Khi ông Tô Mạnh Hải tới thủ đô Port-au-Prince nhận chức Giám đốc chi nhánh Natcom (liên doanh giữa Viettel và Teleco - công ty của Haiti), nơi đây vẫn là một vùng đất hoang tàn, đổ nát. Trận động đất khủng khiếp nhất lịch sử nhân loại đã cướp đi sinh mạng của hơn nửa triệu người Haiti và phá hủy 80% cơ sở hạ tầng của quốc gia này. Thời điểm đó, ở thủ đô, khắp nơi vẫn là lều bạt căng tạm cho người dân sống qua ngày vì nhà cửa chưa được xây dựng lại.
Với ông Hải, một trong những công việc quan trọng đầu tiên là đi dọn rác. “Nghe thì có vẻ buồn cười nhưng xung quanh tôi toàn là rác thì phải dọn mới có chỗ mà làm việc chứ”, Giám đốc Natcom chi nhánh Port-au-Prince cười khi kể lại. Và ông Hải cũng chính là người khởi động chuyện dọn rác, lau nhà… như một nhân viên lao công. Sau khi vị giám đốc tự mình đi dọn rác, lau nhà…, việc thỏa thuận với những nhân viên Haiti trở nên thuận lợi hơn.
Ông Tô Mạnh Hải - nguyên Giám đốc chi nhánh Natcom Port-au-Prince (Haiti). Ảnh: H.L |
Vị lãnh đạo này cho biết, nhân viên địa phương thường từ chối làm các công việc mà họ không được thuê (bảo vệ hay lái xe sẽ không quét nhà hoặc dọn rác). Chưa hết, “hơi tí là đình công, biểu tình… nếu họ không vừa ý”. Trong khi đó, ở một công ty muốn xây dựng thần tốc hạ tầng và kinh doanh trên đống đổ nát như Natcom, như vậy có nghĩa là “thảm họa”.
Tại Haiti, bữa trưa của nhân viên địa phương chỉ đơn giản là một quả chuối kèm một quả trứng và giá rất rẻ. Ông Hải mua sẵn nhiều trứng, chuối và trưa nào cũng phát miễn phí cho nhân viên của mình (phúc lợi không có trong hợp đồng lao động). Sau cả tháng làm gương dọn rác, tặng trứng kèm chuối vào buổi trưa… những nhân viên Haiti dần có mối thiện cảm đặc biệt với vị giám đốc người Việt Nam.
Những nhân viên này cảm động bởi chuyện dọn rác, tặng trứng chuối diễn ra hàng ngày khi vị giám đốc cùng những đồng nghiệp Việt Nam phải làm rất nhiều việc khác như dựng trạm, kéo cáp, bán hàng… Ngày của ông Hải thường bắt đầu từ sáng sớm và kết thúc lúc 10-11h tối.
Tại chi nhánh Port-au-Prince của Natcom, nhân viên có tên Joseph từng cầm đầu các cuộc biểu tình, gây rối… nhưng sau một thời gian làm việc với ông Hải lại quay sang ủng hộ nhiệt tình. Các nhân viên địa phương khác cũng dần quen với phong cách làm việc bất kể ngày đêm của người Việt Nam…
Nước mắt “chiến binh”
Trong lần đi bán hàng ở một hòn đảo cách bờ 15km, chiếc thuyền buồm chở ông Hải cùng hơn 30 hành khách bị gãy cột buồm trong cơn giông ập đến bất ngờ. Lúc đó khoảng 4h chiều, trời đen kịt, ông Hải chỉ thấy những ngọn sóng dâng trắng xóa… Vị giám đốc Natcom Port-au-Prince lấy máy di động gọi về cho cậu nhân viên người Việt. “Lúc đó tôi nói: ‘Tuấn, nếu em mà thấy anh không nghe máy là anh đang ở dưới biển rồi nhé. Giờ anh đang trên mũi thuyền’ (cười)”, ông Hải vừa kể cũng vừa cười.
Những người Việt Nam đến Haiti xây dựng mạng viễn thông khi 80% cơ sở hạ tầng của đất nước này bị phá hủy. Ảnh: X.An |
Vị lãnh đạo này bổ sung, lúc gọi điện, thuyền đã cách bờ khoảng 2-3km và trong trường hợp xấu nhất, ông Hải có thể nhảy xuống biển bơi vào bờ. “Tuy nhiên, lúc gãy cột buồm thì cách bờ xa quá và tình hình cũng hơi căng”, ông Hải nói. Lần đó, khi vào bờ, ông Hải mang được 48 chiếc điện thoại Sumo lên đảo an toàn. Sau đợt bán hàng kéo dài 1,5 tháng số thuê bao di động Natcom tại đây tăng từ 952 lên hơn 7.000 mà dân số của đảo chỉ khoảng 10.000 người.
Luôn cười hề hề lúc kể chuyện, cả khi nói về những lần gặp nguy hiểm khi đi xây dựng hạ tầng, bán hàng… ở Haiti, nhưng ông Hải lại trùng xuống khi nói về nhân viên. Lần đó, khi đi kiểm tra ở một huyện, ông Hải vào nhà trọ của một nhân viên (tên Minh), nhìn thấy bếp có dấu hiệu lâu không nổi lửa (ở Haiti chỉ đun củi, không có bếp gas hoặc điện).
