Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Kỳ công nghề huấn luyện 'sát thủ bầu trời'

Với đôi mắt tinh, bộ móng vuốt sắc nhọn, những loài chim được mệnh danh là "sát thủ bầu trời" lao nhanh như cắt để tóm gọn mục tiêu theo kế hoạch của người điều khiển.

Đã thành thông lệ, vào sáng Chủ nhật hàng tuần, trên một bãi đất rộng thuộc phường Tứ Liên (quận Tây Hồ, Hà Nội), các thành viên đam mê bộ môn nghệ thuật huấn luyện chim săn mồi Falconry lại tụ họp về đây để cùng nhau luyện tập, biểu diễn kỹ nghệ thuần phục loài chim được mệnh danh là “sát thủ bầu trời”.

Được biết, mỗi ngày, người chơi phải dành ít nhất 1-2 giờ cho chim luyện bay, săn mồi ở ngoài trời. Riêng công đoạn tỉa lông, cắt móng, mài mỏ cho chim cũng được họ dành thời gian đặc biệt để chăm sóc kỹ lưỡng không khác gì việc nuôi “con mọn” trong gia đình.

Càng chơi, càng nghiện

Theo tìm hiểu, nghệ thuật huấn luyện chim săn mồi Falconry được bắt nguồn từ Trung Đông. Bộ môn nghệ thuật này đã du nhập vào Việt Nam khoảng 10 năm nay thế nhưng rất “kén” người chơi.

Những loài chim săn mồi bao gồm các loài như: Chim ưng Ấn Độ, đại bàng ưng, chim cắt nhỏ, cắt Pere (chim cắt lớn), đại bàng núi, đại bàng bụng hung, đại bàng thảo nguyên... Để sở hữu trong tay những “sát thủ bầu trời”, người chơi phải có giấy phép hợp pháp và phải bỏ ra một phần chi phí không hề nhỏ, tùy theo “đẳng cấp” từng loài.

huan luyen chim san mo anh 1

Các bài tập săn mồi được đưa ra liên tiếp để kích thích bản năng sinh tồn của chúng.

Do đặc tính tự nhiên, những loài chim săn mồi đều có bản tính khá hung dữ, thiện chiến. Để huấn luyện chim quen dần với các bài tập, ban đầu người chơi phải tìm cách “thuần tính” chúng bằng việc sử dụng những thiết bị như vòng đeo số, mũ đội đầu (hood), cầu đứng, dây da chống xoắn để cho chim bình tĩnh, biết nghe lời và bớt hung hăng.

Từ quá trình huấn luyện cũng như đi săn thực tế, người nuôi phải coi chim săn là đối tác, cộng sự của mình vì chúng tác chiến hoàn toàn độc lập. Các dụng cụ chuyên dụng khác cũng không thể thiếu như chuông, còi, mồi săn giả, găng tay da ba lớp... để phục vụ cho việc huấn luyện chim. Trong đó, đắt đỏ nhất là thiết bị định vị GPS, có giá nhập khẩu từ nước ngoài là 20 triệu đồng. Thiết bị này giúp người chơi xác định vị trí chim bay trong khi luyện tập hoặc phát ra tín hiệu để thu hút chim bay về điểm tập kết.

Gắn bó hơn 10 năm với bộ môn nghệ thuật này, anh Nguyễn Phương Quỳnh (sinh năm 1982, quận Tây Hồ) đã nhiều năm liền làm thành viên ban giám khảo cho các cuộc thi Falconry lớn nhỏ tại hai miền Nam, Bắc. Anh từng chơi các dòng chim săn mồi: Đại bàng, chim cắt, chim ưng... và cho rằng, mỗi loài chim đều có thế mạnh riêng, nhưng càng chơi lại càng nghiện nặng. Đại bàng thì chinh phục người xem bằng lối bay đẹp, sải cánh dài, rộng như chế ngự cả bầu trời. Chim cắt thì có tốc độ bay nhanh và cách thức săn mồi tuyệt diệu.

“Khó khăn nhất trong việc huấn luyện chim săn mồi chính là việc kiểm soát trọng lượng cơ thể. Nếu cho chim ăn quá no, ngay lập tức mọi hiệu lệnh của người điều khiển đều trở nên vô ích. Lý tưởng nhất là lượng thức ăn vừa đủ, nhằm kích thích và tạo động lực cho chim chủ động tác chiến với con mồi”, anh Quỳnh cho hay.

