Tuyết hồng, còn gọi là "tuyết dưa hấu" (watermalon snow) đã xuất hiện tại khu vực sông băng Presena, phía Bắc Italy. Đó là xác nhận của chuyên gia Biagio Di Mauro đến từ Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia Italy.
Tuyết hồng xuất hiện trên sông băng Presena tại Italy. Ảnh: Getty Images. |
Đây là hiện tượng tự nhiên diễn ra phổ biến vào mùa xuân và mùa hè, song Di Mauro và các nhà nghiên cứu đang lo lắng bởi hiện tượng tuyết hồng do tảo đang xảy ra thường xuyên hơn, có thể dẫn đến tình trạng băng tan nhanh.
Các nhà khoa học Italy đang điều tra sự xuất hiện bí ẩn của tuyết hồng tại khu vực sông băng Presena.
Chia sẻ với CNN, Di Mauro cho rằng nguyên nhân có thể đến từ loại tảo tên Chlamydomonas nivalis. Theo ông, mùa xuân và mùa hè năm nay có tuyết rơi ít hơn và nhiệt độ khí quyển cao, tạo điều kiện cho tảo phát triển.
Thông thường, băng phản chiếu hơn 80% bức xạ mặt trời nhưng khi tảo xuất hiện, chúng khiến băng sẫm màu hơn, hấp thụ nhiều nhiệt hơn nên tan chảy nhanh hơn. Di Mauro đặc biệt lo lắng bởi hiện tượng tuyết hồng xảy ra nhiều hơn trong năm nay.
Nhà nghiên cứu Di Mauro cho rằng nguyên nhân xuất hiện tuyết hồng đến từ sự phát triển của tảo. Ảnh: DailyMail. |
Các sông băng trên thế giới cũng đang tan chảy nhanh hơn do hậu quả của biến đổi khí hậu. Vào tháng 10/2019, nghiên cứu cho thấy sông băng ở Thụy Sĩ đã tan chảy 10% trong 5 năm qua, tốc độ chưa từng có trước đây.
Tại Nam Cực, sông băng khổng lồ Denman Glacier đã tan chảy gần 4,8 km trong 22 năm qua. Nếu sông băng tan chảy hoàn toàn, mực nước biển sẽ tăng khoảng 1,52 m.
Vào tháng 6, một hồ nước nằm trên miệng núi lửa ở bang Maharashtra (miền tây Ấn Độ) cũng bất ngờ chuyển màu sang hồng chỉ sau một đêm do sự thay đổi độ mặn và tảo trong nước.
"Độ mặn trong hồ tăng lên, mực nước giảm mạnh trong năm nay khiến tảo sinh sôi do nước hồ ấm hơn", nhà địa chất học Gajanan Kharat cho biết tảo này đổi màu khi nhiệt độ trong hồ tăng, khiến hồ nước chuyển sang màu hồng sau một đêm.