Khi hỏi cậu nhân viên có nấu cơm ăn không thì Minh trả lời có nhưng sau đó ông Hải gạn hỏi thì cậu thú thật chỉ ăn chuối, xoài… thay cơm. “Lúc đó, tôi ôm lấy Minh và 2 anh em đều khóc”, vị giám đốc kể lại câu chuyện cho Zing.vn với giọng xúc động. Ông Hải khóc vì thương nhân viên của mình bởi ngoài chuyện không ăn cơm, cậu còn phải chịu nhiều áp lực khác khi phải bán hàng và giữ gìn tiền bạc trong tình hình bất ổn. Trong khi đó, cậu nhân viên tên Minh thì khóc vì gặp được người có thể nói chuyện, tâm tình.
Rồi ông nói thêm: “Lúc mới đến, Minh là một cậu thanh niên dáng rất thư sinh, tưởng sẽ chẳng trụ nổi. Vậy mà có vài tháng gặp lại, cậu ấy trông rắn rỏi hơn rất nhiều, râu ria xồm xoàm…” (lại cười).
Kỳ tích Việt Nam trên đất châu Mỹ
Với những người Việt Nam đầu tiên đến Haiti xây dựng hạ tầng viễn thông cho Natcom, câu chuyện không chỉ là rác bủa vây xung quanh. “Đó là một đống đổ nát khổng lồ và trong đó có nhiều xác chết mà người Haiti chưa kịp thu dọn”, Nguyễn Lưu Ly – Trưởng phòng Marketing của Viettel Global – người từng sang thị trường này làm truyền thông trong năm đầu tiên cho biết.
Công ty Việt Nam đầu tư vào viễn thông Haiti và tạo nên một kỳ tích về xây dựng hạ tầng. Ảnh: X.An. |
Trước đó, không ai nghĩ là công ty Việt Nam sẽ giữ cam kết đầu tư vào Haiti sau khi xảy ra thảm họa động đất khủng khiếp nhất lịch sử nhân loại. Hơn nửa triệu người thiệt mạng, 80% cơ sở hạ tầng bị phá hủy hoàn toàn, kèm theo bệnh dịch lan tràn…, thủ đô Port-au-Prince gần như bị san phẳng là những thông số khiến bất cứ một nhà đầu tư nào cũng phải khiếp sợ. Thế nhưng, nhà đầu tư đến từ Việt Nam (Tập đoàn viễn thông Quân đội - Viettel) vẫn giữ lời hứa của mình.
Khi chưa lập liên doanh, Công ty viễn thông Teleco (đơn vị mà Viettel mua 60% vốn) lỗ ít nhất 1 triệu USD/tháng (kéo dài từ năm 2001). Teleco chỉ có khoảng 40.000 thuê bao điện thoại cố định và đang giảm dần. Thêm vào đó, Haiti cách Việt Nam tới 36 tiếng kể từ khi bước chân lên máy bay.
Những lý do trên khiến Telecom TV One (Anh) bình luận: “Viettel bắt đầu trên con đường mà những nhà tư bản sợ phải đi!” khi hãng viễn thông Việt Nam chính thức tiếp quản Teleco, và thành lập liên doanh Natcom….
Sau hơn 1 năm xây dựng hạ tầng, tháng 9/2011, Natcom chính thức khai trương, cùng hạ tầng về mạng di động đứng số 1 Haiti, với gần 1.000 trạm thu phát sóng - nhiều hơn 30% so với mạng di động lớn nhất của Haiti trước đó (Digicel) triển khai trong 6 năm. Bên cạnh đó, 3.000km cáp quang được xây dựng mới, phủ đến cấp huyện và gấp 20 lần số cáp quang mà Haiti có trước tháng 9/2011. Lúc khai trương, Natcom là công ty duy nhất cung cấp 3G và có tới 250.000 thuê bao di động sau 1 tháng cung cấp thử nghiệm...
Thế nhưng, những chi tiết về thành quả giống như kỳ tích hoặc khó khăn khi làm việc không xuất hiện trong câu chuyện với nguyên Giám đốc chi nhánh Natcom Port-au-Prince. Ông Hải chỉ cười hề hề và kể những chuyện nghe có vẻ hài hước, nhưng chứa đựng thách thức thật sự mà ông cùng đồng đội của mình phải vượt qua mỗi ngày tại Haiti.
“Khó khăn ở đâu chẳng có. Nói khó mãi thì được cái gì đâu? Cứ làm và coi nó như chuyện vui thôi. Kể chuyện khổ lắm, khó lắm nghe nó thế nào ấy. Anh em Viettel đi thị trường, trên khắp các nước khác, chỗ nào chả khó”, ông nói như vậy và lại cười hề hề.
Sau hơn một năm làm Giám đốc chi nhánh Port-au-Prince (Haiti) – nơi chiếm 50% doanh thu của Natcom, ông Hải được điều chuyển sang thị trường Lào và giữ chức Phó tổng giám đốc Unitel – hãng viễn thông số 1 tại quốc gia này (liên doanh của Viettel).