Chủ vườn hoa oải hương duy nhất ở Đà Lạt là kỹ sư sinh học Lê Tiến Thành.
Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường theo học chuyên ngành kỹ sư Công nghệ sinh học, anh Thành đã mê hoa, thích làm nông nghiệp. Sau ngày nhận bằng nghiệp đại học, trong lúc bạn bè đua nhau chạy vạy tìm việc ở Sài Gòn thì anh lặng lẽ xếp đồ đạc vào balo bắt xe lên phố núi Đà Lạt.
Kết thúc những ngày rong ruổi một mình ở thành phố xa lạ, anh xin được công việc tại một trung tâm ứng dụng khoa học công nghệ, làm việc trong lĩnh vực nuôi cấy, nhân giống cây trồng. Đây là dịp để chàng kỹ sư công nghệ sinh học phát huy sở trường làm nông nghiệp và thỏa mãn đam mê làm hoa.
Anh Lê Tiến Thành tại vườn oải hương độc nhất vô nhị Đà Lạt. Ảnh: Thạch Thảo. |
Yêu thích hoa lavender (oải hương) từ lâu, mỗi khi có dịp đến các trại giống trong nước, Thành đều hỏi mua hoa về trồng. Tuy vậy, anh thường xuyên bị chủ trang trại từ chối do điều kiện ở Việt Nam không trồng được loại hoa này nên họ không nhập giống.
Sau nhiều năm tìm kiếm giống oải hương bất thành, tưởng chừng không thể có cơ hội đến với loài hoa này nữa thì vào năm 2006, trong lần công tác tại Đài Loan, Thành đã gặp may.
Ở Đài Loan, các trại giống hoa đều bán oải hương với rất nhiều loại. Như bắt được vàng, Thành mua cây con mỗi loại một ít gói ghém cẩn thận, đưa lên máy bay chuyển về Đà Lạt gieo trồng. Thế nhưng, quá nửa số oải hương nói trên trồng ở Đà Lạt bị chết. Sau này, anh mới biết nguyên nhân là thời tiết mưa nhiều, đất ướt trong khi loại hoa này không thích hợp trồng ở môi trường nhiều nước.
Hoa được trồng theo luống, bán theo cành với giá 2.000 đồng một cành tại vườn. Ảnh: Thạch Thảo. |
Những cây còn sốt sót phát triển còi cọc. Vài tháng sau khi trồng, cây phát triển quá chậm dù anh Thành đã vận dụng nhiều kiến thức học được cùng các chăm bón, thuốc thang rất kỳ công. Chính anh cũng không ngờ hoa oải hương lại khó trồng đến vậy, mặc dù điều kiện tự nhiên và thổ nhưỡng của Đà Lạt rất thích hợp cho các loài hoa khác.
6 năm thử nghiệm với nhiều lần thất bại, chi phí đầu tư để trồng hoa oải hương đã lên tới ngót cả trăm triệu đồng. Đến nay, anh Thành đã là chủ sở hữu của vườn oải hương với diện tích rộng 1.000 m2 tại làng hoa Vạn Thành, phường 5. Anh cũng là người duy nhất trồng loại hoa này ở thành phố cao nguyên, tính đến hiện tại.
Chàng kỹ sư nông nghiệp cho biết, sau những năm vất vả nghiên cứu cách trồng, chăm sóc để hoa oải hương có thể thích nghi trên đất Đà Lạt, cho hoa đẹp, thơm, anh đã phải trả giá với nhiều lần thất bại.
Điều may mắn nhất đối với anh trong cuộc thử nghiệm xa lạ này là vẫn giữ được một số cây khi mang từ Đài Loan về. “Nếu cây chết hết thì không biết kiểm đâu ra mà làm. Nơi bán giống thì mãi Đài Loan, không lẽ mình lại bay sang đó chỉ để mua ít giống hoa", anh thật thà chia sẻ.
Lâu nay, thị trường Việt Nam chủ yếu tiêu thụ oải hương khô nhập từ châu Âu và Trung Quốc. Ảnh: Thạch Thảo |
Đến nay, anh Lê Tiến Thành cũng đã làm chủ được kỹ thuật trồng loại hoa này. “Tôi có thể khẳng định cây hoa oải hương phát triển được ở Đà Lạt. Tôi cũng mong muốn biến hoa thành loại đặc trưng, riêng biệt của Đà Lạt mà không nơi nào ở nước ta có được”, anh Thành nói.
Ngay khi biết anh Lê Tiến Thành trồng thành công hoa oải hương ở Đà Lạt, một đơn vị chuyên tiêu thụ hoa tươi ở TP HCM đã lên Đà Lạt gặp anh, đặt vấn đề ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm lâu dài.
Anh Thành cho biết, hiện tại, giá mỗi cành oải hương tại vườn là 2.000 đồng. Ngoài bán cành, anh còn nhân giống ra chậu nhỏ để bán cho khách tham quan với giá 35.000-50.000 đồng một gốc.
Trong năm 2015, anh đã xuất bán được 4.000 chậu ra thị trường. Tiên phong trong việc trồng hoa oải hương ở Đà Lạt, anh Thành tiết lộ, thu nhập từ loại này rất khá.
“Tôi khẳng định hiệu quả kinh tế của oải hương hơn hẳn các loại hoa được trồng phổ biến ở Đà Lạt. Không những bán được hoa với giá cao, tôi không phải lo đầu ra, giá cả lên xuống thất thường!...”, anh nói.
Trong thời gian tới, anh dự định sẽ thuê thêm đất, trồng oải hương thành từng luống dài trên mặt đất với độ dốc vừa phảiđể phục vụ hoạt động thưởng thức ngắm hoa, chụp hình của khách du lịch.
Ông Nguyễn Như Việt, Phó chủ tịch UBND phường 5, TP Đà Lạt cho biết, anh Lê Tiến Thành hiện là người duy nhất trồng hoa oải hương quy mô thương phẩm ở địa phương.
Theo ông Việt, oải hương là loại mới, khó trồng. Việc anh Thành mạnh dạn đưa loại này vào thử nghiệm và thành công đã giúp đa dạng hóa, làm phong phú thêm các loài hoa của Đà Lạt và mở ra cơ hội làm ăn mới cho nhà vườn.
Trên thị trường hiện tại, oải hương phần lớn được nhập về dưới dạng hoa khô, bán theo kg. Giá bán dao động 250.000 đồng/kg với hoa nhập từ Hà Lan và 150.000 đồng với hàng nhập từ Trung Quốc.