Tháng 3 năm nào cũng vậy, cựu binh Lê Minh Thoa (ngụ TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) bày mâm cơm, hoa quả thắp hương tưởng nhớ đồng đội hy sinh trong cuộc thảm sát Gạc Ma 29 năm trước do quân xâm lược Trung Quốc gây ra.
Ông là một trong những cựu binh trực tiếp chứng kiến lính Trung Quốc xả súng, thảm sát hàng chục đồng đội của mình ở vùng biển Gạc Ma (Trường Sa, Việt Nam).
Cựu binh Gạc Ma Lê Minh Thoa bên kỷ vật hoa bàng vuông ở đảo Trường Sa Đông. Ảnh: Minh Hoàng. |
Ông Thoa nhớ lại ngày 11/3/1988, ông được nhận nhiệm vụ ra xây dựng tại quần đảo Trường Sa bằng tàu vận tải HQ-604, nhiệm vụ chở hàng ra đảo để xây các nhà giàn tại đảo Gạc Ma. Hai ngày sau tàu ra đến vùng biển Gạc Ma. 0h ngày 14/3, chờ thủy triều rút ra xa, anh em lên đảo khảo sát, cắm cờ Tổ quốc khẳng định chủ quyền biển đảo.
Quyết tử
Rạng sáng 14/3/1988, các chiến sĩ vừa thức dậy thì thấy ba tàu chiến Trung Quốc dàn trận ở ba góc, ca nô chở nhiều binh lính tràn lên đảo Gạc Ma. Tình thế nguy cấp, Chỉ huy trưởng Trần Đức Thông hô vang: "Tất cả vào vị trí sẵn sàng chiến đấu!"
"Lúc đó tôi đang điều khiển cần trục lần lượt hạ ba xuồng máy xuống biển thì thấy hàng chục chiến sĩ khoác súng bơi vào đảo, giằng co quyết liệt, không cho lính Trung Quốc giật cờ Tổ quốc", ông Thoa nhớ lại.
Một lúc sau, hầm máy bị đạn pháo xuyên qua, vỡ toang, nước biển ập vào. Áo quần trên người bốc cháy như ngọn đuốc, ông Thoa lao mình xuống biển, vùng vẫy ôm trúng hai quả bí đao, bí đỏ (thực phẩm mang theo tàu) làm phao.
"Nhiều chiến sĩ thoát ra khỏi tàu, bơi trên mặt biển đã bị lính Trung Quốc đi ca nô chĩa súng bắn xối xả. Tôi bị nhiều mảnh đạn dính ở mắt cá chân, mất đốt ngón tay và vùng vai, ngỡ mình đã nằm lại với biển cùng đồng đội", cựu binh Gạc Ma thuật lại.
Cựu binh Thoa kể về trận thảm sát Gạc Ma. Ảnh: Minh Hoàng. |
Năm tháng làm tù binh
Khoảng 17h ngày 14/3, tàu Trung Quốc thả xuồng quần thảo quanh vùng biển Gạc Ma. Phát hiện ông Thoa trôi dạt, chúng ra hiệu yêu cầu đầu hàng nhưng anh thà chết còn hơn. Cựu binh nghĩ đời thế là hết, nào ngờ lính Trung Quốc dùng cây sào móc kéo lên xuồng rồi họ bịt mắt, trói tay. Lúc tỉnh dậy, anh thấy mình nằm cạnh 8 đồng đội bị lính Trung Quốc dùng dây thừng trói chặt tay, thân thể bê bết vết máu nằm trong buồng sắt.
Sau đó, tàu Trung Quốc chở 9 chiến sĩ lênh đênh trên biển suốt mấy ngày đêm không cho ăn uống gì. Vết thương của nhiều đồng đội không ngừng chảy máu, ai cũng quằn quại đau đớn tột cùng. Khi đến đảo Hải Nam, quân Trung Quốc trung chuyển tàu, đưa 9 chiến sĩ tiếp tục về nhà tù ở đảo Lôi Châu.
Khi bị giam giữ ở nhà tù Lôi Châu, ông Thoa cùng 8 đồng đội bị nhốt biệt lập, mỗi tuần chỉ có hai bữa ăn đạm bạc còn lại toàn cháo trắng. Lính Trung Quốc ép ông cùng đồng đội lao động nặng nhọc như đổ bê tông làm đường, chẻ củi… Một năm sau, Hội Chữ thập đỏ quốc tế đến nhà tù tiếp cận những người lính Việt Nam bị Trung Quốc bắt giữ ở đây.
Sau lần viếng thăm của Hội Chữ thập đỏ quốc tế, các chiến sĩ đỡ phải lao động vất vả và chuyển sang trồng trọt, chăn nuôi. Sau 3 năm 9 tháng bị Trung Quốc bắt giữ làm tù binh, năm 1991, ông Thoa cùng các đồng đội được trao trả về nước.
Trong khi 8 đồng đội muốn quay về quê hương thì ông Thoa bày tỏ nguyện vọng tiếp tục quay về phục vụ quân đội tại Quân chủng Hải quân Lữ đoàn 125, ở cảng Cam Ranh (Khánh Hòa), sửa chữa các con tàu tham gia xây dựng Trường Sa. Năm 1996, ông xuất ngũ và vào TP.HCM làm nhiều nghề kiếm sống. Đến năm 2005, ông trở về ở TP Quy Nhơn mãi đến nay.
Vợ chồng anh Thoa bên quán phở mang tên Trường Sa. Ảnh: Minh Hoàng. |
Chủ quán phở Trường Sa
Sau nhiều năm bôn ba mưu sinh, ông Thoa trở về phố biển Quy Nhơn xin vào làm đầu bếp tại một nhà hàng và học nghề nấu phở Bắc. Tích góp ít vốn liếng, vợ chồng ông mở quán phở trên đường Tăng Bạt Hổ.
"Nghĩ mình may mắn sống sót trở về, hạnh phúc bên gia đình, vợ chồng tôi quyết định đặt tên quán phở là Trường Sa, để tưởng nhớ 64 đồng đội nằm lại ở Gạc Ma, những kỷ niệm bi tráng một thời trai trẻ gắn với chủ quyền biển đảo Tổ quốc", ông Thoa nói.
Ông Thoa ao ước một ngày nào đó có thể trở lại thăm Trường Sa, thả vòng hoa, dành phút mặc niệm tưởng nhớ đồng đội đã ngã xuống ở Gạc Ma.
"Mong sao Đảng, Nhà nước đưa hài cốt của các đồng đội hy sinh trong trận Gạc Ma ở Trường Sa trở về. Còn những anh em sống sót như tôi được tạo điều kiện giám định lại thương tích, được Nhà nước chứng nhận chế độ thương binh", ông bày tỏ.
Nhớ về sự kiện trận Gạc Ma 29 năm trước, ông Lê Thừa (cha của ông Thoa), xúc động kể ngày 14/3/1988, nghe tin tàu HQ-604 bị Trung Quốc nã đạn bắn chìm ở Gạc Ma - Trường Sa, các chiến sĩ chết và mất tích, cả nhà đau đớn tột cùng. "Nghĩ con trai đã nằm lại với biển, vợ chồng tôi lập bàn thờ cúng thằng Thoa. Thế mà gần 4 năm sau, nó còn sống quay về, đó là điều kỳ diệu lớn nhất đời tôi", người cha bộc bạch.