Khoảng 200 nghìn phụ nữ bị ép mua vui cho lính Nhật trong Thế chiến II. Ảnh: Wiki Media Commons |
Ngày cô gái 15 tuổi Lee Ok Seon bị bắt cóc hằn sâu trong tâm thức của người phụ nữ gần 90 tuổi. Hôm đó, Lee đang trên đường từ nơi làm việc về nhà thì sự việc xảy ra. Kẻ xấu đưa cô vào nhà thổ dành cho binh lính trong Thế chiến II. Lee trở thành nô lệ tình dục cho binh sĩ Nhật và phải phục vụ tới 50 người mỗi ngày.
Cụ Lee là một trong số 200.000 phụ nữ, chủ yếu đến từ bán đảo Triều Tiên, phải mua vui cho lính Nhật trong các nhà thổ từ năm 1932 đến 1945.
Người phụ nữ 87 tuổi đang kiện chính phủ Nhật Bản và đòi bồi thường 24,5 triệu USD vì khoảng thời gian quân đội Nhật Bản lạm dụng cụ trong cuộc chiến. Cụ muốn chính phủ Nhật xin lỗi.
“Họ túm chặt cánh tay khiến tôi không thể động đậy. Ngày hôm sau, họ trói tôi trên xe ôtô”, cụ Lee nhớ lại.
Sau đó chúng đưa cụ tới huyện Diêm Tân, vùng đất thuộc Trung Quốc và giáp ranh với Triều Tiên do Nhật chiếm đóng thời đó. Tại đây, chúng nhốt cụ cùng 5 phụ nữ khác. Họ trở thành nạn nhân của hành vi cưỡng hiếp và lạm dụng hàng ngày.
Cụ Lee Ok Seon. Ảnh: Daily Mail |
“Tôi bị ép làm gái nhà thổ năm 15 tuổi. Nhiều em 14 tuổi cũng phải phục vụ 40 đến 50 người mỗi ngày”, cụ già lưng còng kể lại câu chuyện đau lòng trong quá khứ với đôi mắt nhìn xa xăm.
Theo lời Lee, cuộc sống đau đớn và tủi nhục đến nỗi nhiều người tự tử bằng cách nhảy xuống nước hoặc treo cổ trên núi.
Bi kịch của Lee bắt đầu từ khi cụ 7 tuổi. Cha, mẹ cụ nói rằng họ không có đủ tiền cho con đi học. Một phụ nữ quen gia đình hứa sẽ nuôi dưỡng, cho cô bé tới trường và phụ huynh của Lee đồng ý. Nhưng người kia ép Lee làm việc trong nhà hàng dành cho phụ nữ, rồi bán cô cho người khác để buộc cô phục vụ trong quán rượu. Trong khi đi làm về, Lee trở thành nạn nhân của những kẻ bắt cóc.
Ngoài việc phụ vụ nhu cầu tình dục của binh lính, cô gái chưa tới tuổi trưởng thành còn thường xuyên nhận đòn roi tại nhà thổ. Trong ký ức của cụ, binh sĩ chức càng cao, họ càng tàn bạo.
“Họ nói tôi vô liêm sỉ và sẽ giết tôi. Họ đá, đánh và vung dao dọa lấy mạng tôi”,
Hiện tại Lee sống trong trung tâm chăm sóc đặc biệt dành cho nô lệ tình dục gần Seoul, Hàn Quốc. Sự lạm dụng tình dục của binh sĩ Nhật ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và khiến cụ không thể có con. Nhiều người cùng hoàn cảnh với cụ cũng không thể mang thai vì tiêm quá nhiều thuốc chữa bệnh giang mai.
“Tôi giảm thị lực, thính lực và rụng răng vì những trận đòn”, cụ kể.
Một lần, cụ Lee bỏ trốn nhưng binh sĩ Nhật bắt được cụ. Chúng tấn công cụ trong lần tẩu thoát ấy và vết sẹo vẫn còn.
“Họ có quyền giết hoặc để tôi sống. Tôi nói rằng tôi trốn vì cảm thấy lạnh, đói, kiệt sức. Chúng đâm dao vào cánh tay tôi”, cụ kể.
Chính phủ Nhật Bản từng chính thức nhận trách nhiệm trong việc ép phụ nữ vào các nhà thổ. Năm 1993, ông Yohei Kono, người sau này trở thành Chánh Văn phòng Nội các Nhật, đã xin lỗi về những hành động của quân phiệt Nhật trong quá khứ. Tuy nhiên, năm ngoái, chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe cho biết họ sẽ xem xét lại lời xin lỗi vì chính phủ không liên quan đến việc ép các phụ nữ trở thành nô lệ tình dục trong chiến tranh.
Tokyo cho rằng họ bồi thường cho các nô lệ tình dục vào năm 1965 như một phần của hiệp ước giữa Nhật và Hàn Quốc. Tuy nhiên, Seoul dùng hầu hết số tiền ấy để đầu tư cho cơ sở hạ tầng, chứ không bồi thường cho các đối tượng như cụ Lee. Vấn đề này trở thành trở ngại ngoại giao lớn trong quan hệ giữa Tokyo và Seoul.
Yoo Hee Nam, một người có quá khứ giống cụ Lee và đang ở cùng trung tâm, phê phán thái độ của Nhật Bản đối với trường hợp của cụ. Hiện tại cụ mù và mắc bệnh ung thư phổi.
“Chúng tôi rất tức giận vì họ coi chúng tôi như những kẻ nói dối và nói rằng họ không làm gì”, người phụ nữ 88 tuổi nói.
Quá khứ vẫn ám ảnh cụ Yoo cho đến tận ngày nay. Các con cụ vẫn cảm thấy xấu hổ về quá khứ của mẹ khiến cụ “muốn chết thật nhanh”.
Thời gian để cụ Yoo và người đồng cảnh đòi công lý không còn nhiều vì các cụ đã ở tuổi 90.