Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Kỹ thuật nâng ngực cực ít gây biến chứng chết người'

“Biến chứng thường nằm ở khâu gây mê, gây tê trước khi phẫu thuật”, Thạc sĩ Trần Bảo Khánh, khoa Phẫu thuật tạo hình Bệnh viện Xanh – Pôn cho biết.

- Việc hút mỡ bụng và nâng ngực, nếu không đảm bảo quy chuẩn thì có thể xảy ra những biến chứng nguy hiểm nào, thưa ông?

- Kỹ thuật nâng ngực thường cực ít khả năng gây ra biến chứng ngay khi mổ chứ chưa gì nói đến tử vong. Về hút mỡ, nếu làm đúng theo kỹ thuật chuẩn thì cũng rất an toàn, không có gì đáng lo ngại. Nếu làm kỹ thuật không chuẩn, có thể mỡ của bệnh nhân sẽ vào hệ thống tĩnh mạch, mạch máu gây tắc mạch não, mạch phổi dẫn đến tử vong. Tuy nhiên, biến chứng này nếu cấp cứu kịp thời thì cũng không sao.

Bác sĩ Trần Bảo Khánh.

Phần lớn vấn đề sẽ nằm ở kỹ thuật gây mê. Còn các khâu liên quan đến kỹ thuật mổ, phẫu thuật viên thì thường không xảy ra vấn đề gì. Thông thường công tác này ở trong bệnh viện sẽ rất an toàn, gần như chưa có biến chứng nào xảy ra khi gây mê trong bệnh viện. Ở một số cơ sở lớn, uy tín thì cũng đảm bảo được điều này.

Ông Nguyễn Việt Cường- Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết, theo Thông tư 41/2011/TTBYT Bộ Y tế ban hành ngày 14/11/2011, phạm vi hành nghề của phòng khám PTTM gồm: xăm môi, xăm mi, cắt lúm đồng tiền, các dịch vụ chăm sóc gây chảy máu; cấy tóc; nâng gò má thấp, nâng sống mũi; xử lý các nếp nhăn mi trên, mi dưới, tạo hình mắt một mí thành hai mí…Các điểm chỉ đăng ký hoạt động trong lĩnh vực spa, massage… thực hiện các dịch vụ trên là sai quy định.

Những phòng khám PTTM không được thực hiện phẫu thuật tạo hình như: lấy mỡ cơ thể, nâng ngực, thu nhỏ quầng vú, núm vú, căng da mặt, mông, đùi… Hiện nay, trên địa bàn TP. Biên Hòa chỉ mới có 1 phòng khám PTTM được cấp phép mới theo quy định của Thông tư 41.

Còn theo quy định, các cơ sở thẩm mỹ viện không có chức năng phẫu thuật gây mê, họ chỉ được phép gây tê mà cùng thôi. Khi gây tê, nếu xảy ra biến chứng mà xử lý kịp thời thì thường cũng không quá nguy hiểm. Biến chứng phần lớn là do gây mê và các cơ sở thường gặp rắc rối ở điểm này, các bác sĩ thường chủ quan khi khám gây mê.

- Theo ông, nguyên nhân chính khiến nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền (SN 1974, ở 36 Hàng Thiếc, Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội) tử vong là do đâu?

- Theo tôi được biết, bệnh nhân này sinh năm 1974, cũng là người có tuổi rồi. Có những bệnh lý nếu không khám kỹ thì không phát hiện được và gây mê vào rồi sẽ xảy ra những vấn đề không lường trước được.

Không hiểu thẩm mỹ viện này gây mê kiểu gì nhưng thông thường các cơ sở ở ngoài theo tôi được biết thì thường gây mê tĩnh mạch. Mà cách làm này mức độ an toàn thường không cao bằng các cách gây mê khác. Về chuyên môn, khi hút mỡ bụng các bác sĩ thường gây tê tại chỗ, còn nâng ngực thì thường là phải gây mê. Thông thường phải làm tuần tự từng phần một. Chẳng hạn hút mỡ trước rồi nâng ngược hoặc ngược lại chứ không được làm hai cái một lúc.

- Kỹ thuật gây tê và gây mê được quy định như thế nào tại các thẩm mỹ viện?

- Tôi được biết, theo quy định của bộ Y tế thì bệnh viện thì mới được phép phẫu thuật có gây mê, còn những phòng khám, trung tâm thẩm mỹ chỉ được cấp phép phẫu thuật gây tê. Việc hút mỡ bụng là tiến hành gây tê nên cũng có thể tiến hành ở phòng khám hoặc bệnh viện. Tuy nhiên, khi nâng ngực bệnh nhân phải được gây mê, còn nếu gây tê thì kỹ thuật phải rất cao nên thông thường không ai làm ở ngoài cả. Đó là theo quy định của bộ Y tế, còn thực tế các cơ sở có tuân thủ hay không thì rất khó kiểm soát.

- Xin cảm ơn ông!

Kỹ thuật hút mỡ bụng phải tuân thủ nghiêm ngặt quy chuẩn

GS. Trần Thiết Sơn - Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình (Bệnh viện Xanh Pôn) cho biết, độ tuổi chị em phụ nữ đến xin tư vấn và tiến hành phẫu thuật hút mỡ bụng, mông, bắp tay, đùi dao động từ 18 - 60 tuổi, nhưng tập trung nhiều nhất ở những phụ nữ sau khi sinh và nuôi con nhỏ từ 30 - 45 tuổi.

Hiện nay có hai loại phẫu thuật hút mỡ là hút mỡ khô và hút mỡ ướt. Hút mỡ khô là hút mỡ một cách trực tiếp từ cơ thể. Hút mỡ ướt sẽ sử dụng kỹ thuật tiêm dung dịch nước vào phần cơ thể cần hút mỡ, làm cho các mô mỡ trương lên sau đó mới tiến hành hút. Các dụng cụ hỗ trợ 2 loại phẫu thuật hút mỡ này là siêu âm và hút dung. Kỹ thuật hút dung là một kỹ thuật hiện đại, rất ít cơ sở thực hiện được kỹ thuật này. Hiện chỉ có bệnh viện Xanh-Pôn là có hút dung. Chỉ số an toàn của hút mỡ ướt thường cao hơn và được sử dụng phổ biến hơn ở hầu hết các cơ sở chuyên khoa về phẫu thuật thẩm mỹ.

Cũng theo GS. Thiết Sơn, phẫu thuật hút mỡ bụng được xếp vào loại trung phẫu. Quá trình tiến hành phẫu thuật phải tuân thủ nghiêm ngặt những quy chuẩn chung của một ca phẫu thuật. Với phẫu thuật cắt mỡ bụng thì tiến trình thực hiện phức tạp hơn. Người bệnh phải làm xét nghiệm tổng thể, đủ tiêu chuẩn mới được xếp lịch phẫu thuật. Bác sĩ khuyến cáo, nếu đang chăm sóc con nhỏ trong vòng từ 3 tuổi trở xuống, các quý cô không nên đi cắt, hút mỡ bụng và tuyệt đối không được hút quá 1,5 lít mỡ ra khỏi cơ thể trong 1 lần phẫu thuật dù bệnh nhân ở thể trạng nào.

Ngọc Thanh

Bạn có thể quan tâm