Tất cả các giải Nobel được trao ở thủ đô Stockholm của Thụy Điển, riêng lễ trao giải Nobel Hòa bình thì lại diễn ra ở thủ đô Oslo của Na Uy.
Tỷ lệ số vụ giết người tại quốc gia này chỉ là 0,5 vụ trên mỗi 100.000 dân, với dân số hơn 5 triệu người. Cả năm 2010, nước này ghi nhận 29 vụ giết người. Tỷ lệ này cũng thấp hơn con số của các nước láng giềng khu vực Scandinavia như Đan Mạch, Thụy Điển hay Phần Lan.
Nhưng hình ảnh đó đã hoàn toàn thay đổi vào ngày 22/7/2011, một ngày đen tối với đất nước vốn được coi là quốc gia hạnh phúc bậc nhất thế giới.
"Tao sẽ giết hết chúng mày"
Sáng ngày hôm đó, một người đàn ông đã đỗ chiếc xe tải chứa hơn 900 kg chất nổ phía trước tòa nhà chính phủ 17 tầng tại trung tâm thủ đô Oslo. Đây là văn phòng thủ tướng và trụ sở Bộ Tư pháp Na Uy.
Vào lúc 15h25, một tiếng nổ lớn xảy ra, khói trắng bay lên bầu trời và những mảnh kính vỡ thì vương vãi khắp nơi. Tám người thiệt mạng tại chỗ và ít nhất 209 người khác bị thương.
Hiện trường vụ đánh bom ở tòa nhà chính phủ tại thủ đô Oslo. Ảnh: Reuters. |
Khi cả thành phố Oslo còn đang hoảng loạn với vụ nổ, khi cảnh sát và xe cứu thương đang tập trung ở hiện trường, điều kinh khủng hơn đã diễn ra chỉ vài giờ sau đó ở đảo Utoeya, cách thủ đô 32 km về phía Tây Bắc.
Anders Behring Breivik, kẻ lái chiếc xe bom đến tòa nhà chính phủ Na Uy, ăn mặc như một nhân viên an ninh, mang theo súng trường và đi lên hòn đảo, nơi đang diễn ra trại hè thanh niên do đảng Lao động cầm quyền tổ chức.
Sau khi giới thiệu mình là cảnh sát đến kiểm tra khu vực này sau khi có vụ đánh bom diễn ra tại thủ đô Oslo, Anders Breivik xả súng vào đám đông tham dự trại hè, khiến 68 người thiệt mạng và 32 người khác bị thương. Khung cảnh đẫm máu diễn ra trong vòng một tiếng rưỡi đồng hồ trước khi cảnh sát thật có mặt và thủ phạm quyết định đầu hàng.
Theo các nhân chứng sống sót, Anders Breivik vừa bắn vừa hét lên: "Tao sẽ giết hết chúng mày", nhưng hắn tỏ ra bình thản đến lạ lùng khi bị bắt giữ. Cả hai vụ việc khiến tổng cộng 77 người thiệt mạng và trở thành vụ tấn công đẫm máu nhất lịch sử Na Uy kể từ Thế chiến thứ 2.
"Con sói đơn độc"
Tờ Verdens Gang của Na Uy dẫn lời một người bạn của Breivik cho biết hắn trở thành kẻ theo đường lối cực hữu ở tuổi 20. Trên mạng, Breivik nhiều lần bày tỏ quan điểm dân tộc cực đoan, chống Hồi giáo, và phản ứng kịch liệt với ý tưởng những người khác biệt về chủng tộc, văn hóa có thể chung sống hòa bình.
Sát nhân Anders Behring Breivik, người đang thụ án tù 21 năm cho những tội ác mình gây ra. Ảnh: AP. |
Sát thủ cho rằng một xã hội đa văn hóa sẽ đe dọa đến đặc tính sắc tộc của mình và cảm thấy bị xa lánh trong các xã hội đó. Đây là nguyên nhân khiến Breivik liên lạc với các nhóm cực đoan đang ngày càng coi đạo Hồi là kẻ thù. Breivik cũng là thành viên của một diễn đàn phát xít mới của Thụy Điển mang tên “Nordisk” có 22.000 thành viên, khuyến khích các vụ tấn công vào những tòa nhà chính phủ.
Để chuẩn bị cho 2 vụ khủng bố trong ngày thứ 6 đen tối nhất lịch sử Nauy, Breivik dành tới 9 năm lên kế hoạch, trong đó có 3 năm để viết 1.518 trang văn bản với tiêu đề Tuyên ngôn độc lập của châu Âu. Sát thủ sử dụng tên Andrew Berwick để gửi thư điện tử kèm những trang viết này tới 1.003 hòm thư cá nhân vài giờ trước khi quả bom tại thủ đô Oslo.
Trong một báo cáo được đưa ra vào năm 2016, Viện Các quân chủng Thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI), một viện nghiên cứu độc lập về quốc phòng và chống khủng bố ở châu Âu, nhận định những kẻ cánh hữu cực đoan với những vụ tấn công theo kiểu "con sói đơn độc" chính là mối đe dọa nghiêm trọng nhưng dễ bị bỏ qua đối với an ninh công cộng của châu Âu.
Các cơ quan an ninh cho rằng những vụ tấn công kiểu này rất khó bị phát hiện do những kẻ tấn công thường sống ẩn dật và không sinh hoạt theo nhóm và tổ chức, và không nhận lệnh từ cấp trên.
Nạn nhân bị thương được đưa đi cấp cứu trong vụ xả súng tại thánh đường Hồi giáo ở Christchurch, New Zealand. Ảnh: AP. |
Trong khi cả thế giới nói quá nhiều về những người Hồi giáo cực đoan, thảm kịch Na Uy chứng minh rằng những người có quan điểm dân tộc cực hữu kiểu phát xít mới cũng là mối đe dọa lớn không kém.
Điều này tiếp tục được chứng tỏ một lần nữa với vụ tấn công thánh đường Hồi giáo Al Noor ở thành phố Christchurch, New Zealand. Một trong những tay súng đã bị bắt đã cho biết mình được truyền cảm hứng từ chính Anders Behring Breivik. Cả hai vụ xả súng đều diễn ra vào một ngày thứ sáu.