Anh Trần Lê Duy Tiên trên đường chinh phục Island Peak. |
Hơn 12 năm làm việc ở Zalo - nơi “văn hóa trekking” được coi là niềm tự hào khi mang tới cho những người làm sản phẩm công nghệ ý chí và sự bền bỉ đón đầu mọi thách thức, anh Trần Lê Duy Tiên - Senior Product Manager (Quản lý phát triển sản phẩm công nghệ cấp cao) tại Zalo đã có cơ hội trải nghiệm nhiều cung trekking đặc biệt cùng đồng nghiệp. Trong đó có thể kể đến các địa điểm nổi tiếng như nóc nhà Đông Dương - Fansipan (3.147 m), Poon Hill (3.200 m) thuộc dãy Himalaya tại Nepal, Á Đinh - Đạo Thành (4.700 m) tại Trung Quốc…
Ở tuổi 40, vẫn với niềm đam mê trekking nhưng lần này mang ước muốn được làm chủ chuyến hành trình chinh phục đỉnh cao mới, anh Tiên đã lên kế hoạch một mình khám phá Island Peak. Tại đây trong 18 ngày liên tiếp, anh đã lần lượt chinh phục thành công các đỉnh Renjo La High Pass (5.360 m), Cho-la High Pass (5.420 m), Kongma La High Pass (5.535 m), Kala Patthar (5.644 m). Tiếp đó, đặt chân tới Everest Basecamp (5.364 m) và Island Peak (6.189 m) - những điểm đến mơ ước của các trekker không chuyên.
Cùng đam mê trekking chinh phục cột mốc để đời ở tuổi 40
“Đôi khi trong cuộc sống cũng như công việc, chúng ta cứ mơ, đặt mục tiêu và làm. Đừng tính toán, suy nghĩ hay lo lắng quá nhiều, bạn sẽ có thể đạt được những điều tưởng chừng như không thể. Suốt 18 ngày tại Nepal, động lực chính giúp mình vượt qua mọi khó khăn chính là tinh thần đón nhận thử thách với một tâm thế lạc quan, sự quyết tâm và kiên trì để chinh phục mục tiêu mới ở tuổi 40”, anh Trần Lê Duy Tiên chia sẻ.
Cùng đam mê trekking chinh phục cột mốc để đời ở tuổi 40. |
Vốn chỉ có kinh nghiệm chinh phục những cung trekking ngắn 1-2 ngày với điểm cao nhất dưới 5.000 m, hành trình 18 ngày liên tiếp với nhiều đỉnh trên 5.000 m này đã đem tới cho anh Tiên không ít những khó khăn. Trong đó, thách thức lớn nhất là việc thích nghi với lớp không khí loãng ở trên cao mà anh đùa là “thở khó giống như thời bị Covid” hay thử thách vượt tường băng “làm anh thiệt hại mất hai chiếc móng chân”.
Chặng leo núi trên 6.000 m cần sự hỗ trợ của dụng cụ leo núi chuyên nghiệp cũng như người hướng dẫn đi cùng có chứng chỉ tại Nepal. |
Tuy nhiên đằng sau khó khăn, anh Tiên cho biết những nỗ lực dấn thân đã mang lại thành quả xứng đáng với nhiều trải nghiệm và kỷ niệm không thể nào quên. Đó là vẻ đẹp nên thơ tràn ngập hoa cỏ mùa xuân của cung đường dưới 4.000 m, những đoạn đường phủ toàn đá và bao quanh bởi núi non hùng vĩ, trải nghiệm vượt sông băng và lần đầu tiên leo lên tường băng dựng đứng với dụng cụ leo núi chuyên dụng từ 1h sáng trong cái rét -10C để lên đến độ cao 6.000 m của Island Peak.
Tất cả tạo nên một chuyến đi mà anh được sống với niềm đam mê trekking, đặt chân tới và trải nghiệm một vùng đất mà bản thân vẫn hằng ao ước.
“Mong ai cũng sẽ có những chuyến đi để đời của riêng mình”
Ít ai biết rằng mục tiêu ban đầu của anh Tiên không phải Island Peak, mà là Everest Basecamp - một điểm đến nổi tiếng với mọi trekker trên thế giới. Để thử thách bản thân cũng như được sự khích lệ của đồng nghiệp tại Zalo, anh đã mạnh dạn chọn cung đường dài và khó hơn tuyến thông thường để đến Everest Basecamp. Sau đó, tự đặt thêm một KPI mới là đỉnh Island Peak 6.189 m.
