Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Kokoro': Ứng xử với nền văn hóa khác như thế nào?

Khi tiếp xúc với văn hóa khác, không cần thu nạp lượng thông tin lớn hỗn độn, cần nắm nguyên lý chi phối chúng từ tư tưởng thiên tài đến ứng xử người dân.

Giai đoạn đẹp nhất trong sự nghiệp của nhà văn Lafcadio Hearn (1850 - 1904) là 14 năm cuối cùng tại Nhật Bản, nơi ông làm song song hai công việc. Một là sáng tác những cuốn sách diễn giải văn hóa Nhật Bản. Kokoro - Những ám thị và âm vang trong đời sống nội tâm Nhật Bản xuất bản năm 1895 thuộc loại công việc này.

Hai là ông trở thành giáo sư ngoại quốc đầu tiên tại Nhật Bản sau cuộc cải cách dưới thời vua Minh Trị. Từ năm 1896 đến 1902 ông đảm nhận bộ môn Văn chương Anh tại Đại học Hoàng gia Tokyo. Sau khi ông mất năm 1904, học trò tập hợp vở ghi chép để xuất bản những bài giảng. Nó là một cơ sở để người đời sau diễn giải những cuốn sách của ông về Nhật Bản.

Tiep can van hoa khac nhu the nao anh 1
Tác giả Lafcadio Hearn.

Trong bài giảng Về đọc và quan hệ của nó với văn chương, Lafcadio Hearn đề nghị coi văn chương như một công trình khoa học vì chúng đều đặt trên nền móng là những nguyên lý tốt nhất sự hiểu biết của con người. Do đó chúng ta có thể diễn giải tập tiểu luận Kokoro theo đề nghị của tác giả.

Đầu tiên, không một khoa học nào tồn tại mà không có giả định. Nếu ta chấp nhận giả định rằng văn hóa Nhật Bản là một tổng thể, thì có thể nghiên cứu nó như một anh chàng bắt đầu học ngoại ngữ bằng cách diễn dịch ngữ pháp cho sẵn.

Điều này ông đã nói trong bài giảng Một ghi chép về việc nghiên cứu Shakespeare. Lafcadio Hearn khuyên sinh viên chớ dại mà đâm đầu nghiên cứu ngay ngôn ngữ của tác giả. Điều đầu tiên anh cần làm là biết được bối cảnh văn hóa họ khác bối cảnh của mình như nào. Tức là Lafcadio Hearn yêu cầu khi tiếp xúc với sự khác biệt thì trước hết, một người học không cần thâu nạp lượng thông tin lớn nhưng hỗn độn, mà nắm lấy nguyên lý chi phối tất cả những gì thuộc văn hóa đó từ tư tưởng của thiên tài đến những ứng xử bình thường của người dân.

Tiep can van hoa khac nhu the nao anh 2
Bìa sách Kokoro - Những ám thị và âm vang trong đời sống nội tại Nhật Bản

Sau khi xác định được cách làm, ông đi tìm nguyên lý của văn hóa Nhật Bản nằm ở sự đối lập của nó với văn hóa Châu Âu. Lafcadio Hearn quan niệm rằng con người là một loài, nên có những khả năng bẩm sinh giống nhau (những thiên tài là ngoại lệ). Vì vậy lý do văn hóa Châu Âu khác văn hóa Nhật Bản nằm ở một điều mà con người bị quy định từ ngàn đời, là địa lý. Nói cách khác, địa lý chi phối một phần lớn cách ứng xử vật chất của con người.

Châu Âu được thiên nhiên phú cho một địa lý thuận lợi để con người sinh sống và sản xuất. Còn Nhật Bản thì nằm trong vành đai núi lửa Thái Bình Dương, nên không thể tránh khỏi những đợt thiên tai bất tận. Chính sự đối lập này quy định nguyên lý của hai văn hóa mà Lafcadio Hearn nêu lên trong tiểu luận Thiên tính của văn minh Nhật Bản. Mục đích của văn hóa châu Âu là hướng đến cái trường tồn. Ngược lại, văn hóa Nhật Bản chấp nhận một nguyên lý bất biến của thiên nhiên là vô thường. Và nó tạo ra vô số biểu hiện mà Lafcadio Hearn ghi lại với sự kinh ngạc.

Những ngôi nhà của người châu Âu cuối thế kỉ 19 ở Nhật Bản to lớn và vững chãi đối lập với nhà của người bản địa được xây đơn giản và ít tốn kém. Với không gian tôn giáo thì cách ứng xử của người Nhật vẫn nhất quán. Một ngôi đền thần đạo được dựng đơn giản và luôn hạ giải để xây mới sau 20 năm. Vì những nơi này không được tạo nên để tồn tại mãi.

Người châu Âu bị trói buộc bởi chính những hàng hóa mà anh ta sản xuất ra. Còn người Nhật không bị đồ vật ám. Do đó anh ta có thể tự do di chuyển quanh “mảnh đất của vô thường” với hành lý được chuẩn bị trong năm phút.

Nhưng ông hiểu rằng để ứng xử với sự khác biệt thì phương pháp không phải tất cả, mà trước hết là từ con tim.



Đăng Thành

Bạn có thể quan tâm