Tính đến chiều 16/10, đã có 20,8 triệu phiếu được nộp, bằng 15% tổng số phiếu trong kỳ bầu cử năm 2016. Vẫn còn 8 bang chưa báo cáo số phiếu và cử tri Mỹ vẫn có hơn hai tuần nữa để bỏ phiếu.
Lượng phiếu kỷ lục đang khiến nhiều chuyên gia dự đoán tổng số phiếu năm nay sẽ lên kỷ lục là 150 triệu, và tỷ lệ bỏ phiếu có thể sẽ cao hơn mọi kỳ bầu cử từ năm 1908, theo hãng tin AP.
Cử tri xếp hàng bỏ phiếu ở Decatur, bang Georgia ngày 12/10. Ảnh: AP. |
“Thật điên cuồng”, Michael McDonald, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Florida, nói. Phân tích bầu cử qua trang web của mình, ông McDonald cho thấy số cử tri đã bỏ phiếu đang gấp 10 lần so với cùng thời điểm năm 2016.
“Chúng ta có thể chắc chắn đây sẽ là kỳ bầu cử có tỷ lệ bỏ phiếu cao”, ông McDonald nói.
Lợi thế ban đầu nghiêng về ông Biden
Cho đến nay, số phiếu khổng lồ đã được nộp qua thư hoặc tại điểm bỏ phiếu sớm mà không có những xô xát, đụng độ tại các địa điểm, như giới hoạt động và cảnh sát đã lo ngại.
Đã có những sai sót - 100.000 phiếu qua thư bị lỗi ở New York, 50.000 ở Columbus, Ohio, hay công ty phân phối bị quá tải ở Pennsylvania - nhưng không có bằng chứng về sự gián đoạn quy mô lớn như nhiều chuyên gia đã lo ngại, một khi các bang phải chuyển sang xử lý số lượng lớn cử tri muốn bỏ phiếu sớm.
Thậm chí, riêng lượng phiếu nộp qua thư cho tới nay ở một số bang còn cao hơn toàn bộ lượng phiếu qua thư trong các kỳ bầu cử trước. Như ở bang Wisconsin, lượng phiếu qua thư đang gấp 5 lần tổng phiếu qua thư của năm 2016. Bang North Carolina thì đang gấp ba lần so với năm 2016.
Lượng phiếu nộp sớm đang nghiêng hẳn về phía đảng Dân chủ. Trong 42 bang mà AP phân tích, số cử tri Dân chủ bỏ phiếu sớm vượt xa cử tri Cộng hòa với tỷ lệ 2:1.
Đây là điều dễ hiểu vì ông Trump nhiều tháng nay liên tục đưa ra chỉ trích, cáo buộc đối với việc bỏ phiếu qua thư, dù không có cơ sở. Chính gia đình ông Trump cũng bỏ phiếu qua thư trong bầu cử giữa kỳ năm 2018.
Tỷ lệ nói trên đem lại cho đảng Dân chủ chút lợi thế vào chặng nước rút của mùa tranh cử. Tại các bang chiến trường quan trọng, với việc đã “khóa” được một lượng cử tri nhất định, đảng Dân chủ có thể dồn tiền để vận động, nhắm đến các cử tri mà trước nay chưa thực sự ủng hộ họ.
Tunde Ezekiel, 39 tuổi, luật sư, cử tri Dân chủ, bỏ phiếu sớm ở Atlanta ngày 15/10, nói anh muốn chắc chắn ông Trump sẽ mất chức. “Tôi không biết tình hình sẽ thế nào vào ngày bầu cử... nên tôi không muốn mạo hiểm”.
Đảng Cộng hòa cho rằng lợi thế trong giai đoạn bỏ phiếu sớm của đảng Dân chủ không có nhiều ý nghĩa. Vì đó đều là những cử tri Dân chủ đằng nào cũng sẽ đi bỏ phiếu.
Nhưng phân tích cho thấy 8% số cử tri bỏ phiếu sớm chưa từng bỏ phiếu trước đó. 13,8% chỉ bỏ phiếu trong chưa đến một nửa số kỳ bầu cử trước đây mà họ có thể đi bầu. Các con số trên cho thấy tỷ lệ bỏ phiếu đã tăng vọt.
Cử tri xếp hàng đợi bỏ phiếu ở Austin, bang Texas, ngày 13/10. Ảnh: AP. |
Cử tri Cộng hòa đợi tới ngày bầu cử
John Couvillon, nhà thăm dò chính trị của đảng Cộng hòa, cho rằng đảng Dân chủ không thể tin cậy vào lợi thế ban đầu, vì cử tri Cộng hòa sẽ ồ ạt đi bầu ở điểm bỏ phiếu vào ngày bầu cử, và mọi cách biệt có thể biến mất chỉ trong vòng vài giờ.
Nhưng ông Couvillon nói đảng Cộng hòa, với việc coi nhẹ bỏ phiếu qua thư, đang chơi một canh bạc lớn, vì ngày bầu cử có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, bao gồm thời tiết và tình hình dịch bệnh.
“Nếu đặt hết hy vọng vào ngày bầu cử, rủi ro là khá cao”, ông nói.
Đó là vì sao dù Tổng thống Trump vẫn nói sai sự thật rằng bỏ phiếu qua thư là gian lận, chiến dịch của ông và đảng Cộng hòa vẫn khuyến khích cử tri bỏ phiếu qua thư, hoặc đi bầu sớm tại điểm bỏ phiếu. Nhưng họ không mấy thành công, và ở các bang tranh chấp, cử tri Cộng hòa vẫn ít bỏ phiếu qua thư.
Đối với bỏ phiếu trực tiếp, đang có những hàng đợi dài hàng giờ ở các bang Georgia, Texas và North Carolina vốn đã mở các điểm bỏ phiếu sớm. Nguyên nhân chủ yếu là không đủ nguồn lực để xử lý lượng người đi bầu sớm tăng vọt.
Dẫu vậy, việc bỏ phiếu trực tiếp cũng đang đạt kỷ lục, đặc biệt ở các khu đô thị đông đúc nghiêng về đảng Dân chủ.
Chẳng hạn, hạt Harris của bang Texas (có thành phố Houston) chứng kiến số phiếu kỷ lục 125.000. Ở bang Georgia, các điểm bỏ phiếu ở các thành phố có hàng đợi dài hàng giờ.
Phía đảng Cộng hòa cho rằng tỷ lệ bỏ phiếu sớm tăng vọt là điều đáng khích lệ, nhưng cũng nói chưa rõ tỷ lệ bỏ phiếu chung cuộc cuối cùng sẽ là cao hay thấp. Cử tri Cộng hòa có thể cũng quyết tâm đi bầu không kém cử tri Dân chủ, chỉ là đang đợi cho tới ngày bầu cử.
“Tỷ lệ bỏ phiếu cao có thể có lợi cho cả hai phía... vẫn còn tùy”, chiến lược gia đảng Dân chủ Tom Bonier nói. “Tình hình hiện giờ rất khả quan (cho đảng Dân chủ), nhưng ba tuần (từ nay tới bầu cử) là khoảng thời gian rất dài”.