Không dừng lại ở Everest Basecamp, anh Tiên quyết định đặt thêm một KPI mới cho chuyến đi là đỉnh Island Peak 6.189 m. |
Thông thường, khi đặt chân tới Everest Basecamp sau 10 ngày liên tục gắng sức vượt núi, các trekker sẽ cảm thấy thấm mệt và xuống sức. Cùng với cảm giác thỏa mãn sau khi đã đạt được một cột mốc đáng tự hào như Everest Basecamp, việc sẵn sàng tiếp nhận sự bào mòn thể lực trong 7-8 ngày tiếp theo với thử thách mà bản thân không tự tin cũng như chưa từng có kinh nghiệm hay không là cả một bài kiểm tra về sự quyết tâm của người leo núi.
Anh Tiên thừa nhận không phải chưa từng có suy nghĩ “thôi về cũng được rồi”. Tuy nhiên sau một đêm nghỉ ngơi, với mong muốn vượt qua chính mình, anh đã tìm thấy động lực tiến tiếp tới cột mốc Island Peak.
Với sự quyết tâm vượt lên chính mình, anh Tiên đã chinh phục thành công đỉnh cao mới. |
“Điều tiên quyết đầu tiên mà bạn cần chuẩn bị cho các chuyến trekking nói chung và Island Peak nói riêng đó là tinh thần quyết tâm, sự kiên trì để trải nghiệm tới cùng. Ngay cả những lúc khó khăn nhất - thời điểm đạt được mục tiêu ban đầu là đặt chân tới Everest Basecamp và thoáng có suy nghĩ từ bỏ sau 10 ngày dài bào mòn thể lực, chính sự lì lợm và tinh thần không chịu khuất phục đã đưa mình tới cột mốc KPI mới trong chuyến đi là chạm tới Island Peak. Và mình đã có một chuyến đi để đời, mong rằng các bạn cũng sẽ có những hành trình đáng nhớ”, anh Tiên chia sẻ.
Kết thúc chuyến đi, anh Trần Lê Duy Tiên tiếp tục quay trở lại công việc của một người phát triển sản phẩm công nghệ. Hàng ngày đón đầu những làn sóng mới của một lĩnh vực đầy thách thức nhưng tinh thần yêu thích khám phá những điều mới mẻ và không chịu khuất phục trước khó khăn được tôi luyện qua những chuyến đi như Island Peak chắc chắn sẽ giúp anh chinh phục thêm nhiều cột mốc thành công mới trong sự nghiệp và cả cuộc sống.
Để đồng hành cùng anh Tiên cũng như tất cả nhân viên tạo dựng thêm những giá trị tốt đẹp, Zalo - vốn được biết đến với hệ sinh thái sản phẩm công nghệ đa dạng như ứng dụng nhắn tin Zalo, trợ lý AI Kiki, ứng dụng nghe nhạc Zing MP3… đã xây dựng và phát triển sâu rộng hoạt động văn hóa trekking.
Tại Zalo, nhân viên có nhiều cơ hội trải nghiệm hoạt động trekking tại các địa danh nổi tiếng ở trong và ngoài nước. |
Trong gần 17 năm, nhân viên Zalo đã có cơ hội đặt chân tới nhiều cung đường trekking ở Việt Nam và trên thế giới. Có thể kể tới những địa danh nổi tiếng như nóc nhà Đông Dương - Fansipan (3.147 m), hang Sơn Đoòng, Poon Hill (3.200 m) thuộc dãy Himalaya hùng vĩ tại Nepal, Kinabalu (4.095 m) - ngọn núi cao nhất Đông Nam Á ở Malaysia, đèo Khardung La (5.359 m) tại Ấn Độ, Á Đinh - Đạo Thành (4.700 m) tại Trung Quốc…
Tới nay, hoạt động trekking đã minh chứng rõ nét cho tinh thần đón nhận thách thức (Embracing Challenges) của nhân viên Zalo. Đó là niềm yêu thích khám phá và dấn thân trải nghiệm những thử thách mới, sự bền bỉ không bỏ cuộc trước mọi khó khăn để khai phá những tiềm năng vô hạn của bản thân. Tinh thần cũng như hoạt động văn hóa này đã và đang giúp Zalo cùng các nhân viên tạo dựng nền tảng mạnh mẽ để làm chủ những làn sóng công nghệ thách thức. Qua đó liên tục mang tới những sản phẩm tiên tiến phục vụ cho cuộc sống của người Việt.