“Ma rừng” của bản
Chân dung “dị nhân” Lô Văn Yên. |
Lô Văn Yên sinh ra bình thường như bao đứa trẻ khác. Gia đình nghèo, nhà đông anh em nên cuộc sống rất khó khăn. Mỗi năm, Yên chỉ được một bộ quần áo để mặc. Tuy vậy, đến năm 7 tuổi, Yên bỗng sinh chứng ghét mặc quần áo, kể cả khi có quần áo mới mua.
Một hôm, nhà có khách, thấy Yên không mặc quần áo, bố mẹ lấy làm xấu hổ, vội “khoác” cho con bộ quần áo. Nhưng vừa mặc quần áo xong, Yên chạy thẳng vào gian thờ của tổ tiên và ở lỳ trong ấy mấy ngày liền không chịu ăn uống gì. Gọi như thế nào Yên cũng không chịu ra.
“Dị nhân” chốn đại ngàn
Sau khi bố mẹ mất, ông Yên ở với vợ chồng em út là Lô Văn Khôn. Mặc dù nằm một chỗ nhưng ông Yên kiếm được thu nhập rất lớn từ tài lẻ của mình. Ông Lô Khăm Thiện, Trưởng bản Piêng Đồn cho biết: “Đã gần 40 năm ông Lô Văn Yên nằm một chỗ, không hề đi ra ngoài, không hề được đi học nhưng cũng không khi nào phải đi viện hay đau ốm vặt ngoài việc bị teo đôi chân. Kỳ lạ là dù nằm một chỗ nhưng người đàn ông này lại có lắm tài lẻ.
Đầu tiên là dù chưa một lần đến trường, chưa một lần được học chữ nhưng ông lại tính toán rất giỏi. Không biết mặt chữ, mặt số nhưng lại cộng trừ nhân chia rất thuần thục. Ngoài việc biết tính toán, Yên còn rất khéo tay, đan lát, đặc biệt là đan chài, lưới, đan rổ rá”.
“Dị nhân” đang thoăn thoắt đan lưới. |
Từ sau ngày ông Yên mắc bệnh không đi đâu, không ra khỏi nhà mà chỉ nằm nguyên một chỗ trên chiếc giường riêng của mình thì cả người nhà và người làng, bạn bè chưa một lần thấy Yên tắm gội. Điều lạ là dù không tắm gội nhưng cũng không hôi hám. Người nhà cũng theo dõi nhưng suốt mấy ngày liền, Yên vẫn nằm bất định, không rời nửa bước, ông vẫn ăn uống bình thường như bao người.
“Gia đình đành làm cho nó cái phòng ở riêng phía trong nhà để tiện sinh hoạt. Nhưng kỳ lạ, mấy chục năm nay nó cứ quấn chăn kín đầu và quanh người chứ không chịu mặc quần áo”, ông Lô Văn Dũng - anh trai ông Yên cho biết.
Không chỉ vậy, ông Lô Văn Yên còn biết đan lưới, vá lưới của bà con dùng để đánh cá trên sông Lam. Ông cho biết: “Mỗi cái chài ông đan khoảng 15-20 ngày, học đan chài khoảng 1 tiếng từ người dưới xuôi lên nên tự làm được”.
Cũng nhờ vậy mà ông Yên trở thành người vá, sửa, đan chài lưới của cả bản. Các loại câu vướng, câu móc ông đều làm được dù cả ngày nằm trên giường. Mỗi bộ chài ông đan được mọi người trả công khoảng 300.000 đồng/cái. Ông bảo, chỉ làm giúp bà con trong bản thôi, người ngoài thì không làm. Phải làm cho kịp giúp bà con mới có đồ để bắt cá, gùi măng, gùi bắp về để kiếm cái ăn hằng ngày. Người dân trong bản này, ai cũng nghèo đói cả.
Mặc dù, ông Yên không ra khỏi nhà nhưng mọi thông tin thời sự ông đều nắm được hết. Ông có một trí nhớ rất tốt. Vì vậy, mọi người trong bản thường gọi ông Yên là ông “truyền thông”. Ông Yên giờ được hưởng chế độ trợ cấp cho người tàn tật mỗi tháng, ngoài ra ông còn kiếm thêm tiền bằng việc đan lưới, chài, thúng, rổ rá nên cuộc sống gia đình cũng bớt phần khó khăn so với trước đây.
Một điều kì lạ ở đây, mặc dù không học qua một lớp đào tạo, không ai chỉ dạy nhưng ông Yên có thể mày mò sửa chữa được tất cả các đồ dân dụng. Và dân bản cho rằng, “ma” mới có thể làm được những điều kì diệu như vậy. Một con người bình thường thì phải đi giải, đi tiểu nhưng ông thì không.
Thấy mọi người đồn đại về anh trai mình, nhiều lần vợ chồng anh Khôn đã lén theo dõi. Nhưng ông Yên cũng không có biểu hiện gì bất thường . Những câu chuyện về “ma rừng” mang màu sắc mê tín dị đoan mà bà con nơi đây thêu dệt rõ ràng là không có thật, nhưng người đàn ông quái dị với những khả năng kỳ lạ thì lại đang tồn tại giữa đời thực. Đâu là nguyên nhân biến một cậu bé khỏe mạnh thành một “dị nhân” như ông Lô Văn Yên thì vẫn đang là một ẩn số.