Huấn luyện những “linh hồn” của gió

Tạo hoá đã “trang bị” cho những loài chim này một đôi mắt tinh tường, mỏ và bộ móng sắc nhọn, kết hợp với tốc độ bay, bắt mồi trong chớp mắt khiến chúng trở thành nỗi khiếp đảm của những loài chim nhỏ, rắn, chuột, thỏ, sóc... Yêu thích phong thái dũng mãnh, tốc độ săn mồi nhanh như tên lửa, cùng những cú chao liệng trên không đẹp mắt, các thành viên thuộc Câu lạc bộ huấn luyện chim săn mồi Hà Nội (trực thuộc Bảo tàng sinh vật, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) đã thường xuyên có những buổi “offline” để cùng chia sẻ kinh nghiệm về cách nuôi dưỡng, nhân giống cũng như thuần phục đối tác của mình.

Là một trong những người chơi nhỏ tuổi nhất, Dương Sinh (sinh năm 1999, quận Nam Từ Liêm) tâm sự, chim săn mồi có đặc tính thông minh nhưng cũng rất bạc. Trong quá trình huấn luyện, nếu người nuôi tỏ thái độ áp đặt quá mức, hay to tiếng, dọa nạt thì chim sẽ không hợp tác, không nghe theo hiệu lệnh chỉ huy mà tự động bỏ đi mất. Dòng chim săn mồi vốn quen với việc bay lượn, nếu bị nhốt trong lồng quá lâu, chẳng mấy chốc chúng sẽ đổ bệnh. Những người nuôi cũng không muốn thấy “cộng sự” của mình sống gò bó, tù túng trong một chiếc lồng chật hẹp.

Để điều phối chim săn mồi, người huấn luyện chim chủ yếu phải dùng đến thức ăn để dẫn dụ. Hàng ngày, người chơi sẽ phải cân đối lượng thức ăn chia theo tỉ lệ bằng 1/10 trọng lượng của chim. Trong quá trình nuôi cũng phải quan sát tập tính, từ đó cân đối dinh dưỡng trong các khẩu phần ăn. Đối với những bài tập săn mồi giả, thường người huấn luyện được sử dụng trong quá trình rèn rũa chim non khi chúng chưa thành thục kỹ năng săn mồi. Chỉ chưa đầy một tháng, nếu kiên trì, người nuôi có thể huấn luyện chim nghe theo khẩu lệnh của mình.

huan luyen chim san mo anh 2

Chú chim cắt linh hoạt được chủ nhân gắn trên lưng chiếc định vị GPS.

Việc chăm sóc loài chim săn mồi này cũng được các thành viên trong câu lạc bộ liệt vào hàng đặc biệt. Thường thức ăn của chúng là các loại thịt sống, loại thịt có xương như chim cút, bồ câu... Người nuôi phải hạn chế các loại thức ăn có nhiều mỡ, giàu đạm. Người nuôi không được cho cộng sự của mình ăn đồ quá lạnh hay đồ ăn đã ôi thiu vì chim sẽ dễ bị tiêu chảy và suy nhược cơ thể. Nếu không kiểm soát trọng lượng cơ thể tốt, cho chim ăn no hơn mọi ngày thì mọi phương pháp huấn luyện sẽ không có hiệu quả. Để không mất tiền oan, người mới tập chơi nên huấn luyện những loại chim nhỏ như diều hâu trắng, chim cắt vì chúng khá dễ nuôi, lỡ chim có bệnh chẳng may chết cũng không tiếc nuối.

Để tìm hiểu về kỹ thuật chơi Falconry chuyên nghiệp, các thành viên trong câu lạc bộ đã thường xuyên nghiên cứu, đọc và phiên dịch các tài liệu tham khảo từ nước ngoài. Trải qua quãng thời gian dài gắn bó, điều mà những người chơi bộ môn nghệ thuật Falconry cảm thấy vui nhất đó là có môi trường để giao lưu, học hỏi, chia sẻ với bạn bè trong nước và quốc tế có cùng niềm đam mê. Những loài chim được mệnh danh là “sát thủ bầu trời”, qua quá trình rèn luyện đã trở nên gần gũi hơn với con người. Những pha chao trên không trung liệng đẹp mắt, cú rượt đuổi con mồi gay cấn... đó là những giây phút người huấn luyện loài chim này sẽ nhớ mãi không quên.

Tàu Cát Linh - Hà Đông chạy gần 300 chuyến trong ngày đầu vận hành thử

9 đoàn tàu Cát Linh - Hà Đông được gần 50 lái tàu thay nhau vận hành hết công suất trong ngày đầu chạy thử. Tại mỗi ga, đoàn tàu dừng lại 30-45 giây như khai thác thương mại.

https://laodong.vn/xa-hoi/ky-cong-nghe-huan-luyen-sat-thu-bau-troi-861358.ldo

Theo Lan Nhi - Phạm Đông/Lao Động

Bạn có thể quan tâm