẳng ai ngờ xe đạp sẽ lại trở thành một đồ vật đại diện cho nỗi hoài niệm lãng mạn.

Nguyễn Trương Quý/Nhã Nam, NXB Phụ nữ Việt Nam

SÁCH HAY