Trên mọi nẻo đường một mình, tôi luôn mang bên cạnh âm nhạc. Bởi vì có âm nhạc, tôi chạm vào thế giới bằng những âm thanh đẹp đẽ, kỳ diệu.
Leonard Cohen từng viết cho Suzanne, người tình của ông, nàng thơ của ông, vậy mà tôi cứ ngỡ ông viết cho mình. Vì thế, tôi cứ nghĩ, suốt đời này, ông là chàng ca sĩ của tôi.
“Anh muốn cùng em đi rong chơi / Cùng nhau lên đường, ôi cuộc đi mù quáng”.
Đêm tháng 9/2015 thì phải, tôi nằm trong rừng, dưới lưng đá buốt lạnh, tôi nghe đi nghe lại bản Halelujah của ông, cho đến khi điện thoại hết pin. Cảm thấy như có lời rì rầm thủ thỉ, cất lên khiến đêm trong rừng sâu bớt đi lạnh lẽo.
Âm nhạc là người bạn đồng hành tin cậy. Ảnh minh họa chụp từ phim Begin again. |
Tôi nhớ mười mấy năm trước khi nghe bản nhạc này đầu tiên, tôi còn nghĩ đó là khúc nguyện cầu của tôn giáo. Sau này, khi bước vào thế giới âm nhạc của Cohen, tôi mới biết rằng âm nhạc là âm nhạc thôi, nỗ lực hiểu là nỗ lực không thể.
“Có phải em cũng chẳng quan tâm đến âm nhạc”, Cohen tự hỏi như thế, hỏi bao người như thế, để rồi trong bài hát Hallelujah, âm nhạc hiện hình giống như một lời “cầu nguyện”, cứu rỗi, và tái sinh.
Tôi luôn tưởng tượng ra cảnh Cohen, ngồi bên dòng sông, tay cầm cây bút, viết lên cuốn sổ, những dòng chữ vội vã, rồi rót vào đó thứ âm nhạc huyền bí, mà chúng ta có nghe hàng vạn lần cũng chẳng thể hiểu hết được. Chỉ có âm nhạc rót đầy tâm trí mà thôi.
“Đừng lo, chúng ta xấu xí thật đấy, nhưng chúng ta còn có âm nhạc”. Cũng vì có lời Cohen đã nói mà tôi yên tâm thật, đi lòng vòng thế nào, vẫn có âm nhạc, giống như tôi luôn giữ trong máy nghe nhạc một số bài hát.
List bài hát của tôi không mấy khi thay đổi. Tôi toàn nghe đi nghe lại những người đã cũ từ mấy mùa, nghe đi nghe lại, vì thích thôi. Hỏi tôi ý nghĩa, có khi tôi cũng không biết phải trả lời ra sao.
Bởi vì đã say đắm âm nhạc, một đứa chẳng chút hoa tay nào như tôi đã dành thời gian đi tập violin mỗi tuần. Tôi chưa từng nghĩ có thể chơi giỏi, nhưng khi chạm cây đàn, khi tự mình kéo từng nốt “thô”, tôi run rẩy vì cảm thấy, đến một lúc tôi có thể chơi trọn một bản nhạc của Beethoven. Tôi đã có thể đến gần hơn với âm nhạc mà tôi tha thiết, bằng cách ấy.
Cũng giống như xem phim, tôi chỉ thích âm nhạc một mình. Tức là mở máy nghe nhạc, hoặc laptop và cắm headphone, cứ thế để mình trôi trong những miền lưu lạc, tận hưởng hành trình cô độc của mình.
Hồi tình cờ xem Begin again, tôi nhớ có nhân vật đã đại ý rằng, ta sẽ hiểu được một người nếu nghe list nhạc của người đó. Rồi hai nhân vật trong phim cùng chia nhau mỗi người một tai nghe, và thưởng thức âm nhạc của nhau, cùng nhau.
Tôi cứ nhớ mãi hình ảnh ấy, sau này khi ai đó hỏi tôi, có muốn nghe nhạc cùng họ không, tôi đều xem đó là một lời mời gọi, “hãy chia sẻ cùng tôi, hãy đến gần tôi”.
Mỗi lần được bước vào thế giới âm nhạc của một người, tôi cảm động vô cùng, bởi họ đã mở cánh cửa để tôi bước vào tâm hồn họ.
Ta sẽ hiểu được một người nếu nghe list nhạc của họ. Ảnh minh họa chụp từ phim Begin Again. |
Âm nhạc có thể thay ta cất lời, về bản thân ta, về nỗi lòng riêng ta luôn phải giấu kín.
Tôi đến gần T. cũng bởi chia cho nhau âm nhạc của mỗi người, rồi đi từ ngạc nhiên này đến rung động khác, bởi thế giới âm nhạc của chúng tôi gần nhau thế.
Trên chuyến tàu Hà Nội - Hải Phòng hôm ấy, chúng tôi đi qua miền âm nhạc của nhau, cùng nghe Tổ khúc của Bach, Sonata của Beethoven... rồi Joni Mitchel, Leonard Cohen...
Âm nhạc đã khiến chúng tôi chạm vào nhau, thân thuộc đến thế. Chuyến tàu sáng ấy, tôi thường hay nhớ về, vì chúng tôi mải miết nói về âm nhạc, để âm nhạc bao trùm trong không gian, và lần đầu tiên tôi cảm thấy mình không còn cô độc trong thế giới của chính mình.
Chúng tôi lớn lên, quay về thế giới của mình, núp trong “bóng râm” của đời mình. Từ độ ấy, tôi vẫn nghe nhạc một mình, vẫn về thăm Hải Phòng mỗi khi mùa hè đến, nhưng tôi chưa gặp lại T thêm lần nào.
Ký ức neo vào nơi thẳm sâu nhất, nhưng mỗi khi âm nhạc cất lên, tôi lại nhớ về T. trên chuyến tàu thật nhiều điều riêng tư được tỏ bày, thật nhiều ấm áp được trao gửi ấy.