Tôi thường xem phim của Ozu vào những ngày mùa đông gió hanh hao. Những khi ấy, chỉ muốn cuộn tròn trong tấm chăn ấm, rồi mở những đĩa phim của ông mà xem.
Lúc xem phim của Ozu, mọi thứ bụi bặm bám bên mình đều như được rũ sạch. Cảm thấy chạm đến được sự giản dị, thanh tao, nhã nhặn.
Lúc đưa mình bước vào vùng phim của Ozu, tôi nhớ mãi một câu nói dẫn giải về sự tối giản trong thơ Haiku rằng: “Khi tình cảm đã đạt đến mức độ cao nhất, ta lặng thinh, bởi lẽ không có ngôn ngữ nào diễn tả được thích đáng”.
Khung hình lặng lẽ, âm vọng như một bài thơ Haiku. Ảnh: Pinterest. |
Trong những bộ phim của ông, dù phim câm hay tiếng, Ozu cũng đưa người xem vào những khoảng không gian khép kín, bé nhỏ.
Ở những bộ phim sau này, từng khoảng không càng được co lại, chật hẹp hơn, quánh đặc hơn nhưng lại khơi gợi, nảy nở nhiều khoảng trống, như những ngõ lối thăm thẳm để người xem đứng lặng lẽ quan sát, thưởng thức và đắm đuối.
Ở đó, cái vô cùng của khoảnh khắc cứ xoắn xuýt, lưu luyến vẽ nên nhiều dáng tình, đưa về gần gũi những nỗi niềm của một miền neo đậu.
Cõi phim Ozu được vẽ bằng những nét bút như thủy mặc, đẹp đến nhói đau, bởi những bình dị đơn sơ tưởng chừng vô cùng nghèo nàn đều được cất đặt, biện bày nâng niu, quý giữ.
Những đồ vật lặng yên như sóng sánh biết bao nhiêu “nhịp điệu cảm tình”, cái cảm tình khiến tôi rung động và cũng từ tốn trong nói năng nghĩ suy, mỗi khi mở ra bộ phim nào đó của Ozu.
Tôi tập ghi nhớ đồ vật trong thế giới Ozu, và để chúng phủ trùm lên mình một cảm giác u hoài đẹp đẽ, rồi lại phập phồng những niềm xanh xao ngắn ngủi. Ở trong đó, tôi nghe được những cất lời tự sự, trầm lắng, mà tha thiết từ những đồ vật ấy.
Giữa những biến động của thời cuộc, phim của Ozu đưa lại nhiều ấm áp được biểu đạt trong những khoảnh khắc thinh lặng của khung hình.
Một chiếc áo treo trên dây, một ống khói nghi ngút giữa buổi chiều, một biển hiệu mập mờ sáng, một đôi bạn hữu ngồi cạnh nhau bên bờ sông, tiếng trẻ thơ hát vọng trong ngõ vắng… Mọi thứ đều được biện bày như những vẫn điệu haiku, đưa tôi đến ngâm ngợi, say mê rồi mần mò đi mãi.
Cái tình chân thực đượm buồn nhiều mong manh, gợi nhắc về những ngắn ngủi xanh xao của một thuở quá vãng. Lúc đến gần Ozu, tôi im lặng trong vùng ngẫm ngợi về cảm thức buồn thương, như vẻ đẹp của một loài hoa anh đào đang phai sắc vốn ắp đầy trong thơ nhạc họa của xứ sở Phù Tang.
Tôi cũng vì thế mà ở lại rất lâu trong cõi phim của Ozu, dai dẳng đem lòng hoài nhớ đắm đuối về những xanh xao đẹp đẽ của “những ngày đã qua, những ngày đã qua lâu lắm rồi”.
Setsuko Hara là nữ diễn viên thường xuất hiện trong các phim của Ozu. |
Ozu cũng chính là cái duyên đã khiến tôi được gặp gỡ nhiều người. Chúng tôi gặp gỡ, nói với nhau vài điều về những bộ phim của ông, về Xuân muộn, Thu muộn, Hè sớm, Một buổi chiều thu…
Tôi nhớ những buổi chiều tháng mười hai ấy, chúng tôi cùng chiếu chuỗi phim của Ozu để tưởng niệm ngày mất, đồng thời cũng là ngày sinh nhật của ông. Thực ra, nó cũng là cái cớ để mỗi người được xem lại, được chia sẻ.
Tôi hơi ích kỷ, nên chỉ đến xem, và thích thú với cảm giác, mình đang được biết bí mật của người khác. Khi đèn tắt, trong ánh sáng nhập nhoạng của hình ảnh, đôi lúc, tôi lén nhìn những khuôn mặt xung quanh. Tôi nhìn thấy ở đó, ánh sáng của bao người yêu dấu.
Tôi không chiếu phim, nhưng em Thúy đã dịch và chiếu Ngày cuối cùng của mùa hè, bộ phim mà tôi thích nhất, dành tặng cho tôi và cho những người đã cùng tham gia chuỗi chiếu phim ấy.
“Đó là cách để chúng ta bày tỏ lòng yêu mến”. Tôi còn nhớ em đã nói với tôi như vậy. Cùng xem một bộ phim, cũng là cách để chạm vào nhau, khi ngôn từ chẳng thể cất lời.
Những ngày cùng xem phim trong căn phòng nhỏ ấy giờ đã trở thành ký ức vời vợi. Đôi lúc, trên con đường vội vàng đến nơi làm việc, đi qua căn nhà nhỏ dưới tán cây ấy, tôi vẫn không khỏi hoài cảm. Những rộn ràng thuở ấy ào ạt trở về. Tuổi trẻ của tôi, của chúng tôi đã thật đẹp.
Ozu Yasujirō (12/12/1903- 12/12/1963) là đạo diễn và biên kịch của điện ảnh Nhật Bản. Trong sự nghiệp 40 năm trải dài từ thời kỳ phim câm đến giai đoạn hoàng kim của điện ảnh Nhật những năm 1950, Ozu đã cho ra đời hơn 50 bộ phim bao gồm cả phim câm, phim nói đen trắng và phim màu trong đó người ta hiện chỉ còn lưu giữ được hơn 30 phim vì nhiều phim thuộc thời kì phim câm của đạo diễn đã bị thất lạc và không thể tìm lại.