Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ký ức ám ảnh về vùng đất chết hậu sóng thần Ấn Độ Dương

"Suốt ngày tôi chỉ chú tâm vào người đã chết, nhưng thực ra tôi bị những người sống ám ảnh nhiều hơn", phóng viên người Pháp nhớ lại quá trình đưa tin về trận sóng thần năm 2004.

Một nhà sư tìm kiếm thông tin từ bảng thông báo mất tích. Ảnh: AFP

Didier Lauras là phóng viên đầu tiên của hãng AFP đến Thái Lan đưa tin về hiện trường vụ sóng thần kinh hoàng xảy ra ngày 26/12/2004. Anh mất một thời gian dài để trấn tĩnh lại sau những trải nghiệm đầy ám ảnh ở vùng đất chết. Dưới đây là một phần nhật ký của Lauras trong những ngày tác nghiệp ở hiện trường thảm họa:

Khoảng chục nước chịu ảnh hưởng từ trận đại sóng thần, nhưng tôi quyết định đến đảo Phuket ở Thái Lan cũng là nơi thu hút nhiều khách du lịch. Người đầu tiên mà tôi tìm hiểu là một thanh niên người Australia tên Dan. Dan bị gãy xương vai và hàng loạt vết bầm khắp cơ thể. "Những cơn sóng lớn kéo tôi trôi đi khắp nơi, giống như bên trong một chiếc máy giặt khổng lồ vậy", Dan nói. 

Ngày thứ 2, chúng tôi tìm hiểu về những người dân trong ngôi làng bị sóng cuốn, còn một đồng nghiệp khác hướng về phía bắc, nơi có một bãi biển hoàn toàn bị tàn phá sau sóng thần còn thi thể nạn nhân la liệt trên những tán cây. Tôi đặt mục tiêu theo dõi trung tâm điều phối cứu nạn ở bên trong tòa thị chính, không chỉ vì đây là nơi hội tụ của các công ty du lịch, đội cứu nạn quốc tế và các nhà ngoại giao, mà còn là nơi những người sống sót sẽ tìm đến nhận sự giúp đỡ và chia sẻ nỗi đau. 

Một phụ nữ thất thần vì mất mẹ, một cặp vợ chồng đau đớn vì mất con. Họ nhìn khắp những tấm bảng dán chi chít hình ảnh, ghi chú, số điện thoại tìm người thân. Những đại lý du lịch cố gắng tìm kiếm hành khách mất tích, họ kiểm tra các khách sạn, kiểm tra tử thi ở các nhà xác. Khi tôi đến một bệnh viện địa phương, các bác sĩ cho biết tất cả 8 phòng lạnh bảo quản tử thi đều đầy kín. Mỗi quan tài phải đựng hai người thay vì một. Rất nhiều thi thể khác phải nằm bên hành lang, chỉ được phủ lên bằng một tấm vải, giữa thời tiết nóng và ẩm. 

Sau 10 năm sóng thần, mẹ mới tìm thấy thi thể con

May Aye Nwe, 20 tuổi rời quê hương ở Myanmar leo lên thuyền để tìm kiếm giấc mơ ở Thái Lan ngày 26/12/2004. Cô ra đi đúng vào ngày xảy ra sóng thần ở Ấn Độ Dương.


Hành lang tử thần

Tôi rời Phukhet đến Khao Lak ở phía bắc, nơi có khách sạn Sofitel Blue Lagoon của một doanh nhân Pháp. Khách sạn có hình chữ U và hướng thẳng ra biển. Sau khi ngọn sóng dữ rời đi, nó để lại trong những dãy hành lang khách sạn gồm rất nhiều thi thể người chết, gấu Teddy, tư trang và một mùi hôi thối nồng nặc. Địa ngục chỉ xuất hiện thoáng qua ở nơi này, vì bầu trời đã trong xanh trở lại và lũ chim ca hát khi tôi đến đây.

Tôi gửi một số thông tin qua điện thoại vệ tinh, sau đó quay về Phuket. Tôi xuống ở sân bay, chứng kiến cảnh  người sống sót chen chúc chờ lên máy bay về nhà. Những cô gái không ngừng khóc, du khách phượt không ngừng nhìn về nơi xa xăm, những người đàn ông trung niên cũng không thốt lên câu nào. Một điều chắc chắn là chuyến bay về sẽ có rất nhiều ghế trống. 

Một số quay phim khác liên tục theo đuổi họ và hỏi những câu như "bạn cảm thấy thế nào?", "bạn có thể chia sẻ được không"? Trong lòng tôi thắt lại, dù nhiệm vụ của tôi cũng là phỏng vấn để khai thác thông tin. Tuy nhiên, tôi bỏ đi và không nói câu này với ai. Liệu tôi có hành động đúng vào thời đó? 10 năm sau tôi vẫn chưa có câu trả lời cho mình. Tôi chỉ làm theo những gì cảm xúc mách bảo, rằng hãy để cho họ yên, họ đã chịu đựng đủ rồi.

