“Cạch” cơm sau lần đi viện
Cứ đến thôn Hồ Lương không cần hỏi đầy đủ tên tuổi mà chỉ cần nói tới “vua mì tôm” là từ già tới trẻ ai cũng biết về cụ Ấu (SN 1934) và chỉ đường tường tận. Người ta đặt cho cụ biệt danh đó vì “thành tích” ăn mì tôm mấy chục năm thay cơm của cụ.
Người lớn gọi lâu dần thành quen, nên con trẻ cũng bắt chước gọi theo là cụ Ấu “mì tôm”.
Tìm đến nhà cụ Ấu, chúng tôi gặp cụ đang ngồi băm rau lợn nấu cám ngoài sân. Năm nay, tuy đã 80 tuổi nhưng cụ Ấu còn nhanh nhẹn, khỏe mạnh và khá hài hước. Ngồi tiếp chuyện khách, cụ Ấu “mì tôm” cười sảng khoái nói: “Cũng vì tôi ăn mì tôm nhiều quá nên bà con vui miệng đặt thành biệt danh thôi, chứ tôi có sản xuất được mì tôm đâu mà gọi là “vua”.
Cụ Ấu cùng thùng mì tôm vụn, món ăn chính thay cơm trong mấy chục năm trời của cụ. |
Kể từ khi món ăn hàng ngày của cụ là mì tôm, cụ cũng chẳng buồn đụng đến cơm nữa, dăm bữa nửa tháng mới ăn chút cháo hay một ít cơm nếp. Cụ cho biết: “Không rõ những năm đó do ăn nhiều mì tôm nên nghiện hay sao mà khoảng hai ba năm sau, tôi cũng chẳng còn muốn ăn cháo hay cơm nếp nữa, chỉ toàn ăn mì tôm thôi. Đến nay cũng được khoảng trên ba mươi năm, tôi không đụng đến cơm gạo gì cả”.
Trở thành “vua” sau cuộc thi ăn mì tôm
Cụ Ấu ăn mì tôm thay cơm từ thời còn bao cấp, lúc đó mì còn hiếm nên nguồn “thức ăn” của cụ cũng khó kiếm lắm. Theo cụ Ấu thì khi đó chỉ có mì tôm vụn mua từ các cửa hàng phân phối thực phẩm và từ các kho của nhà máy sản xuất mì tôm chứ chẳng có mì gói như bây giờ, hoặc may mắn thì mua được mì tôm một sợi (ngày ấy một gói mì tôm chỉ có một sợi duy nhất cuộn lại – PV).
Để có mì tôm vụn, cụ phải đặt hàng khá vất vả, đi xe đạp cả ngày trời mới mua được. Tiếng là ăn mì tôm vụn nhưng cũng đắt hơn cả gạo, kinh tế thời đó khó khăn nhưng vì “trót nghiện” nên cụ phải bấm bụng mua để ăn.
Sau này, mì tôm nhiều nhưng cụ vẫn có thói quen ăn mì vụn như ngày trước.
Cụ cho chúng tôi xem cả một thùng sơn đựng toàn mì tôm vụn và nói: “Ăn mì tôm vụn nhiều cũng thành quen và nói thực cũng là để tiết kiệm một khoản. Mì gói bây giờ nhiều, nhưng đắt. Ngày nào ăn nhiều, tính ra tôi ăn tương đương hết hai cân gạo”. Mặc dù các con các cháu mua cho cụ cả chồng thùng mì tôm gói, nhưng theo thói quen, cụ vẫn mua thêm mì vụn.
Lạ một điều là dù ăn mì tôm thay cơm, nhưng cụ Ấu vẫn khỏe mạnh, làm việc bình thường như mọi người. Người khác nếu ăn mì tôm vài hôm thì hầu như chẳng có sức làm nữa và cũng chẳng thể chịu đựng được, nên có nhiều người bán tín bán nghi về chuyện cụ chỉ ăn mì tôm.
Vì vậy, cách đây khoảng gần hai mươi năm, khi đi làm thợ xây cho một một gia đình ở thôn khác, thấy cụ Ấu chỉ ăn mì tôm và còn nói là ăn mì tôm thay cơm thì có người không tin bèn thách rằng nếu cụ ăn mì tôm liền nửa tháng không đụng đến cơm mà vẫn làm việc bình thường được thì sẽ biếu cụ chục thùng mì. Cụ Ấu nhận lời thách đố, thế là trong nửa tháng xây nhà ở đó cụ ăn toàn mì tôm và vẫn làm việc bình thường.
Cuối cùng, cụ thắng cuộc. Lần đó, không những vừa được tiền công, cụ lại vừa được mì ăn trong vài tháng. Và biệt danh “vua mì tôm” của cụ cũng xuất hiện từ đó.
Thương chồng, nấu cháo mấy chục năm
Nếu cụ Ấu vô địch về ăn mì tôm thay cơm thì vợ cụ là cụ bà Nguyễn Thị Phú “vô địch” về thành tích kiên trì nấu cháo cho chồng. Hơn ba mươi năm cụ Ấu không đụng đến cơm là hơn ba mươi năm bà chăm chỉ nấu cháo cho chồng với mong mỏi chồng ăn một bát cũng được, nhưng rốt cuộc cụ Ấu cũng chẳng hề động đũa.
Thời gian đầu, thấy cụ ông ăn nhiều mì tôm quá, cụ bà ra sức khuyên: Thôi ông ăn nửa nọ, nửa kia (vừa mì tôm, vừa cơm) cho đảm bảo sức khỏe, nhưng cụ ông nhất định không chịu. Thương chồng, cụ bà lại ra sức nấu cháo bồi bổ, nhưng cụ ông vẫn không đụng đến.
Tuy vậy, cũng giống như cụ ông toàn ăn mì thay cơm, mấy chục năm nay cụ bà vẫn giữ thói quen nấu cháo dù biết ông không đụng tới. Cụ Ấu nói: “Mới đầu, bà ấy nấu, nể tôi cũng ăn chút ít, có khi nói là ăn cho bà ấy vui nhưng thực ra tôi chẳng đụng đũa. Sau này tôi bảo hẳn là không ăn, nhưng bà ấy vẫn cứ nấu, thành thói quen”.