Đám đông vỗ tay lịch sự khi đội danh dự biểu diễn xoay súng, ồ lên trước màn trình diễn taekwondo, nhưng không khí chỉ vỡ òa lúc ban nhạc xuất hiện.
Một trong các thành viên của ban nhạc là Jung Yun Ho, nghệ sĩ được yêu thích bậc nhất trong Kpop - chữ viết tắt của âm nhạc đại chúng Hàn Quốc. Jung, với chiếc áo thun đen có dòng chữ "Korea Army" (quân đội Hàn Quốc), đang trong thời gian nghĩa vụ quân sự bắt buộc của mình.
"Đây là ban nhạc tôi đã thành lập trong quân ngũ", Jung hét lên, giới thiệu các nhạc công đang chơi phía sau mình. 2.500 người hâm mộ reo hò trong sung sướng, tay vẫy bong bóng và poster có hình Jung.
Trong khi đó, ban nhạc trình diễn đến Mirotic, một trong những ca khúc được yêu thích nhất của Dong Bang Shin Ki, nhóm nhạc Jung tham gia trước khi nhập ngũ.
Bất chấp việc đang phục vụ trong quân ngũ, Jung Yun Ho vẫn là "ngôi sao" trong lễ hội của quân đội. Ảnh: New York Times |
'Đại sứ thiện chí' cho quân đội
Quân đội các nước đều có những ban nhạc với thành viên là binh sĩ tại ngũ nhưng không nơi nào như Hàn Quốc.
Ở Hàn Quốc, đất nước vẫn còn trong tình trạng chiến tranh với Triều Tiên, nam giới tuổi từ 18 đến 35 bắt buộc phải phục vụ trong quân ngũ 18 tháng. Không có bất cứ ngoại lệ nào cho các nghệ sĩ nam, bất chấp thu nhập, vị thế của họ bị thiệt hại đáng kể trong thời gian nhập ngũ. Ở bất cứ thời điểm nào, cũng luôn có một số lượng nghệ sĩ nam đến tuổi không thể trì hoãn nghĩa vụ quân sự được nữa.
Trước đây, các nghệ sĩ khi nhập ngũ được xếp vào một đơn vị riêng nhưng đơn vị này đã bị giải tán sau một loạt các vụ bê bối liên quan đến những binh sĩ "ngôi sao".
Hiện nay, các nghệ sĩ được phân bổ đi nhiều đơn vị khác nhau và thỉnh thoảng biểu diễn cho đồng đội. Ngoài ra, mỗi năm một lần, quân đội tổ chức một sự kiện quảng bá kéo dài 6 ngày, nơi người dân, chủ yếu là người hâm mộ, có thể xem thần tượng của họ biểu diễn miễn phí.
Lễ hội này bao gồm cả trình diễn chiến đấu bằng tay không, nhảy dù, trưng bày xe tăng, bệ phóng tên lửa và trực thăng Chinook. Lễ hội năm nay của quân đội Hàn Quốc, diễn ra hồi tháng 9, thu hút 1 triệu người dân đến dự.
Các nghệ sĩ "ngôi sao" đã kéo theo một lượng lớn công chúng cho sự kiện quảng bá của quân đội. Ảnh: New York Times. |
"Quân đội trông có vẻ là lực lượng rất đáng sợ. Nhưng khi các nghệ sĩ này nhập ngũ, mọi người đều biết họ. Chúng tôi muốn nhờ tài năng của họ để làm mềm đi hình ảnh của quân đội", Thượng tá Lee Jong Eung, trưởng bộ phận tổ chức lễ hội, cho biết.
Người hâm mộ vốn chỉ đến để xem "ngôi sao" của họ nhưng một số cũng bị ấn tượng khi xem màn trình diễn của các binh sĩ khác.
"Thường thì tôi không biết quân đội làm gì, hình ảnh của họ với tôi luôn khô khan và đáng sợ. Nhưng họ có vẻ rất quyết tâm. Tôi cảm thấy ấn tượng căng thẳng của mình về họ đã dịu đi", Park Eun-kyung, 36 tuổi, và là người hâm mộ Jung Yun Ho, cho biết.
Kpop cũng được sử dụng như một hình thức tâm lý chiến trong thời gian căng thẳng leo thang giữa Hàn Quốc và Triều Tiên. Năm 2015, khi Hàn Quốc cho phát lại loa tuyền truyền ở biên giới hai nước, các bài hát của nhóm Big Bang hay Apink cũng được bật lên. Bình Nhưỡng khi đó đã đe dọa tiến hành "chiến tranh toàn diện" nếu Seoul không tắt loa.