Toàn cảnh trận đại sóng thần Ấn Độ Dương kinh hoàng năm 2004

Ngày 26/12/2004, một trận động đất 9,2 độ Richter ở Ấn Độ Dương tạo ra trận sóng thần cao 30 m đánh vào bờ biển của hơn 10 quốc gia, cướp đi sinh mạng của hơn 225.000 người.

Hàng trăm thi thể vô danh đặt tại ở ngôi đền tại Khao Lak. Ảnh: AFP
Hàng trăm thi thể vô danh đặt tại ở ngôi đền tại Khao Lak. Ảnh: AFP
Tôi và đồng nghiệp Philippe luôn trò chuyện mỗi sáng. Anh ấy hỏi tôi "anh ổn chứ?", "tôi ổn". Sau đó, tôi lại trở về trung tâm khủng hoảng. Lúc này mọi người đang bận rộn phân loại người chết và người mất tích. Những người mất tích có thể đã chết, hoặc họ còn sống nhưng lưu lạc, hoặc họ có thể đã về nhà.

Chính quyền mở một website để đăng ảnh trực tuyến. Nhưng các bức ảnh lần này là của những tử thi mà đội cứu nạn thu gom được, với mục đích để những người còn sống đến nhận thi thể người thân và đem về chôn cất. Tuy nhiên, gương mặt thi thể đã sưng phồng lên và khó có thể nhận diện bằng mắt thường. Lúc này, người đau khổ nhất chính là những người may mắn thoát chết.

Chứng kiến những cảnh này, tôi luôn tự nhủ bản thân không được khóc, vì tôi không phải là người thực sự đang trải qua nỗi đau. Công việc của tôi là quan sát, lắng nghe và ghi nhận.

Một người viết vội vã lên tấm ảnh trên bảng tìm người thân "đã tìm thấy". Ngoài bờ biển, chúng tôi nghe tin một tàu cá chở 7 thủy thủ đã thoát chết một cách thần kỳ. Khi chia sẻ những câu chuyện này, tôi cảm thấy thực sự hạnh phúc. 

Tuy nhiên, hiện thực khi đó là một không khí tang thương bao trùm. Một người bố dằn vặt mình vì không thể bảo vệ được vợ, con. Ngọn sóng thứ nhất cuốn đi người con, ngọn sóng thứ hai cướp đi người vợ. Rất nhiều người tất tả đi xem từng thi thể để tìm người nhà. 

Nơi sóng thần tàn phá: ngày ấy - bây giờ

10 năm sau trận sóng thần trên Ấn Độ Dương, sự sống đã quay trở lại nơi từng chứng kiến một trong những thảm họa khủng khiếp nhất của nhân loại.

Một phụ nữ than khóc sau khi khẳng định được chồng bà đã chết trong trận sóng thần. Bà cũng đã tìm thấy thi thể của chồng trong nhà xác. Ảnh: AFP
Một phụ nữ than khóc sau khi khẳng định được chồng bà đã chết trong trận sóng thần. Bà cũng đã tìm thấy thi thể của chồng trong nhà xác. Ảnh: AFP

"Đây tiếp tục là một nỗi đau tinh thần mà người ở lại phải chịu đựng. Người đã khuất không được nằm trong quan tài, không được chôn cất, thậm chí còn không rõ thi thể ở đâu. Còn người sống sót không thể đành lòng rời đi cho đến khi tận mắt nhìn thấy thi thể", một nhân viên cứu hộ nói.

Trong một cuộc trò chuyện ban đêm với đồng nghiệp ở Le Figaro, chúng tôi cố gắng trấn an lẫn nhau để tâm trí bớt nặng nề. Suốt cả ngày tôi chỉ chú tâm vào những người đã chết, nhưng tôi thực sự bị những người sống ám ảnh. 

Sau 9 ngày, tòa soạn cử một đội phóng viên khác để tiếp quản công việc của chúng tôi. Một đồng nghiệp của tôi khi về nhà đã tắt điện thoại suốt 48 tiếng.

Khi tôi về đến nhà, cậu con trai 18 tuổi đã đợi sẵn ở cửa và chạy lại đón tôi. Tôi ôm chặt con và chắc chắn rằng không ngọn sóng nào có thể cuốn nó được. Tôi khóc rất nhiều trong những ngày sau đó. Vợ tôi cấm tôi xem truyền hình vì sợ rằng tôi có thể bắt gặp hình ảnh vụ thiên tai. Tôi đã bị vùng đất chết trong trận sóng thần ám ảnh một thời gian dài, nhưng đã đến lúc tôi phải trở về cuộc sống thực tại.

'Vùng đất chết' hồi sinh 10 năm sau sóng thần Ấn Độ Dương

Indonesia, quốc gia thiệt hại nặng nề nhất trong sóng thần Ấn Độ Dương ngày 26/12/2004, đã tái thiết vùng thiên tai để hồi sinh "miền đất chết" suốt 10 năm qua.

Minh Anh

Bạn có thể quan tâm