Thị trường chứng khoán Việt Nam đang trong giai đoạn tăng điểm mạnh khi băng băng lập các đỉnh mới. Mở cửa sáng ngày 3/11, các chỉ số chính đều chiếm được sắc xanh ngay từ đầu và lực mua dần tăng lên.
Tuy nhiên, kể từ sau thời điểm 10h, thị trường bất ngờ "quay đầu" lao dốc với tốc độ tăng dần đều. Đến gần 11h, VN-Index giảm sâu mốc 1.440 điểm, giảm gần 12 điểm (0,8%) so với phiên hôm qua. Đà rơi này tương đương mất khoảng 23 điểm so với mức cao nhất được thiết lập trước đó một giờ.
Cú bán tháo được ngưng lại khi một dòng tiền lớn nhập cuộc, bắt đầu ở nhóm vốn hóa lớn. Tạm dừng phiên sáng VN-Index giảm 4,6 điểm (0,31%) về 1.447,9 điểm. Tương tự sàn HNX giảm 0,19% còn 423,3 điểm và UPCoM-Index giảm 0,11% xuống 106,8 điểm.
VN-Index lao dốc bất ngờ về cuối phiên sáng ngày 3/11. Đồ thị: TradingView. |
Trong khi VN-Index lao dốc với hơn 300 mã giảm điểm thì VN30 vẫn ghi nhận mức tăng 0,15% trong phiên sáng. Các mã ngân hàng vẫn trụ vững để làm điểm tựa cho chỉ số không bị rớt sâu thêm.
Đáng chú ý nhất chính là cổ phiếu ngân hàng trở lại mạnh và giúp giữ nhịp đáng kể cho thị trường, giúp tâm lý nhà đầu tư an ổn định hơn. Trong đó cổ phiếu TCB của Techcombank tăng 2,9% để trở thành mã có đóng góp tích cực nhất cho chỉ số. Ngoài ra các mã ngân hàng như BID, OCB, MBB, EIB, STB, HDB, CTG cũng đều góp mặt trong top 10 đóng góp tốt nhất.
Trong khi đó hàng loạt mã tăng nóng, nhất là cổ phiếu bất động sản, đang chịu áp lực chốt lời lớn. Một số mã biến động khá lớn khi có thời điểm tăng trần - chạm sàn đáng kể nhất là DIG, L14. Một số mã bất động sản khác cũng bị áp lực chốt lời và có lúc giảm sàn như HQC, MBG, DRH, NBB, KHG...
Phần lớn cổ phiếu bất động sản tạm dừng phiên sáng chìm trong sắc đỏ với mức giảm rất sâu. Thậm chí VIC của Vingroup giảm 1,6%và VHM của Vinhomes giảm 1,4% để trở thành 2 mã tác động tiêu cực nhất lên chỉ số.
Nhóm ngân hàng tăng điểm giúp giữ nhịp cho thị trường chung. Nguồn; VNDirect. |
Tổng thể thị trường đang cho thấy dấu hiệu quá nóng khi điểm số tăng liên tục với khối lượng giao dịch trung bình ở mức rất cao. Khi thị trường tăng nóng thì những phiên điều chỉnh thường rất cần thiết để giúp xu hướng tăng bền vững hơn.
Một điều đáng chú ý khác là thanh khoản trên sàn HoSE vừa xác lập kỷ lục mới. Tổng khối lượng giao dịch đạt 861,55 triệu đơn vị với giá trị 24.504 tỷ đồng, tương ứng tăng 49% về khối lượng và 53% về giá trị so với phiên sáng qua. Trong đó riêng giao dịch thỏa thuận đóng góp giá trị gần 1.000 tỷ đồng và còn lại từ giao dịch khớp lệnh.
Tổng giá trị giao dịch trên cả ba sàn vượt 29.730 tỷ đồng, tương đương 1,3 tỷ USD. Riêng phiên sáng nay đã có 1,09 tỷ đơn vị cổ phiếu được mua bán. Thanh khoản cao kỷ lục cho thấy lượng nhà đầu tư "đứng ngoài" vẫn luôn sẵn sàng xuống tiền trong những nhịp điều chỉnh.
Tại thị trường quốc tế, chứng khoán Mỹ tiếp tục lập kỷ lục mới trong ngày Fed họp phiên thường kỳ và nhiều doanh nghiệp thông báo kết quả kinh doanh khả quan.
Chỉ số Dow Jones tăng gần 139 điểm, lên đỉnh 36.053 điểm. Chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite tăng lần lượt 0,37% và 0,34%, đều thiết lập kỷ lục mới. Đây là phiên thứ 3 liên tiếp mà cả ba chỉ số chính của chứng khoán Mỹ cùng nhau lập đỉnh. Chỉ số cổ phiếu vốn hóa nhỏ Russell 2000 ngày 2/11 cũng tăng nhẹ lên mức cao nhất mọi thời đại.
.