Hệ thống loa phóng thanh tuyên truyền do Hàn Quốc bố trí tại biên giới Triều Tiên - Hàn Quốc. Ảnh: Getty. |
Kpop là một trong những "mặt hàng xuất khẩu" nổi tiếng nhất của Hàn Quốc, thu hút người hâm mộ trên khắp châu Á và lan ra cả thế giới. Lễ hội vừa qua của quân đội Hàn Quốc có sự góp mặt của người hâm mộ từ Nhật Bản, Trung Quốc, Đức, Hungary và cả Morroco.
"Đối với Triều Tiên, Kpop được sử dụng như một vũ khí để chiến đấu. Trong đất nước chúng ta và giữa người người bạn, người hâm mộ, nó lại là công cụ thắt chặt tình thân", giáo sư Katharine H. S. Moon của trường Wellesley College (Mỹ), nói.
Khi 'ngôi sao' vào quân ngũ
Tuy nhiên, các nghệ sĩ cũng không ít lần dính vào các vụ bê bối trong quân ngũ, hoặc nhằm trốn ngũ.
Năm 2002, Yoo Seung-jun, một trong những nghệ sĩ ăn khách nhất Hàn Quốc lúc bấy giờ, nhập quốc tịch Mỹ chỉ vài tháng trước khi nhập ngũ. Yoo sau đó bị cấm nhập cảnh Hàn Quốc. Tháng trước, tòa xử thua Yoo sau khi anh khởi kiện đòi lại quyền nhập cảnh.
Nghĩa vụ quân sự có thể là gánh nặng với nhiều nam giới Hàn Quốc, tuy nhiên, theo quan điểm chính thống, công chúng vẫn yêu cầu các nghệ sĩ hoàn thành trách nhiệm của mình với đất nước và những người trốn tránh sẽ hứng chịu chỉ trích nặng nề.
Ngoài ra, nhiều "ngôi sao" được cho đang chi tiền để được hưởng đặc quyền trong thời gian phục vụ quân ngũ. Tại lễ hội hồi tháng 9, một nhóm 5 nghệ sĩ đã rút vào một căn lều có điều hòa, ngồi uống nước mận ép, trong khi các thành viên khác trong ban nhạc của họ ngồi sau sân khấu ăn snack.
Công chúng có xu hướng yêu cầu các nghệ sĩ phải hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ với quốc gia, những người từ chối hoặc trốn tránh thường khó "sống sót" trong làng giải trí sau đó. Ảnh: AFP. |
Tuy nhiên, Cho Gae-hyuk, binh sĩ soạn nhạc cho vở nhạc kịch về Chiến tranh Triều Tiên trình diễn trong lễ hội vừa qua, lại nói rằng anh ta rất bất ngờ về tác phong làm việc của các nghệ sĩ. Cho đã ở chung doanh trại với 5 nghệ sĩ trong 4 tháng.
"Chúng tôi ở với họ cả ngày. Họ rất kỷ luật, trông họ còn giống các binh sĩ thực thụ hơn những binh sĩ trẻ ở đây", Cho cho biết.
Trong lúc quân đội Hàn Quốc muốn nhờ các "ngôi sao" để tạo nên hình ảnh thân thiện hơn trong mắt công chúng, bản thân các nghệ sĩ cũng có thể hưởng lợi từ thời gian đi nghĩa vụ quân sự của họ.
Hình ảnh người quân nhân Hàn Quốc được thể hiện trên các sản phẩm giải trí là những người kiên cường, sống hết mình vì danh dự của tổ quốc. Hậu duệ mặt trời - bộ phim truyền hình về chuyện tình của đội trưởng lực lượng đặc nhiệm trong quân đội và một nữ bác sĩ - đã đạt thành công lớn trong năm qua.
Oh Ingyu, một giáo sư tại Đại học Hàn Quốc (Seoul) và là tổng thư ký Hiệp hội Thế giới về Nghiên cứu Hàn lưu (làn sóng Hàn Quốc), cho biết một số nghệ sĩ, dù có hộ chiếu Mỹ, vẫn đang tìm cách nhập ngũ. Cả trong trường hợp Hàn Quốc bãi bỏ chế độ nghĩa vụ quân sự bắt buộc (việc này đang được tranh cãi), nhiều nghệ sĩ vẫn coi thời gian quân ngũ là một đảm bảo cho sự nghiệp của họ.
"Anh không nghĩ rằng một nghệ sĩ đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự thì nổi tiếng hơn sao?", Nam Kyung-pil, Thống đốc tỉnh Gyeonggi và có thể sẽ ra tranh cử tổng thống năm 2017, nhận định. Ông Nam là người ủng hộ ý tưởng về một quân đội "nhỏ và mạnh" với lực lượng tự nguyện.